Báo Công An Đà Nẵng

Giải bài toán kinh tế bền vững (Bài 3: Khoảng cách quy hoạch)

Thứ tư, 04/03/2020 15:33

Để phát triển kinh tế cân đối và bền vững, Đà Nẵng đã hướng tới một số lĩnh vực tiềm năng như logistics, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao... Tuy nhiên, từ định hướng quy hoạch đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách và nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Logistics là ngành kinh tế khổng lồ của thế giới, Đà Nẵng có lợi thế nhưng chưa nắm bắt được (cảng Đà Nẵng có thể đón tàu hơn 4.000 teu).

Chuyển dịch chậm

Ông Trần Chí Cường nói rằng, nếu lấy compa đặt Đà Nẵng là tâm quay trên bản đồ sẽ thấy đi qua hầu hết các trung tâm của Đông Nam Á. Lợi thế kết nối để phát triển logistics là rất lớn, vấn đề chỉ là giải pháp phát triển thế nào? Chuyên gia logistics  Nguyễn Hữu Sia cho biết, logistics là ngành kinh tế khổng lồ trên thế giới. Nếu đầu tư phát triển đúng hướng, logistics sẽ mang tới đột phá lớn cho kinh tế Đà Nẵng. Hiện nay cảng Tiên Sa có thể đón tàu trên 4.000 teu, 18 hãng tàu container hoạt động, sản lượng mỗi năm trên 10 triệu tấn. Tiên Sa là cảng container lớn nhất miền Trung với nguồn thu thuế trực tiếp từ các hoạt động qua cảng năm 2019 đạt 3,4 ngàn tỷ đồng. Từ thực tiễn tăng trưởng sản lượng hàng năm cùng với lợi thế địa hình, việc xây dựng thêm cảng Liên Chiểu hoàn toàn khả thi, sẽ thúc đẩy ngành logistics Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt với hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ, mạng lưới đường cao tốc, đường sắt ngay sau lưng... cảng Liên Chiểu khi xây dựng sẽ tạo động lực tăng trưởng lớn cho Đà Nẵng và cả khu vực. Mặc dù vậy, dù được đề cập hơn 15 năm qua với nhiều động thái xúc tiến song đến nay cảng  Liên Chiểu vẫn nằm trên giấy. Khoảng cách từ quy hoạch đến thực tiễn vẫn xa và quá nhiều rào cản.

Một lĩnh vực kinh tế khác Đà Nẵng cũng nhắm tới để xoay chuyển cán cân kinh tế, tránh phụ thuộc quá lớn vào dịch vụ, du lịch đó là ngành nông nghiệp CNC. Không thể bỏ được nông nghiệp, trong khi điều kiện đất đai hạn hẹp, vì thế việc chọn nông nghiệp CNC phù hợp với Đà Nẵng. Thời gian qua, TP đã quy hoạch nhiều khu nông nghiệp CNC như tại Hòa Ninh (140ha), Hòa Phong 16ha, Hòa Phú 20ha, Vùng chăn nuôi tập trung Hòa Bắc (230ha), Vùng nuôi tôm Trường Định thuộc Hòa Liên (50ha). Song song với quy hoạch quỹ đất dành cho nông nghiệp CNC, Đà Nẵng cũng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều ưu đãi như hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án...

Mặc dù có nhiều ưu đãi, cơ chế để phát triển nông nghiệp CNC, song thực tế ở Đà Nẵng vẫn đang gặp không ít trở ngại. Trong đó, cái khó nhất vẫn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng không ổn định. Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Cty Ngọc Khánh Vinh, đơn vị chuyên cung cấp nông sản tại Đà Nẵng chia sẻ, mặc dù TP có tổ chức kết nối cung cầu giữa các hợp tác xã nông nghiệp của Đà Nẵng với các doanh nghiệp phân phối song vì sản phẩm không đa dạng, giá thành cao, lại thiếu tính ổn định (lúc thừa, lúc thiếu) dẫn tới việc khó hợp tác, cung ứng cho khách hàng lớn. Chưa kể tình trạng nhiều thời điểm các hợp tác xã không đủ số lượng nông sản cung ứng theo hợp đồng lại ra chợ gom nông sản từ nơi khác về. Thậm chí, mang tiếng là nông sản sản xuất tiêu chuẩn bằng CNC nhưng nhiều lúc bán không hết, lại cũng đưa ra chợ đầu mối bán giá rẻ chỉ một nửa, rất phập phù, rất khó để hợp tác bao tiêu. Rõ ràng, muốn phát triển nông nghiệp CNC cần DN tài chính mạnh, tích tụ đất sản xuất quy mô lớn, ổn định đầu ra.

