Giải bài toán kinh tế bền vững (Bài 1: Du lịch và phép thử mang tên Covid-19)
GRDP của Đà Nẵng năm 2019 tăng chưa tới 6,5% trong khi mục tiêu theo NQ 43 giai đoạn từ nay tới 2030 phải tăng trung bình khoảng 12%/năm. Để tạo sức bật đột phá trong tăng trưởng thì kinh tế TP cần sự đóng góp nhiều hơn từ các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (CNC), công nghệ thông tin (CNTT), logistics... thay vì quá phụ thuộc vào dịch vụ như hiện nay. Tuy vậy việc chuyển đổi này đang đặt ra nhiều thách thức cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Đà Nẵng cần hướng tới dịch vụ du lịch đẳng cấp cao hơn. |
Không phải bây giờ khi du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, câu chuyện phát triển bền vững kinh tế Đà Nẵng mới được nhắc đến. Thực tế, việc đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành dịch vụ đã được cảnh báo từ trước và đại dịch Covid-19 giống như một phép thử để kiểm chứng mà thôi.
Nếu chọn lựa lại
Ngành dịch vụ mà nòng cốt là du lịch của Đà Nẵng (chiếm gần 65% trong cơ cấu kinh tế) đang chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19. Lượng du khách ở các thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Trung Quốc giảm sâu dẫn tới các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, các hãng vận tải... điêu đứng. Kinh tế Đà Nẵng được dự báo một năm suy giảm gần như không tránh khỏi. Ông Nguyễn Hữu Sia, chuyên gia kinh tế logistics chia sẻ, Đà Nẵng đã ưu tiên du lịch và dịch vụ thì phải chấp nhận các biến cố khách quan như dịch Covid-19. Ông Sia nói, kinh tế TP tuy là đa ngành nghề nhưng thực chất đang “độc canh” du lịch khi mà người dân đầu tư vào đây khá nhiều, tạo thành ngành mũi nhọn. Sự phát triển kinh tế của TP không bền vững, do chưa bám theo đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 33 BCT đề ra, là phát triển đồng thời, đa dạng các loại hình (công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển, logistics...). Thực tế vừa qua, TP tập trung phát triển “độc canh” vào dịch vụ du lịch, mức độ đầu tư vào công nghiệp, kinh tế biển hay logistics chưa tương xứng. Nay, nhìn lại kinh tế TP so với các tỉnh bạn, họ phát triển đa dạng, bền vững hơn Đà Nẵng? Ông Sia nói thêm, muốn phát triển vượt bậc, các nước trên thế giới đều dựa vào công nghiệp và thương mại (ngoại trừ lãnh thổ Hồng Kông và Singapore đi lên từ dịch vụ do vị trí địa lý trời cho). Đà Nẵng thời gian qua không ưu tiên phát triển công nghiệp hoặc chậm phát triển công nghiệp là một thiệt thòi lớn cho kinh tế TP.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường nói rằng, chọn ngành nào phát triển phụ thuộc vào điều kiện lợi thế của từng địa phương. Đà Nẵng có sông núi biển lại nằm ở trung điểm các di sản thế giới, chọn phát triển du lịch, dịch vụ là phù hợp. Hơn nữa, diện tích Đà Nẵng nhỏ, một bên núi một bên biển, nếu chọn công nghiệp nặng phát triển để mau có doanh số thì không bền vững về môi trường. Đà Nẵng không thể cạnh tranh với Quảng Nam trong phát triển công nghiệp, vì đất đâu có để làm, điều kiện cơ sở hạ tầng lại đầu tư theo hướng phát triển dịch vụ. Hoặc như Khánh Hòa, họ vẫn phát triển du lịch Nha Trang song vẫn phát triển công nghiệp ở Ninh Hòa vì diện tích rộng. Đà Nẵng muốn phát triển công nghiệp thì phải là CNC để không mâu thuẫn với dịch vụ.
Tái cơ cấu để bền vững
Nếu lựa chọn lại, Đà Nẵng vẫn đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, khi phát triển du lịch cần nhắm tới du lịch cao cấp. Vừa qua Đà Nẵng có du lịch giá rẻ là của cơ chế thị trường, giờ phải có hàng rào kỹ thuật để khách tới là phải chi tiền. Giống như Hồng Kông, người ta biết đến đó đắt đỏ nhưng vẫn đến. Họ chấp nhận bỏ một cục tiền ra thì phải nhận được dịch vụ tương xứng. Khi đã chọn khách chất lượng như vậy thì các điểm đến phải được nâng cấp, nhân lực phục vụ cũng phải chất lượng.
Đặc điểm du lịch Đà Nẵng thời gian qua là phát triển ồ ạt, người dân đầu tư nhiều khiến nó trở thành ngành mũi nhọn. Đầu tư nhiều nhưng chưa đẳng cấp, chọn lọc nên biến thành thị trường giá rẻ. Chẳng hạn với cơ sở lưu trú, việc chạy đua đầu tư khách sạn thấp sao ào ạt dẫn tới khủng hoảng thừa. Hiện TP có 943 khách sạn, với số lượng khoảng 40.000 phòng thì số khách sạn dưới 2 sao tới 795 (84%), công suất buồng phòng chỉ đạt dưới 40%.
Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nói: Mình đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững là bền vững về nguồn khách (đa dạng thị trường), bền vững về kinh tế (tức là sự tham gia của cộng đồng tạo việc làm, tăng thu nhập, nộp ngân sách), bền vững về văn hóa xã hội (tức là phát triển sản phẩm, dịch vụ đừng ảnh hưởng nhiều đến truyền thống văn hóa, các giá trị di sản)... Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu như hiện nay thì thực sự bài toán bền vững chưa ai có thể hướng theo cách nào. Chẳng hạn dù có đa dạng nguồn khách đi nữa thì với tình trạng Covid-19 lan ra toàn cầu, ở đâu cũng ảnh hưởng, làm sao bền vững được. Theo ông Dũng, bây giờ chỉ có thể bàn cách phục hồi, tức là anh bền vững thì phục hồi nhanh hơn. Ai có nội lực, tài nguyên, sản phẩm, nhân lực về quản lý, nguồn khách, hạ tầng thì phục hồi nhanh, thì bền vững. Thước đo bền vững khi xảy ra tình trạng bất khả kháng thế này là năng lực chống chọi, vượt qua, phục hồi.
Ngành dịch vụ, du lịch vẫn là lợi thế của Đà Nẵng, tuy vậy cần thay đổi hướng phát triển, nhắm tới du lịch nghỉ dưỡng cao cấp để nâng cao giá trị. Nếu có giải pháp tốt đây vẫn là lĩnh vực trụ cột, có thể đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế TP giai đoạn tới.
(còn nữa)
HẢI QUỲNH