Báo Công An Đà Nẵng

Giấc mơ tìm chữ

Thứ ba, 08/04/2014 10:08

(Cadn.com.vn) - Những tưởng chuyện học trò dựng lều chõng gần trường để đi học chỉ có ở chốn xa xôi Tây Bắc. Nhưng, ở phía Tây Quảng Trị, miền đất Hướng Lập, Hướng Hóa không hiếm cảnh học sinh ăn rau rừng, bắt cá suối đổi chữ.

Căn bếp xập xệ là nơi nuôi giấc mơ tìm chữ của học sinh ở miệt rừng âm u.

Sau nhiều giờ vượt đường mòn Hồ Chí Minh bằng xe máy chúng tôi đã đặt chân lên xã Hướng Lập, xã biên giới giáp ranh với đất bạn Lào. Ngôi trường tiểu học và THCS Hướng Lập ẩn hiện trong sương rừng mờ ảo. Gần trưa nhưng sương vẫn chưa tan, khói bếp bốc nghi ngút từ khu bếp của các em học sinh bán trú, làm cay mắt những vị khách xa lạ lần đầu tiên đến đây.

Em Hồ Thị Vừa, nhà ở thôn Cù Bai cách trường 7 km đường rừng, trò chuyện: “Em muốn học để sau này làm cô giáo dạy cho những đứa trẻ nghèo ở bản em. Chúng nó cũng muốn đi học như em lắm chứ nhưng sớm phải theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhà em cũng nghèo như chúng nhưng em ham học và nhất quyết phải đi học nên bố mẹ động viên đến lớp. Nhà ở xa nên phải ở bán trú, đến thứ sáu lại về nhà gùi gạo một lần”.

Đến giờ cơm trưa, ai nấy cũng nhanh chóng ngồi ngay ngắn vào bàn. Mâm cơm đạm bạc, ba bốn em hợp thành một nhóm, chan chan, múc múc xì xụp món canh được nấu bằng rau rừng. Vừa bảo: “Đây là món canh rau dại anh à. Không phải  trồng hay mua bán gì đâu. Nó mọc len lỏi sát mép suối, gọi là rau dáy, như một cây chông chỉa lên trời rồi bị ai đó uốn cong lại vậy”.

Ngoài giờ học các em phải vào rừng tìm rau, đốn củi.

Thấy chúng tôi nhìn vào chiếc nồi nhôm không được tròn trịa tỏ ý ái ngại, một học sinh nhanh nhảu thanh minh: “Không phải là chúng em không cẩn thận đâu nhé. Một mặt phải tận dụng đồ cũ của gia đình, mặt khác lúc mang đi trên đường trơn trượt thế là ngã túi bụi, người ngợm xây xước huống gì nồi niêu bát chảo”.

Rồi cả nhóm học sinh xì xào bằng tiếng bản địa, thầy giáo đi cùng dịch ra một tràng tiếng Việt, đại khái: “Như thế này là tốt rồi, chứ có trường hợp không có mà dùng, phải mượn người này qua người khác, chờ ăn được bữa cơm trưa thì mặt trời đứng bóng”. Em Hồ Thị Hòa, Hồ Chăn ở bản Tà Păng, rất xa nên mỗi lần về nhà các em chỉ mang được gạo và mắm muối còn thức ăn tận dụng các loại rau rừng mọc quanh trường, cá tôm thì bì bõm dưới khe suối.

Sau giờ học, cơm nước đâu vào đấy, các em tận dụng thời gian xuống con suối gần đó bắt cá, lo bữa cơm tối. Tiếng là đi đánh cá nhưng “ngư cụ” duy nhất của các em là những cái rá bằng lưới và cống bằng mây rừng. Mỗi người một cái đeo trước cổ, phía sau là một giỏ cá nhỏ như quả bầu khô dắt lưng. Cá lớn người ta đã đánh bắt hết, chỉ có những con “xấu số” nhỏ bằng đầu đũa mới chui tọt vào cái rá.

Tranh thủ thời gian để giúp nhau chuyện học hành.

Những căn lều xập xệ được quây lại bằng cách  tận dụng những vật liệu dân bản vứt bỏ, từng dãy nhà trống hoác, đứng xa có thể nhìn thấu vào trong chứ chưa nói gì đến mưa nắng. Xã Hướng Lập có địa hình bị chia cắt mạnh bởi núi rừng âm u nên ngoài điểm chính là Trường TH&THCS Hướng Lập, còn có 7 điểm trường lẻ khác là: Cha Lì, Tri, Cuồi, Cựp, Sê Pu, Cù Bai, Tà Păng.

Giáo viên ở đây phải băng rừng lội suối vào đó để nuôi giấc mơ chữ cho các em. Thầy giáo Phan Ngọc Dương, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Lập cho biết hiện tại ngay khu vực trường chính có 3 phòng dành cho học sinh nội trú tự nuôi nhưng số học sinh nhà xa lên đến 100 em, vì vậy việc ăn ở, lưu trú rất khó đảm bảo đủ cho các em. Vì thế một số em không ở được nội trú thì cha mẹ dựng lều gần trường để các em ở.

Thầy Dương cho biết: “Trước đây Nhà nước hỗ trợ học sinh miền núi, vùng cao 140 nghìn đồng/em/tháng (theo Nghị định 49) nhưng nay thì không còn nữa. Anh biết đó, những gia đình miền cao, có phải nuôi một hai con đâu. Các em đi học, nhưng bố mẹ chúng ở nhà phải lo cho năm bảy đứa em. Thử hỏi vậy thì lấy đâu ra cơm gạo, thịt thà để các em yên tâm đến trường”.

Bữa cơm chiều của Hòa và Chăn có thêm một món “cải thiện” với vài con cá bống núi bé tẹo. Có thế thôi mà bữa cơm cũng vui ra phết. Tôi bỗng thấy cay cay khóe mắt, lòng như thắt lại vì thương các em biết nhường nào.

Bùi Đức Tú