Sản xuất thuốc bằng CNC tại Danapha Đà Nẵng.

Sản xuất là nền tảng

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, ông Hà Đức Hùng cho rằng, để phát triển kinh tế bền vững, Đà Nẵng vẫn phải dựa vào trụ cột sản xuất công nghiệp, bởi đây là nền tảng của kinh tế. Ngoài các KCN hiện có, TP cần sớm triển khai các KCN mới theo quy hoạch như KCN Hòa Ninh (400ha), Hòa Nhơn (393ha), CCN Cẩm Lệ (29ha), CCN Hòa Nhơn (24,7ha)... để đáp ứng mặt bằng sản xuất cho nhà đầu tư. Đặc biệt, với Khu CNC hiện có nhiều lợi thế, ưu đãi lớn, TP cần đẩy mạnh thu hút các dự án lớn, mang tính lan tỏa giống như dự án sản xuất linh kiện máy bay của UAC (170 triệu USD). Bởi lẽ mỗi dự án này sẽ kéo theo hàng loạt dự án phụ trợ đi kèm. Trong tương lai gần, chính các dự án sản xuất tại Khu CNC sẽ có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của TP.

Khu CNC Đà Nẵng có hơn 337 ha/1,1 ngàn ha đất cho thuê (đã cho thuê hơn 85ha). Trong số 17 dự án được cấp phép đầu tư vào Khu CNC có 8 dự án FDI tổng vốn hơn 330 triệu USD, 9 dự án trong nước tổng vốn hơn 5,3 ngàn tỷ đồng. Hiện Khu CNC có 5 dự án đã đi vào hoạt động (495 lao động) đóng góp ngân sách năm 2019 hơn 187 tỷ đồng.

Một trở ngại không nhỏ với các dự án đầu tư vào Khu CNC hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng. Đơn cử với 1 dự án sản xuất linh kiện máy bay của UAC khi đi vào vận hành sẽ cần khoảng 650 nhân lực, tới năm 2023 cần 1.000 nhân lực. Để có nguồn nhân lực này, UAC đã phải “đặt hàng” Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đào tạo. UAC sẽ tham gia từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, cử  chuyên gia cùng tham gia giảng dạy, kiểm soát đầu ra của nhân lực. Không chỉ UAC, nhiều dự án CNC khác cũng sẽ phải tính toán nguồn nhân lực phục vụ cho dự án của mình. Ông Trần Chí Cường cho biết, với CNC thì không cần nhiều nhân lực mà đòi hỏi phải tinh, mọi việc đã có máy móc làm. Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu hiện nay, DN có thể tìm chuyên gia từ nơi khác đến, bản thân các lao động cũng không nhất thiết phải làm ở quê hương, có thể đi bất cứ đâu nếu thu nhập và điều kiện sống tốt. Bởi vậy trong nhiều dự án hiện đã có khu nhà ở chuyên gia, các Khu CNC cũng quy hoạch gần khu đô thị...

Hiện nay Đà Nẵng đã ủy quyền cho BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng về việc cấp phép lao động. Sắp tới, khi DN có nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ trong Khu CNC sẽ đề xuất cụ thể số lượng, trình độ để TP có cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo đáp ứng. Tuy vậy, về lâu dài, Đà Nẵng cần có chiến lược sẵn sàng về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư ngay khi họ đặt chân tới Khu CNC.

Công nghiệp CNC phù hợp với điều kiện Đà Nẵng đồng thời giúp tăng trưởng kinh tế bền vững, song việc thu hút đầu tư cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, những rào cản cần được tháo gỡ sớm hơn.

HẢI QUỲNH