Báo Công An Đà Nẵng

Giải Báo chí Quốc gia không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng

Thứ sáu, 06/10/2023 09:40
Toàn cảnh hội nghị.

Với 25.000 hội viên đang sinh hoạt tại 63 Hội Nhà Báo tỉnh, thành phố, Hội Nhà Báo Việt Nam đã phát huy tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; là "ngôi nhà chung" phát huy tinh thần cống hiến, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Hằng năm, để vinh danh những tác giả, tác phẩm chất lượng cao, Giải báo chí Quốc gia đã được tổ chức.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Điều này cho thấy, sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà Báo Việt Nam nhấn mạnh, Hội đồng Giải, Ban Tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà Báo Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chất lượng Giải ngày càng nâng cao. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao. Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo; ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù. Đồng thời, Giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tích cực tham gia, có cách làm hay để động viên, khuyến khích các nhà báo của đơn vị mình tham gia giải; tìm tòi, phát hiện đề tài phù hợp để thực hiện các tác phẩm tham dự.

Liên quan đến việc triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, theo ông Lê Quang Á - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam luôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách chu đáo. Gắn hoạt động hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao với công tác thi đua khen thưởng, cương quyết hạ bậc hoặc cắt danh hiệu thi đua nếu không bảo đảm các tiêu chí đề ra. Việc phân bổ kinh phí, nghiệm thu, thanh quyết toán được tiến hành công khai, minh bạch, với sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ của Hội đồng nghiệm thu cấp địa phương và Trung ương. Tuy nhiên, hạn chế trong việc thực hiện chương trình là có những loại hình như phát thanh, ảnh báo chí còn ít tác phẩm được hỗ trợ, nhất là ảnh báo chí. Mức kinh phí hỗ trợ còn khá chênh lệch, có nơi hỗ trợ 4-5 triệu đồng/tác phẩm, có nơi chỉ dưới 1 triệu đồng/tác phẩm. Tình trạng bình quân, dàn đều trong hỗ trợ còn xảy ra, dẫn đến việc nghiệm thu thừa tác phẩm so với chỉ tiêu. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định dành tối thiểu 60% kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, tác phẩm…

Các đại biểu tọa đàm tại hội nghị.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên, từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây…

Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 4 hội nghị chuyên ngành, gồm: Hội nghị Tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương; Hội nghị "Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số"; Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, với sự tham gia của Hội Nhà báo 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Dương Hóa