Báo Công An Đà Nẵng

“Bóng ma” COVID-19:

“Giải cứu” hệ thống mầm non ngoài công lập (Bài 1: Giáo viên mầm non tư thục chật vật mưu sinh)

Thứ năm, 09/12/2021 15:11

Sau 2 năm liên tiếp bị tác động bởi dịch COVID-19, các trường mầm non tư thục đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, từ đợt bùng dịch lần thứ 4 (từ 27-4 tới nay), nhiều trường phải đóng cửa, giáo viên thất nghiệp, chủ trường không có nguồn thu nhưng vẫn phải “gồng lưng” trả tiền thuê mặt bằng... Nhiều giáo viên đã buộc phải chuyển nghề tìm kế mưu sinh trong khi nhiều chủ trường phải rao bán, sang nhượng hoặc làm đơn xin giải thể. Hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập đang điêu đứng, trên bờ vực phá sản (có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng). Vì thế, việc kịp thời có các chính sách để hỗ trợ giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.

Cô Đào Thị Minh Thúy không kìm được nước mắt khi chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Ảnh: VP

Trong căn phòng trọ nhỏ nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ ở ngõ 169 phố Trung Văn (Hà Nội), cô Đào Thị Minh Thúy lặng nhìn hai đứa con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ sắp lên 2 đang hồn nhiên chơi đùa mà nước mắt chảy dài. Những lời chia sẻ ngắt quãng giữa những tiếng khóc nghẹn đi vì xúc động: “Hơn nửa năm nay tôi phải nghỉ việc, chồng tôi làm trong ngành khách sạn nên cũng ở nhà. Tài chính gia đình gặp vô vàn khó khăn. Tới nay, tiền thuê nhà phải vay mượn bạn bè, tiền ăn phải nhờ ông bà nội, ngoại hai bên hỗ trợ…”

Hoàn cảnh của cô Thúy cũng là bức tranh chung về cuộc sống của rất nhiều giáo viên mầm non tư thục ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay khi các trường phải tạm đóng cửa dưới tác động khủng khiếp của “bóng ma” COVID-19.

Vét những đồng tiền cuối…

Kể từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, trong gần 2 năm qua, các giáo viên mầm non như cô Thúy đã phải nhiều lần nghỉ dạy ở nhà. Ban đầu, trường vẫn trả một phần lương, nhưng khi nghỉ dịch kéo dài thì chính chủ cơ sở mầm non cũng rơi vào khó khăn và họ không còn khả năng hỗ trợ giáo viên. Vì thế, mỗi lần nghỉ dạy đồng nghĩa với việc cô Thúy không có thu nhập và phải dùng tới số tiền tiết kiệm vốn cũng rất ít ỏi khi đồng lương giáo viên mầm non khiêm tốn.

Phải thuê nhà, con nhỏ hay đau ốm, không có sữa nên con phải ăn sữa ngoài, cuộc sống vốn khó khăn càng chất chồng vất vả khi cả hai vợ chồng cô Thúy phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Cô khóc nghẹn cho biết mình đã phải vay mượn bạn bè, người thân để trang trải qua ngày. “May ông bà chủ nhà trọ tốt bụng nên cũng giúp đỡ vợ chồng tôi phần nào. Ông bà nội ngoại hai bên hỗ trợ, bên nội gửi gạo, bên ngoại gửi trứng, gửi rau…”. “Tôi mong mỏi từng ngày khi nào được mở lớp mầm non trở lại để có thể tiếp tục công việc, các con cũng được tới trường. Gắn bó hơn 10 năm và thực sự nhiệt huyết với nghề, tôi mong dịch qua đi để mình vẫn được là giáo viên mầm non, không phải bỏ nghề, chuyển việc như nhiều đồng nghiệp”, cô Thúy nói.

Nghẹn lòng đổi việc mưu sinh

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hơn 95% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (chủ yếu là trên 6 tháng) và vì thế có đến 81,3% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Không có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình, nuôi nấng con cái, trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, chưa biết đến khi nào các cơ sở mầm non được mở cửa trở lại, rất nhiều giáo viên tư thục đã phải chấp nhận bỏ nghề, tìm công việc mới. Gần một tuần nay, mỗi sáng, cô Thu Quỳnh, một giáo viên cơ sở mầm non tất bật chuẩn bị đi làm, nhưng không phải đến lớp đón trẻ mà đến cửa hàng bán sữa. “Tôi cũng đã cố chờ khi trường được mở cửa để có thể tiếp tục công việc mà mình yêu thích, nhưng tôi phải đi làm để nuôi con, không thể dựa dẫm mãi vào ông bà”, cô Quỳnh trải lòng.

Cả hai vợ chồng đều bị mất việc vì dịch bệnh, lại có con nhỏ, kinh tế khó khăn, cô Quỳnh cho hay mình đã phải suy nghĩ rất nhiều khi quyết định chuyển nghề. “Tôi đi bán sữa được 7 triệu đồng/tháng thì phải trả hơn 3 triệu đồng tiền thuê người trông con. Anh chủ hàng thương tình, linh động cho tôi được kết hợp nhập rau sạch của công ty về bán kèm. Dù ít ỏi nhưng vẫn có thêm thu nhập để trang trải”, cô Quỳnh nói. Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu Hồng cũng đang bắt đầu cho mình chặng đường mới ở một tiệm làm tóc. Phải bỏ công việc mà mình được đào tạo bài bản và có 6 năm gắn bó để bắt đầu học việc một nghề mới, cô rất buồn, nhưng không có lựa chọn khác…

Phải làm đủ việc để mưu sinh, nhưng họ vẫn luôn mong mỏi được trở lại với nghề, với trẻ nhỏ. “Thâm tâm tôi vẫn mong một ngày có thể trở lại với học sinh, với công việc mà tôi trân quý”, cô Nguyễn Thị Thu Hồng nói. Nhưng cơ hội trở lại nghề với các giáo viên như Hồng là không dễ dàng khi hàng loạt chủ cơ sở mầm non tư thục đã và đang lâm vào hoàn cảnh túng quẫn, nợ nần vì không có thu trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Nhiều người đã phải rơi nước mắt viết đơn xin giải thể trường hay rao bán chính đứa con tinh thần mà mình tâm huyết dựng xây.

P.V (còn nữa)