Giải mã những vụ án bí ẩn (3)
* Bài 3: "Mắt thần" chống... giả
(Cadn.com.vn) - Các loại hồ sơ, chứng từ, bằng cấp, chữ ký giả mạo... mà đối tượng gây án tự tin với công nghệ tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt đến đâu cũng đều bị lực lượng KTHS bóc mẽ. Nhiều người ví von các giám định viên KTHS như có “mắt thần”, không dễ gì qua mặt.
Chữ ký hơn 20 tỷ đồng
Giả sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay hơn 20 tỷ đồng, giả chữ ký giám đốc để rút két hơn 25 tỷ đồng, giả con dấu của ngân hàng để rút tiền hàng tỷ đồng... chỉ là một vài vụ án nổi bật mà thông qua giám định, cán bộ KTHS đã phanh phui sự thật. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Toàn - Đội trưởng Đội Giám định Phòng KTHS CATP Đà Nẵng cho biết, hầu hết các vụ giả mạo hồ sơ, chứng từ, bằng cấp, các đối tượng thường scan bản gốc chứng từ, sau đó chỉnh sửa thông tin trên đó và photo màu. Đây là thủ đoạn rất tinh vi mà bằng mắt thường không thể phát hiện. Thực tế, với thủ đoạn này, các đối tượng đã gây ra nhiều vụ án chấn động Đà thành.
Thiếu tá Toàn nhớ lại vài năm trước tại Vietcombank Đà Nẵng chi trả 50.000USD cho Nguyễn Anh Tuấn (1980 trú P. Hàng Bột, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Tuấn đã trưng ra giấy rút tiền của Cty AB Mauri Việt Nam, địa chỉ Định Quán, Đồng Nai có chữ ký của Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và đóng dấu của Cty. Sau khi chi trả số tiền này, tài khoản của Cty AB Mauri báo nợ 50.000USD. Khi phát hiện nợ 50.000USD, Cty Mauri khẳng định không phát hành Giấy rút tiền trên. Ngay lập tức, Giấy rút tiền với chữ ký, con dấu của Cty Mauri đã được gửi tới Phòng KTHS CATP Đà Nẵng giám định.
Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng KTHS xác định đây là giấy tờ giả mạo. Ngay lập tức, Nguyễn Anh Tuấn - nhân viên giao dịch Vietcombank Hà Nội bị bắt. Tuấn thừa nhận đã dùng mã giao dịch viên của mình mở mạng online tìm hiểu Cty Mauri, sau đó vào mạng Internet mua một con dấu giả của Cty trên với giá 3 triệu đồng. Tuấn lập 2 giấy rút tiền giả mệnh giá 50.000USD và 200.000EUR. Tuấn xin nghỉ phép 1 ngày vào Đà Nẵng để thực hiện hành vi lừa đảo, tuy nhiên y chỉ rút được 50.000USD, còn lại do vướng thủ tục nên không rút được 200.000EUR. Sau khi gây án, Tuấn tiêu hủy dấu giả của Cty Mauri và Giấy rút 200.000EUR rồi bay ra Hà Nội ngay trong đêm.
Thiếu tá Toàn cho biết về thủ đoạn scan chữ ký, con dấu của các đối tượng rồi đem photo màu. |
Không ít vụ án nhờ giả mạo chữ ký “y như thật” mà đối tượng gây án đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Giám định viên Mai Quý Cường - Phòng KTHS CATP Đà Nẵng kể, vụ án bà Bùi Thị Hòa - Kế toán trưởng Cty Procimex KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang giả mạo chữ ký của Giám đốc Nguyễn Điểm chiếm đoạt 25,36 tỷ đồng là một điển hình. Sau khi ông Điểm chết đột ngột, bà Hòa đã trưng ra cuốn vở học sinh ô ly có ký xác nhận đã nhận tiền hàng chục lần của ông Điểm. Cụ thể, theo bà Hòa, ông Điểm đã nhiều lần chỉ đạo bà ứng tiền để chi tiêu công việc mà không có chứng từ. Mỗi lần như vậy, ông Điểm chỉ ký xác nhận vào cuốn sổ ô ly của bà Hòa. Tổng cộng trong 10 tháng ông Điểm đã nhận 24,11 tỷ đồng, tới tháng cuối cùng ông nhận 1,25 tỷ đồng nhưng chưa kịp ký xác nhận thì đã chết.
Trước thực trạng đó, toàn bộ chữ ký xác nhận tiền của ông Điểm trong sổ ô ly của bà Hòa đã được đem ra giám định. Giám định viên Mai Quốc Cường cho biết, chữ ký trên sổ bà Hòa, nhìn bằng mắt thường thấy giống hệt chữ ký của ông Điểm. Tuy vậy, phân tích kỹ cho thấy có nhiều đặc điểm khác biệt như chữ ký không điêu luyện bằng, tốc độ ký chậm hơn, phân bố không đều… Thông qua hệ thống máy móc hiện đại cùng kinh nghiệm dày dạn của giám định viên, cuối cùng chữ ký trên sổ ô ly của bà Hòa được kết luận không phải do ông Điểm ký. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để CQĐT đấu tranh trực tiếp khiến bà Hòa phải thừa nhận giả mạo chữ ký để thụt két.
