Báo Công An Đà Nẵng

Giải đáp kịp thời vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu

Thứ hai, 26/08/2019 09:04

Ông Quách Đăng Hòa - Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng (CHQĐN) cho biết: Thời gian qua, CHQĐN đã tích cực đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác “Hải quan – Doanh nghiệp”, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thực hiện cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK); lắng nghe, trao đổi và sát cánh cùng DN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động XNK.

Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng nhập khẩu.

Mới đây, tại Hội nghị đối thoại “Hải quan – Doanh nghiệp” do CHQĐN tổ chức, nhiều DN trên địa bàn TP như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, Công ty Điện tử Việt Hoa, Công ty TNHH C.S, v.v… đã nêu lên những thắc mắc, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhất là về thuế XNK. CHQĐN đã tiếp thu, ghi nhận và kịp thời giải đáp những thắc mắc, vướng mắc về thuế XNK cho các DN.

Cụ thể, các DN phản ánh về sự chưa nhất quán trong việc hướng dẫn xác định mã số HS (là mã số dùng để phân loại hàng hóa XNK theo Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan Thế giới ban hành, dựa trên mã số này, cơ quan Hải quan áp thuế XNK). Có mặt hàng, DN áp mã HS theo hướng dẫn của công chức hải quan khi làm thủ tục thông quan (đối với tờ khai luồng Vàng và luồng Đỏ) nhưng sau đó lại bị bác bỏ khi kiểm tra sau thông quan… Điều này khiến các DN bị xử phạt hành chính dù đã áp mã số theo đúng hướng dẫn của công chức hải quan trong khâu thông quan. DN mong muốn cơ quan Hải quan đưa ra cách xử lý thỏa đáng hơn. Trả lời vướng mắc này, CHQĐN cho biết: việc phân loại hàng hóa được quy định thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật như Điều 26 Luật Hải quan, Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Danh mục hàng hóa XK và NK Việt Nam ban hành kèm Thông tư số 65/2017/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2019/TT-BTC, Thông tư số 14/2015/TT-BTC…

Tuy nhiên do kỹ thuật phân loại hàng hóa phức tạp, hàng hóa XK và NK rất đa dạng nên thực tế việc phân loại hàng hóa luôn là một mảng nghiệp vụ khó trong lĩnh vực hải quan. Nhiều trường hợp vướng mắc, Hải quan Việt Nam phải xin ý kiến phân loại từ Tổ chức Hải quan Thế giới nhưng các thành viên trong tổ chức này có lúc cũng có quan điểm phân loại khác nhau cho cùng mặt hàng và phải sử dụng biện pháp biểu quyết để đưa ra mã số cuối cùng. CHQĐN ghi nhận thắc mắc  này của DN và đã có kiến nghị với Tổng cục Hải quan tháo gỡ vướng mắc cho DN, đồng thời kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan đối với các tờ khai luồng Đỏ theo hướng không xử phạt đối với những trường hợp này. Bên cạnh đó, DN có nhu cầu xác định trước mã số đối với hàng hóa dự kiến NK thì thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Do tính chất phức tạp của công tác phân loại mã số HS nên đôi khi xảy ra tình trạng không thống nhất về phân loại mã số giữa DN với công chức hải quan, CHQĐN ghi nhận và sẽ chuyển thắc mắc này đến Cục Kiểm định hải quan (Tổng cục Hải quan) để giải quyết theo thẩm quyền.

Một vướng mắc khác đó là việc xác định trị giá hải quan cũng đang chưa thuận lợi, cơ quan Hải quan yêu cầu DN tham vấn giá quá nhiều. Có trường hợp DN trong tháng nhập nhiều lô hàng cho cùng một chủng loại hàng, cùng nhà XK, cùng giá, song tất cả các lô đều bị tham vấn giá mặc dù DN đã bảo vệ được giá NK của mình từ lần tham vấn đầu tiên… Trong trường hợp này, CHQĐN giải đáp: DN có thể đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng kết quả tham vấn của lần tham vấn trước cho các lần NK tiếp theo (tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần) theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính để hạn chế việc phải thực hiện tham vấn giá nhiều lần với cơ quan Hải quan. Về hồ sơ xuất trình khi đề nghị tham vấn giá một lần thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (như hồ sơ tham vấn giá bình thường). Về kiến nghị kéo dài thời gian sử dụng kết quả tham vấn giá một lần, CHQĐN biết, hiện nay Bộ Tài chính đã có dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, trong đó có nội dung sửa đổi về thời hạn áp dụng kết quả tham vấn một lần.

DN cũng phản ánh đến CHQĐN về việc thực hiện các thủ tục quản lý thuế như: thủ tục hoàn thuế khó khăn, thời gian đề xuất hoàn thuế được chấp thuận cho đến khi nhận được tiền hoàn thuế, thời gian làm thủ tục, cung cấp hồ sơ hoàn thuế, xét duyệt theo từng cấp, chuyển Kho bạc Nhà nước lâu... DN đề nghị xử lý nhanh, thông báo, cập nhật rõ tình trạng hồ sơ trong quá trình xử lý để DN tiện theo dõi. Giải đáp vướng mắc này, CHQĐN cho biết: thời gian, thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được quy định cụ thể tại Khoản 64, 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, đối với từng trường hợp cụ thể, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra nguyên nhân vì sao “Hồ sơ hoàn thuế của DN không được giải quyết kịp thời”. Về việc kiểm tra các khoản nợ của DN trước khi hoàn thuế bao gồm cả tiền phí, lệ phí còn nợ (trừ trường hợp tiền phí, lệ phí phát sinh của các tờ khai trong tháng đến ngày 10 của tháng tiếp theo) phải thực hiện theo quy định. Hiện nay, DN có thể kiểm tra được tình trạng nợ thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp trên website của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ: https://www.customs.gov.vn. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 274/2016/TT-BTC thì không có trường hợp miễn thu phí, lệ phí đối với tờ khai hủy. Trường hợp DN đã nộp tiền nhưng hệ thống vẫn treo nợ thì xuất trình chứng từ chuyển tiền hoặc thông tin chuyển tiền điện tử để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý.

PHÚ NAM