"Giấc-mơ-Việt-Nam" của người con xa xứ
(Cadn.com.vn) - Sung sức, truyền cảm, tràn đầy nhiệt huyết, đó là những cảm xúc mà tất cả mọi người có mặt trong hội trường cảm nhận được về GS - TSKH Nguyễn Đăng Hưng trong buổi nói chuyện của ông tại Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) với chủ đề: "Tôi đi học, du học và nghiên cứu khoa học" và "Giấc mơ Việt Nam".
Nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Phan Châu Trinh tặng hoa GS Nguyễn Đăng Hưng tại buổi nói chuyện. |
Tuổi thơ của GS. TSKH. Nguyễn Đăng Hưng (quê H. Điện Bàn, Quảng Nam) là một chuỗi những khó khăn, cơ cực: đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, ông phải đi chăn trâu, theo cha sống cảnh lưu lạc trong điều kiện vật chất khó khăn, học tiểu học không trọn vẹn. Nhưng không vì thế mà ông từ bỏ ước mơ. Từ một cậu bé học tiểu học gián đoạn, còn viết sai chính tả, cậu đã vươn lên, học nhảy cóc 2 năm lên 4 lớp để hoàn thành mục đích tốt nghiệp tú tài năm 18 tuổi với số điểm rất cao, thi đậu cả 5 trường đại học và là một trong 7 người gốc miền Trung được chọn đi du học tại Pháp...
Buổi nói chuyện là cả một câu chuyện dài về quá trình theo đuổi việc học, con đường đi du học ra sao và cơ duyên đến với ngành nghiên cứu vũ trụ hàng không không gian... Bất kể trong những giai đoạn khó khăn, nhiều biến cố nào của cuộc đời, thời cuộc, người con Việt Nam ưu tú ấy cũng luôn có chí hướng, tâm thế rất vững vàng. "Giấc mơ Việt Nam" được ấp ủ ngay từ những năm đầu Nguyễn Đăng Hưng đặt chân qua Bỉ du học và làm việc. Suốt quãng thời gian dài ấy, giáo sư luôn có ý niệm chờ Việt Nam hòa bình, độc lập sẽ trở về giúp ích, đóng góp xây dựng đất nước. Giáo sư đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho Việt Nam, cụ thể là 318 thạc sĩ có bằng quốc tế, trong đó có 60 tiến sĩ du học tại các nước tiên tiến trong khoảng 13 năm (1995 - 2007) tại hai trường Đại học Bách khoa TPHCM với 12 khóa đào tạo (1995 - 2007) và Đại học Bách khoa Hà Nội với 10 khóa đào tạo (1998 - 2008).
"Giấc mơ Việt Nam" bền bỉ ấy cùng những đóng góp lớn lao cho Việt Nam khiến nhiều người nể phục. Đặc biệt, đan xen buổi nói chuyện, giáo sư thể hiện những bài hát nổi tiếng thế giới một thời giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Sung sức, truyền cảm, dạt dào cảm xúc, đó là những gì những người có mặt trong hội trường cảm nhận được. Nhất là tiết mục ngâm thơ, bài thơ do diễn giả sáng tác khi đã là một kiều bào thành đạt mong ngóng về quê hương với ý nguyện giúp đỡ, đóng góp cho quê hương đất nước gây xúc động người nghe.
Buổi nói chuyện đã mang lại cho sinh viên Đại học Phan Châu Trinh những suy nghĩ bổ ích về giá trị sống. Qua câu chuyện cuộc đời của giáo sư, thế hệ trẻ hôm nay phải suy ngẫm lại về định hướng tương lai cũng như cách sống của thế hệ mình. Nghị lực, ý chí, quyết tâm, đó là những điều kiện không thể thiếu để con người thực hiện ước mơ.
Thế hệ của GS. TSKH Nguyễn Đăng Hưng -một thế hệ gian khổ nhưng tài hoa! Nhà văn Nguyên Ngọc đề nghị, các khoa, các phòng, các bộ phận của nhà trường hãy cùng nhau ngồi lại trong những buổi tọa đàm để trao đổi, thảo luận về những điều mà GS-TSKH. Nguyễn Đăng Hưng nói với chúng ta ngày hôm nay. Bởi vì, thái độ sống, sự lựa chọn mà GS Nguyễn Đăng Hưng đã thực hiện trong cuộc đời ông chính là lý tưởng mà ngôi trường này đã, đang và sẽ theo đuổi với tinh thần giáo dục khai phóng.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng cho biết thêm, GS Nguyễn Đăng Hưng sẽ về trường giảng dạy bất kỳ thời gian nào nếu nhà trường mời để góp sức cùng nhà trường trên con đường thực hiện lý tưởng giáo dục khai phóng.
Khiếu Thị Hoài