“Giải cứu” Châu Âu
(Cadn.com.vn) - Những cuộc khẩu chiến liên miên giữa Nga với phương Tây trong thời gian gần đây có nguy cơ đẩy hai bên vào cuộc thực chiến đầy nguy hiểm.
Bóng ma chiến tranh phủ khắp bầu trời Châu Âu khi Nga và NATO gần đây liên tục gia tăng căng thẳng. Cả hai bên liên tục cáo buộc nhau là thủ phạm gây bất ổn khu vực, nhất là vùng Baltic.
Trong khi Nga gia tăng các chuyến bay quân sự ở vùng Baltic, NATO cũng tăng các chuyến bay tuần tra, ngăn chặn. Các máy bay Nga và các nước NATO nhiều lần suýt đụng độ trên không. Vấn đề càng nghiêm trọng khi Pháp - dưới áp lực của NATO - đình chỉ giao 2 siêu tàu chiến lớp Mistral mà Nga đặt hàng.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BFM hôm 5-12, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, việc chuyển giao các tàu này có thể sẽ không bao giờ diễn ra nếu tình hình ở Ukraine không thay đổi. Việc bán 2 tàu chở trực thăng này là thương vụ vũ khí lớn nhất của một nước thuộc NATO cho Điện Kremlin.
Nhiều câu hỏi được đặt ra. Nhưng điều người ta quan tâm là liệu Mỹ, NATO và Nga có tiến tới vòng xoáy điên cuồng của cuộc chiến tranh ở Châu Âu?
Tàu chiến lớp Mistral mà Moscow đặt hàng đang neo đậu tại cảng của Pháp nhưng không được bàn giao, do căng thẳng Nga-NATO. Ảnh: AP |
Trò chơi chiến tranh...
Theo tờ Asia Times, các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân ở Châu Âu hiện nay là không có thật. Cũng thật vô nghĩa khi so sánh khả năng hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ dựa trên các con số, chứ không phải chất lượng.
Hãy xem GDP của Mỹ, Đức, Pháp và Anh và so sánh với Nga. Sau đó kiểm tra các kịch bản hạt nhân chiến lược. Đó là câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một mình GDP không thể “thắng” bất cứ điều gì. Mỹ rõ ràng thiếu một chiến lược. Giấc mơ hài hước của NATO về cuộc chiến với Nga kèm theo việc phải có hệ thống bọc thép đối chọi với hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander.
Nhưng NATO không có bất kỳ loại nào như thế. Đó là chưa kể việc sẽ phải đối mặt với tổ hợp tên lửa S-400s của Moscow. Đây là tổ hợp tên lửa đa tầm, có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km và các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m - điều mà hiện không một hệ thống tên lửa phòng không nào có thể thực hiện được.
Không ai biết rõ khả năng chiến lược của NATO. Brussel cũng không thể biết. Nhưng tình báo Nga biết điều đó. Giả sử NATO muốn chơi trò chiến tranh, Moscow rõ ràng có thể sử dụng kho vũ khí 5.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật - và bất cứ thứ gì cần - để bảo vệ đất nước. Hơn nữa, vài ngàn hệ thống S-400 và S-500 là đủ để ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ.
... Cần chấm dứt
Trước tình hình đang “căng như dây đàn”, NATO hôm 4-12 tuyên bố để ngỏ các kênh liên lạc quân sự với Nga để tránh những hiểu lầm liên quan đến hoạt động quân sự.
Theo UPI, 28 nước thành viên liên minh do Mỹ đứng đầu đã nhất trí, vào thời điểm căng thẳng hiện nay quân đội NATO và Nga cần duy trì liên lạc để tránh bất kỳ vụ việc rắc rối nào. Đầu năm nay, liên minh quân sự đình chỉ mọi sự hợp tác với Moscow thông qua Hội đồng NATO-Nga, diễn đàn chính cho các hoạt động tiếp xúc chính trị song phương.
Đây là động thái đáp trả việc Moscow can thiệp vào vấn đề đông Ukraine, cáo buộc mà Điện Kremlin luôn bác bỏ. Động thái khá bất ngờ từ NATO được đưa ra sau những nỗ lực không ngừng của Đức – vốn được cho là quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) thân cận nhất với Nga. Trước đó, Berlin cũng đề nghị NATO nối lại đối thoại với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang hành động quân sự.
Với tư cách quốc gia quyền lực và phát triển nhất Châu Âu hiện nay, nhiệm vụ trên vai Thủ tướng Angela Merkel xem ra rất nặng nề: kéo NATO trở lại quỹ đạo vốn có của nó và hòa giải mối quan hệ với Moscow. Bóng rõ ràng đang ở bên sân của Đức. Người ta đang chờ họ sẽ đá như thế nào để có một trận hòa đúng nghĩa.
Khả Anh