Giải cứu voọc chà vá chân nâu
(Cadn.com.vn) - Chiều 6-2, 1 cá thể voọc chà vá chân nâu lạc bầy đột ngột xuất hiện tại thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng). Do hiếu kỳ nên đông đảo người dân đến xem, khiến con vật hoảng hốt liên tục nhảy qua các bụi tre, vườn keo. Tiếp nhận thông tin, CAX Hòa Nhơn phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện trực tiếp bảo vệ hiện trường, vận động người dân không được xâm hại và bàn các biện pháp giải cứu. Đến trưa 8-2, thấy voọc không còn lanh lẹ chuyền cành như trước nữa, người dân bắt đầu giăng lưới, dùng gậy xua đuổi vây bắt thành công cá thể voọc và bàn giao cho ngành chức năng quản lý chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên. “Việc người dân tự nguyện giao nộp cá thể voọc chà vá này cho cơ quan chức năng chứng tỏ người dân đã dần có ý thức trong việc cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) có nguy cơ tuyệt chủng”, anh Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn xác nhận… Được biết, từ năm 2009 đến nay, một số hộ dân các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Ninh (H. Hòa Vang) đã giao nộp 5 cá thể voọc chà vá cùng nhiều loài ĐVHD khác như khỉ mặt vàng, chim ưng, trăn, rùa núi. Nhiều “cò” khi nghe tin đã tìm đến mua với giá cao nhưng người dân vẫn kiên quyết không bán, mà tự giác bàn giao cho chính quyền địa phương…
“Nữ hoàng loài linh trưởng” do người dân thôn An Châu (xã Hòa Phú) bắt được. |
Voọc chà vá được các nhà khoa học đánh giá là loài linh trưởng độc đáo nhất thế giới, chỉ duy nhất có ở vùng sinh thái Trường Sơn và chỉ còn vài trăm cá thể. Tuy nhiên, bất chấp giá trị và mối nguy diệt chủng của loài linh trưởng hiếm quý này, voọc đang là đối tượng săn lùng của cánh thợ săn để nấu cao phục vụ cho các “quý tộc”. Cụ thể, năm 2012, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng Trương Quí Ba (1954), Lý Văn Thể (1980), Triệu Văn Hoàn (1981), Lý Văn Tiếp (1992, cùng trú xã Tân Tiến, H. Yên Sơn, Tuyên Quang) làm lán trại ở Tiểu khu 29 (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) để săn bắn trái phép ĐVHD. Kiểm tra, thu giữ tại chỗ 2 cá thể thuộc loài khỉ, 1 cá thể đã bị xẻ thịt sấy khô, cá thể còn lại vừa mới xong cung đoạn xẻ thịt tươi. Qua kết quả trưng cầu giám định tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam thì 2 cá thể bị giết là loài voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm IB (nhóm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại). Sau đó, các đối tượng bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” quy định tại Điều 190 BLHS… Năm 2016, khi tuần tra tại Tiểu khu 64, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng phát hiện Vi Văn Sơn (1976, xã Tiên Kỳ, H. Tân Kỳ, Nghệ An) đang bẫy bắt ĐVHD. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 90 dây bẫy thép, 10 bẫy kẹp sắt và hơn 3kg mẫu động vật rừng gồm xương, da, thịt, nội tạng đã cắt rời, hun khói sấy khô... Qua đấu tranh, Sơn khai nhận đã cùng 4 người khác là Vi Văn Hoàng (1966), Nguyễn Văn Lý (1987), Nguyễn Văn Hội (1963) và Lê Thị Lan (1990, cùng trú xã Tiên Kỳ) vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dựng lán đặt bẫy, săn bắn động vật rừng về bán lấy tiền. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận trong các mẫu động vật giám định có một phần cơ thể động của loài Voọc chà vá chân nâu.
Cá thể voọc chà vá lạc bầy đột ngột xuất hiện tại thôn Ninh An (xã Hòa Nhơn). |
Quả thật, sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD, không đơn thuần do môi trường sống bị mất, mà là chính bàn tay của con người trực tiếp gây ra. Theo thống kê, hằng năm,cả nước có hàng ngàn loài ĐVHD bị săn bắn, bắt giữ từ thiên nhiên để buôn bán, làm thực phẩm, vật nuôi, da, đồ lưu niệm và dược phẩm. Với món lợi khổng lồ mà ĐVHD mang lại, khiến những kẻ săn bắn buôn bán trái phép tiếp tục đẩy những loài động vật này vào bờ vực tuyệt chủng. Anh Nguyễn Phan Bốn, Trưởng thôn An Châu (xã Hòa Phú) - người đã 3 lần vận động người dân trong thôn giao nộp và tự bỏ tiền mua lồng nhốt chở voọc chà vá bàn giao chính quyền địa phương đề nghị, cùng với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia các hoạt động xâm hại đến các loài động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài nằm trong “danh mục đỏ”. Bảo tồn các loài ĐVHD sẽ giúp cho hệ sinh thái cân bằng và phát triển bền vững, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và con cháu sau này.
Hiện nay, hình ảnh của loài voọc chà vá chân nâu được chính quyền, nhân dân TP chọn là biểu tượng về tính đa dạng của các loài động thực vật quý hiếm và đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, trường học cùng lên tiếng, tham gia các hoạt động bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Trong đó, đáng chú ý là nhiều tin báo về các vụ vi phạm là do quần chúng cung cấp, chứng tỏ ý thức phòng, chống buôn bán, tiêu thụ ĐVHD của cộng đồng đã được nâng lên. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, nên các cơ quan chức năng cần xác định, việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ ĐVHD là biện pháp quan trọng và bền vững.
Vy Hậu