Báo Công An Đà Nẵng

Giấc mơ thoát nghèo nơi đại ngàn

Thứ tư, 24/06/2020 20:00

Nằm dưới chân núi Ngọc Linh, 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh của H. Đăk Glei (Kon Tum) được xem là 2 xã xa nhất của địa phương này. Dù đất đai màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám từ đời ông, đời cha và cả những đứa trẻ nơi đây khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm xấp xỉ 80%.

Nguồn thu nhập chính của người dân 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh vẫn là những ruộng lúa 1 vụ trên những triền núi.

Đẹp nhưng nghèo

Không ai không òa lên với vẽ ngỡ ngàng khi đặt chân đến 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh bởi cảnh núi rừng hoang sơ và những cung ruộng bậc thang đẹp như bức tranh. Thế nhưng, để đến được nơi này cũng là quãng đường vẫn còn nhiều khó khăn, tính từ trung tâm TP Kon Tum đến nơi cũng khoảng 200km. Nằm giữa bốn bề núi, 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh hầu hết là bà con người Xê Đăng sinh sống. Vẫn giữ nếp sống cũ, bà con nơi đây vẫn dựng làng ở lưng chừng núi nơi bốn mùa mây phủ khiến việc đến những ngôi làng này trở nên càng khó khăn hơn.

Không chỉ địa hình trắc trở, chia cắt bởi những dãy núi mà cái nghèo vẫn đeo bám tận các làng. Mường Hoong với 823 hộ thì có tới 592 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ trên 80% dân số toàn xã. Trong khi đó, xã Ngọc Linh cũng rơi vào tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh này khi trên 83% trong tổng số 721 hộ là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của 2 xã này cũng chỉ đạt từ 20 - 23 triệu đồng/người/năm. Đời sống khó khăn khiến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng nhẹ cân dưới 5 tuổi của 2 xã đều chiếm 43%, tình trạng bỏ học, nghỉ học luôn thường trực ở nơi này. Chưa kể, tập quán, phong tục lạc hậu khiến tư duy, nhận thức của bà con còn hạn chế.

Ngày tôi có mặt tại xã Ngọc Linh, chỉ vì một vụ TNGT làm 1 người chết, học sinh của 1 thôn đã phải nghỉ học 3 ngày vì không dám đi qua đoạn đường xảy ra vụ tai nạn. Cho rằng đó là "cái chết xấu" nên cả làng không dám cho con em mình đến trường và kể cả đi qua đoạn đường này ra xã.

Theo chân A Mơt (thôn trưởng thôn Long Năng, xã Ngọc Linh) về thôn, chúng tôi không khỏi rùng mình khi vượt qua dốc núi chót vót. Con đường bê-tông vào thôn dù đã được xây dựng nhưng cũng hư hỏng sau những trận mưa tầm tã. Bên thung núi, 93 nóc nhà của 93 hộ dân nằm rải rác quanh các sườn, trước mắt là đỉnh Ngọc Linh với phần yên ngựa đặc trưng. Những căn nhà gỗ đơn sơ, bao quanh là núi và những ruộng bậc thang. AMơt tâm sự: 93 hộ thì có đến 83 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, còn 7 hộ thì cuộc sống tàm tạm thôi! Bà con ở đây đều chủ yếu sống nhờ vào ruộng lúa nước nhưng chỉ làm được 1 vụ, còn mùa khô thì không có nước. Thế nên, bao năm nay cũng chỉ đủ ăn.

Thứ quý giá nhất của mỗi hộ gia đình ở đây có lẽ là chiếc xe máy đã cũ, cọc cạch khi leo lên những dốc núi để đưa người đi làm rẫy hay ra xã. Trong mỗi căn nhà gỗ không thấy một vật dụng gì dù điện đã đến tận mỗi nhà. Có lẽ, tivi, tủ lạnh là thứ xa xỉ của ngôi làng này. Trong thôn, những đứa trẻ đen nhẻm vì bụi đất, nhiều đứa trẻ không đến trường bởi xa trung tâm xã, đường dốc núi chót vót mà sức người lớn đi cũng đã chật vật. Ngoài lúa 1 vụ ra, hầu hết bà con chưa trồng thêm cây, con gì để phát triển kinh tế, chỉ mới vài hộ dân. Trong đó chỉ có A Mơt biết trồng thêm cây sâm dây để phát triển kinh tế nhưng mọi thứ cũng chỉ mới bắt đầu.

Thôn Long Năng (xã Ngọc Linh) 93 hộ thì có 86 hộ nghèo, cận nghèo.

Phải làm hết mình vì dân

Mới đây, sau nửa tháng nhận nhiệm vụ, ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cùng các sở, ngành, địa phương có chuyến kiểm tra thực tế tại 2 địa phương này. Chia sẻ khó khăn của người dân 2 xã khi vẫn còn đó những hạn chế, tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng đặt ra vấn đề chính là việc tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã còn cao trong khi tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương này rất lớn.

Lý giải về vấn đề này, ông A Bôn - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh thừa nhận: Dù có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khiến đời sống người dân chưa được nâng cao. Nguyên nhân chính hiện nay là bà con chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế bởi tâm lý vẫn còn e ngại. Nhận thức của bà con vùng sâu, vùng khó như địa phương này vẫn còn hạn chế khiến việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại ở một số thôn, làng. Giao thông đi lại vẫn còn khó khăn và hầu hết kinh tế bà con vẫn phụ thuộc vào cây lúa.

Dù vậy, một tín hiệu tích cực khi được sự quan tâm, hỗ trợ trong những năm qua của chính quyền địa phương, các đơn vị đã tạo nên những thay đổi nơi đây. Gần 200ha dược liệu, sâm dây, sâm Ngọc Linh mới được trồng và một số đã bắt đầu thu hoạch đem lại nguồn thu lớn cho bà con. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là con số ít ỏi so với số dân của 2 xã vùng khó khăn này.

A Mơt cho biết thêm: Bà con ai cũng mong muốn được trồng sâm dây, bởi nguồn thu nhiều hơn trồng lúa nước, cà phê rất nhiều. Nhưng bà con vẫn chưa biết kỹ thuật, vốn lại không có khiến rất ít người trồng được sâm dây. Trong khi đó, người dân thôn lại ở ngay vùng đất mà sâm dây có thể phát triển tốt. Bà con mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn, hạt giống để có thể trồng loại cây mang lại kinh tế này.

Trước những vướng mắc, khó khăn của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện đến xã cần phải quan tâm, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở 2 xã vùng khó khăn này. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum lưu ý: "Xã, huyện cần rà soát lại lí do vì sao bà con không tiếp cận nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo. Nếu có những vướng mắc thì xã, huyện cần phải đứng ra giải quyết cho bà con. Đồng thời, phải vận động, tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có như vậy mới nâng cao được thu nhập, mới thoát nghèo bền vững. Được như vậy thì cần người cán bộ cơ sở phải luôn gần dân, sát dân, làm cho dân phải hết mình, năng lực bao nhiêu làm hết bấy nhiêu, trách nhiệm bao nhiêu làm hết bấy nhiêu".

M.T