Báo Công An Đà Nẵng

Giải cứu 3 trẻ khuyết tật khỏi nhóm "chăn dắt" xin ăn

Thứ hai, 12/04/2021 16:35

19 giờ 30 tối 19-3, người dân P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) phát hiện có trường hợp người lang thang xin ăn tại quán nhậu Phương Nam trên đường Thăng Long nên lập tức báo cho CAP Hòa Thọ Đông.

Vũ Văn Nam (thứ 2 từ trái sang) và 6 thanh niên khai đến địa chỉ kiệt 71/9 đường Tôn Đản" chỉ để chơi".

Lúc này, tổ tuần tra 8394 CAP Hòa Thọ Đông đang tuần tra trên địa bàn nhận được tin báo liền triển khai đội hình đến hiện trường kiểm tra. Tại quán nhậu Phương Nam, tổ 8394 phát hiện 1 trường hợp đang xin ăn, tay trái mang theo 1 loa tay, tay phải mang theo ca nhựa đựng khoảng 600 nghìn đồng. Tại cơ quan Công an, người này cho biết mình tên Phạm Văn Năm (1975, quê xã Quảng Hải, H. Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và khai nhận, mình đang được đối tượng Phạm Văn Việt (1996, trú H. Sầm Sơn, Thanh Hóa) thuê để đi xin ăn.

Ông Năm còn có biểu hiện mất năng lực hành vi, không ổn định về thần kinh cũng như có khiếm khuyết về giọng nói. Nhận thấy có dấu hiệu chăn dắt xin ăn biến tướng, CAP Hòa Thọ Đông nhanh chóng truy tìm Phạm Văn Việt phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan Công an, Phạm Văn Việt khai nhận, vào lúc 18 giờ ngày 19-3 đã dùng xe máy BKS 36B4-259.87 chở ông Năm đi từ phòng trọ ở số 71/9 đường Tôn Đản (P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) đến chợ Lệ Trạch, (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) để xin tiền của khách tại các quán nhậu. Việt đứng ngoài đường theo dõi, đợi đến khi ông Năm xin tiền xong quay ra thì tiếp tục chở đến các quán nhậu khác… Việt còn cho biết tại địa chỉ 71/9 đường Tôn Đản hiện còn có các trường hợp người khuyết tật được các đối tượng khác nuôi và quản lý để thực hiện hành vi xin ăn, bán hàng rong.

Trước những lời khai của Việt, CAP Hòa Thọ Đông nhanh chóng phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp CAQ Cẩm Lệ, CAP Hòa An nhanh chóng triển khai lực lượng đến kiệt 71/9 đường Tôn Đản lúc 23 giờ tối cùng ngày. Trong căn nhà 2 tầng ẩm thấp, nhếch nhác, lực lượng chức năng không khỏi xót thương khi nhìn thấy cảnh tượng 3 em gồm: Nguyễn Văn Lâm (1990, quê xã Sơn Lôi, H. Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), Long Anh Vũ (2013, trú H. Sóc Hà, tỉnh Cao Bằng) và Đông (chưa rõ họ, 1997, quê H. Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) nằm nheo nhóc ở một góc nhỏ cạnh cầu thang bộ.

Long Anh Vũ nhỏ tuổi nhất bị khuyết tật ở chân, khuôn mặt luôn cười ngờ nghệch, hồn nhiên và dường như không đủ nhận thức để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngoài ra, cả Lâm và Đông đều bị khuyết tật, trong đó Đông được nhận định bị bệnh Down. Tại hiện trường còn có 7 thanh niên khác gồm: Vũ Văn Nam (1993); Nguyễn Phú Ngọc (1990); Nguyễn Hữu Sáng (2003); Đới Công Linh (1988); Viên Đình Tùng (1993); Viên Đình Trường (1997), Cao Văn Lương (1987) cùng quê tại xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vào thời điểm bị lực lượng Công an kiểm tra, ngoài Vũ Văn Nam là người trực tiếp liên quan, chuyên chăn dắt người khuyết tật xin ăn, bán hàng rong thì còn 6 người còn lại cho biết đến đây "chỉ để chơi". Đối với 6 trường hợp này, CAP Hòa An đã tiến hành xử lý hành chính với nội dung không đăng ký tạm trú.

Tại cơ quan Công an, Vũ Văn Nam khai nhận đã thuê lại căn nhà 2 tầng tại số 71/9 đường Tôn Đản để "nuôi ăn, nuôi ở" các trẻ khuyết tật và ông Phạm Văn Năm. Mỗi tối, Nam trực tiếp đẩy xe lăn đưa các em khuyết tật đến các quán nhậu trên địa bàn Đà Nẵng để bán hàng đồng giá, lợi dụng lòng thương của người dân để xin tiền. Mỗi tháng, Nam sẽ trả cho ông Phạm Văn Năm 3 triệu đồng. Đặc biệt, Nam còn cho biết, trung bình mỗi đêm đưa các em khuyết tật đi bán hàng đồng giá, đưa ông Năm đi xin ăn sẽ thu về khoảng hơn 2 triệu đồng. Số tiền này được các đối tượng liên quan chia nhau tiêu xài, sử dụng. Các em khuyết tật và ông Năm đều được "xin về, nhận nuôi"…

Với hành vi lợi dụng người khuyết tật để thực hiện hành vi xin ăn biến tướng, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính Vũ Văn Nam, Phạm Văn Việt mỗi đối tượng 12,5 triệu đồng. Ông Phạm Văn Năm có biểu hiện mất năng lực hành vi, hệ thần kinh không ổn định, không ai chăm sóc qua đó đã được lập hồ sơ đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng để được chăm sóc.

Ngọc Quốc

 (Ghi theo lời kể các cán bộ CAP Hòa Thọ Đông)