Giá xăng dầu giảm liên tục nhưng cước vận tải chưa giảm?: Còn chờ… tính toán
(Cadn.com.vn) - Các hãng vận tải cho biết chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 30 - 45% giá cước vận tải. Thế nhưng trong 3 tháng qua giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải mà đặc biệt là cước taxi vẫn “neo”. Nghịch lý này đã gây bức xúc đối với người dân nhưng cơ quan chức năng quản lý thì “bó tay”...
* Thừa nhận giá thành đã đủ “hạn mức” để giảm giá, ông Thân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, giá xăng giảm 12,7%, giá dầu giảm 13,2%, trong khi đó chi phí xăng dầu chiếm 40-50% tổng chi phí vận tải. Nếu giá xăng dầu giảm sâu như hiện nay và ổn định trong thời gian dài thì các DN vận tải phải tính toán lại để có hướng giảm giá cước. Loại hình vận tải phải giảm đầu tiên, theo tính toán của ông Thanh là các đơn vị taxi. Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tương ứng với 12,7% thì giá cước taxi có thể giảm tương ứng được 5-6%, bằng khoảng 600-1.000 đồng tùy từng hãng. “Còn với xe tải, sẽ không giảm được nhiều, việc điều chỉnh cước các DN cũng phải “nhìn mặt nhau”. DN được tự chủ quyết định, nếu họ giữ giá cước cao sẽ mất khách hàng. Vì vậy, điều chỉnh thế nào thì chủ các DN phải tự tính toán”, ông Thanh chia sẻ. |
Giá xăng dầu trong thời gian qua đã giảm 9 lần, chỉ tính từ giữa tháng 7-2014 và trong vòng 10 ngày gần đây, giá xăng dầu giảm liên tục hai lần và mức giảm hơn 3.300 đồng/lít so với đầu tháng 7 (từ 25.640 đồng/lít xuống còn 22.340 đồng/lít) và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Việc giá xăng giảm được người tiêu dùng và thị trường đón nhận như một tín hiệu vui trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Xăng dầu giảm giá được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến mặt bằng giá cả nói chung. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải lại không chịu giảm!
Theo các hãng vận tải hàng hóa và hành khách trên địa bàn thành phố, giá nhiên liệu chiếm từ 30- 45% tổng chi phí của ngành vận tải. Do đó, cứ mỗi khi giá xăng dầu tăng, các DN vận tải lập tức phản ứng nhanh theo kiểu “nước lên thuyền lên” nhưng đến nay đã qua 3 tháng với 9 lần giảm giá tương ứng với mức giảm khoảng 12,8% mà giá cước vẫn giậm chân tại chỗ. Nghịch lý này đã trở thành “bệnh khó chữa” đối với ngành vận tải và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vận tải, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Phải chăng các DN vận tải đang làm lơ với việc giảm giá cước?
Nêu nguyên nhân chưa thể giảm cước, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, kiêm Giám đốc Cty CP Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ cho biết hiện nay ngoài giá nhiên liệu giảm, vẫn còn tồn tại nhiều loại phí ở mức cao và có xu hướng tăng như phí bảo trì đường bộ tăng 180 ngàn đồng/xe, phí định vị GPS tăng 200 ngàn đồng/tháng, phí bảo hiểm cho người lao động tăng 100 ngàn đồng/tháng, tiền lương, tiền điện, nước… những chi phí này vẫn không thể giảm đã gián tiếp ảnh hưởng đến giá cước taxi, do đó việc giảm giá cước taxi sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh đó, mỗi lần tăng giá xăng dầu, biên độ tăng khá lớn, có khi tăng đến 30%, nhưng khi giảm thì nhỏ giọt. Từ tháng 3-2013 khi xăng dầu tăng giá, cước taxi cũng điều chỉnh tăng theo nhưng kể từ đó đến tháng 7-2014, nhiều lần xăng dầu tăng giá nhưng cước taxi vẫn không điều chỉnh tăng giá cước để hỗ trợ khách hàng nên họ cũng khó có thể giảm giá cước trước các đợt giảm giá xăng dầu vừa qua. Ông Nhân cho biết thêm, với việc xăng dầu giảm như hiện tại mỗi ki-lô-mét chi phí nhiên liệu giảm khoảng 800 đồng và Hiệp hội taxi Đà Nẵng sẽ họp bàn với các thành viên để thống nhất phương án giảm giá cước trong thời gian đến.
Các hãng taxi cần giảm giá cước để chia sẻ khó khăn với khách hàng. |
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng đơn vị sở hữu hơn 400 đầu xe taxi thương hiệu Taxi Tiên Sa cho rằng: Giá xăng dầu giảm nhưng biên độ giá giảm quá thấp, chưa đủ bù so với các đợt tăng giá trước đó. Đáng nói, khi xăng dầu tăng giá mạnh trước đó, đơn vị đã phải “cầm cự”, không tăng giá cước để bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường. Các đợt giảm giá nhiên liệu vừa qua có chăng chỉ giúp doanh nghiệp bù một phần chi phí những đợt tăng trước và áp lực chi trả phí bảo trì đường bộ ngày càng cao.
Ông Trần Phi Hùng, Giám đốc Cty CP Vận tải và Thương mại Đà Nẵng (taxi Sông Hàn) thì cho rằng, mỗi lần xăng tăng thì tăng cao nhưng giảm lại nhỏ giọt, hơn nữa điều chỉnh giá cước phức tạp nào là lập trình lại hệ thống tính tiền, cài lại đồng hồ mất nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, ông Quang cho biết thêm, để chia sẻ với khách hàng cũng như kích cầu tiêu dùng Tiên Sa đang tính toán phương án giảm giá cước và áp dụng trong tháng 11 tới…
Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đà Nẵng, đại diện Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng, khi xăng dầu tăng giá lập tức các hãng vận tải “kêu ca than thở” và điều chỉnh giá. Tuy nhiên, việc xăng dầu giảm giá mạnh kéo dài trong thời gian dài, hơn ai hết các hãng vận tải phải tính toán để giảm cước nhằm chia sẻ khó khăn và thể hiện đạo đức kinh doanh đối với khách hàng...
Xuân Đương
* Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn về cơ chế sử dụng Quỹ Bình ổn giá, cơ chế điều hành giá xăng dầu... Theo thông tư này, chi phí kinh doanh xăng dầu bình quân định mức được nâng lên 1.050 đồng/lít xăng, 950 đồng/lít với diesel, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu mazut (quy định trước đây chỉ có hai mức 860 đồng/lít xăng, dầu diesel, 500 đồng/kg với dầu mazut. Doanh nghiệp sẽ phải trích quỹ bình ổn xăng dầu thường xuyên ở mức 300 đồng/lít (trừ khi có hướng dẫn khác của liên bộ). Lợi nhuận phát sinh từ tiền gửi ngân hàng của quỹ sẽ phải tính gộp vào quỹ. Các ngân hàng nơi doanh nghiệp đầu mối mở tài khoản quỹ bình ổn sẽ phải định kỳ hàng tháng gửi sao kê tài khoản về Bộ Công Thương. Thông tư mới cũng cụ thể hóa quy định Bộ Công Thương sẽ chủ trì điều hành giá thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Thông tư mới nêu nếu giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng đến 3%, nếu liên bộ công bố giá cơ sở, không công bố sử dụng quỹ bình ổn, doanh nghiệp đầu mối sẽ được tự điều chỉnh giá. T.N |