Chữ ký giả mạo của bà Hòa đã thụt két hơn 25 tỷ đồng. |
Bóc mẽ những thủ đoạn tinh vi
Theo các giám định viên, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện một loại giấy phép lái xe (GPLX) giả bằng thẻ nhựa Pet với công nghệ rất tinh vi. Với loại GPLX giả này, cơ quan chức năng rất khó phát hiện bằng mắt thường, thậm chí khi nạp vào máy móc hiện đại cũng không dễ dàng nhận ra. Lực lượng KTHS đã giám định 20 GPLX và phát hiện 4 GPLX là giả. Thiếu tá Toàn nói, để chứng minh được đó là GPLX giả là cả một quá trình gian nan, vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học, kinh nghiệm cùng máy móc tối tân. Bên cạnh đó, việc làm giả hồ sơ đất đai, sổ đỏ nhằm chiếm đoạt tài sản cũng khá phức tạp.
Để lại ấn tượng nhiều nhất với thiếu tá Toàn chính là việc “đọc vị” hàng chục sổ đỏ trong vụ siêu lừa Trần Thái Vũ (1970, trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu). Thông qua việc làm giả 7 sổ đỏ, Vũ đã thế chấp vay của 4 chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 ngân hàng khác ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng cho Vũ vay hơn 1 tỷ đồng. Sau khi thế chấp sổ đỏ và nhận tiền, các chi nhánh ngân hàng không thấy Vũ đến trả lãi và gốc như đã hẹn. Khi cán bộ ngân hàng tới nhà Vũ để hối thúc thì Vũ lại đưa ra một số sổ đỏ khác để thế chấp. Cán bộ tín dụng thấy dấu hiệu bất thường đã báo CA, ngay lập tức các sổ đỏ mà Vũ đem thế chấp được đem ra giám định. Thiếu tá Toàn cho biết, thủ đoạn của Vũ và đồng bọn là scan sổ đỏ thật, sau đó thay đổi nội dung rồi in màu để tiến hành lừa đảo. Không lâu sau đó Vũ bị bắt và phải nhận bản án chung thân, 7 đồng bọn của Vũ phải chịu tổng mức hình phạt tù 43,5 năm.
Trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, hàng ngàn giao dịch, hợp đồng kinh tế đã được ký kết, từ đây các đối tượng có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tận dụng triệt để việc làm giả mạo, hồ sơ, hợp đồng, chữ ký để chiếm đoạt tài sản. Trong đó có việc nhân viên chiếm đoạt của Cty, Cty chiếm đoạt của ngân hàng, Cty chiếm đoạt thuế của Nhà nước. Nổi bật như vụ Huỳnh Văn Soạn (trú P. Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) là nhân viên giao hàng của Cty Kim Tín tại Đà Nẵng đã giả chữ ký của 20 khách hàng với 120 biên bản giao nhận hàng để chiếm đoạt của Cty hơn 1,3 tỷ đồng. Qua giám định đã kết luận 120 chữ ký trên biên bản giao hàng là do Soạn giả mạo. Hoặc vụ giả mạo chữ ký trên các hóa đơn GTGT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước khoảng 400 triệu đồng tại Cty Hải Nam Long (639-Tôn Đức Thắng, Q. Liên Chiểu) do chính ông Bá - Giám đốc Cty ký khống.
Theo các giám định viên, thời gian gần đây, hiện tượng các Cty giả mạo chứng từ để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng cũng diễn biến phức tạp. Đây cũng là vấn đề nhức nhối khi mà số tiền chiếm đoạt thường rất lớn. Có thể kể tới vụ Cty bao bì Sinh Phú (ở đường số 5, KCN Hòa Cầm) vay vốn ngân hàng Tiên Phong chi nhánh Đà Nẵng 40 tỷ đồng với tổng toàn bộ giá trị máy thế chấp hơn 118 tỷ đồng, quyền sử dụng gần 6.000m2 đất. Tuy vậy, trong chứng từ có tờ khai Hải quan về lô hàng máy móc Cty nhập được nộp cho ngân hàng thì Cty đã làm giả mạo để nâng khống số tiền nhằm chiếm đoạt của ngân hàng. Qua giám định hình dấu trên tờ khai Hải quan mà Cty Sinh Phú cung cấp cho ngân hàng phát hiện ra sự giả mạo.
Các thủ đoạn giả mạo chữ ký, con dấu, tài liệu… ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy vậy, dù có tinh vi đến đâu thì qua “mắt thần” của các giám định viên KTHS, mọi sự giả mạo đều bị phơi bày.
Hải Hậu
(còn nữa)