Báo Công An Đà Nẵng

Giải mã tử thi (2)

Thứ năm, 17/12/2015 12:16

* Bài 2: “Đọc vị” những cái chết bất thường

(Cadn.com.vn) - Không chỉ các vụ án mạng mà ngay cả những vụ chết người chưa rõ nguyên nhân cũng tạo nên nghi ngờ, bức xúc không hề nhỏ cho gia đình nạn nhân và dư luận xã hội. Việc giải mã tử thi để tìm chính xác nguyên nhân tử vong đóng vai trò quan trọng để trấn an dư luận, không để phát sinh thêm những vấn đề phức tạp mới.

Osin không bị sát hại

Có những cái chết thoạt nhìn qua nhiều người sẽ nghĩ về một vụ án mạng, bởi lẽ trên tử thi, hiện trường tồn tại nhiều dấu hiệu nghi vấn. Nhưng với mỗi cán bộ khám nghiệm (CBKN) phải thực sự tỉnh táo, không để bị các dấu hiệu bề ngoài đánh lừa hoặc bị sức ép của dư luận mà đưa ra các nhận định chủ quan, không tuân thủ quy trình nghiệp vụ chặt chẽ. Một trong vụ điển hình là cái chết của bà Đặng Thị Thị (44 tuổi, trú P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) xảy ra vào cuối tháng 2-2015 tại nhà số 168 đường 2/9, P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu. Bà Thị được phát hiện chết tại tầng 4 của căn nhà (đây cũng là Cty TNHH du lịch và dịch vụ vận chuyển Hoàng Hải Tùng), nơi bà được thuê giúp việc.

Người dân tập trung trước nhà số 168 đường 2/9 trước dư luận cho rằng bà Thị bị sát hại.

Thời điểm đó, gia đình bà Thị cho biết bà được thuê giúp việc 4 năm nay nhưng ít được về nhà, mà có về nhà cũng có vệ sĩ đi kèm, không cho nói chuyện với người thân. Tết năm 2015 khi gia đình xuống chỗ bà Thị làm việc để xin cho nghỉ phép vài ngày về nhà thì được cho biết bà Thị đã đi du lịch cùng bà chủ. Cũng tại thời điểm khi phát hiện ra xác chết của bà Thị, người thân và nhiều người hiếu kỳ khác tập trung rất đông trước cửa nhà số 168, nhiều dư luận về cái chết của bà được đưa ra, trong đó phần lớn nghiêng về việc bà bị giết hại. Thậm chí, người nhà còn trưng ra những bức ảnh chụp tử thi bà Thị có nhiều vết bầm trên người, nhất là vùng cổ, mặt, hai chiếc chăn đắp cho nạn nhân có nhiều vết máu…

Đứng trước bức xúc của gia đình, những dư luận đồn thổi, suy diễn nhiều chiều về cái chết của bà Thị, nhiệm vụ của CBKN phải nhanh chóng “giải mã” tử thi, tìm ra nguyên nhân chính xác về cái chết của nạn nhân để giải tỏa bức xúc của gia đình, ổn định dư luận. Trung sĩ Nguyễn Văn Ân - Đội khám nghiệm hiện trường, tử thi (Phòng Kỹ thuật Hình sự CATP Đà Nẵng) cho biết, khi tiếp cận hiện trường có rất nhiều dấu vết tang vật phản ánh phức tạp. Chẳng hạn nệm bà Thị nằm dính máu được tìm thấy ở tầng 3, mền bà Thị đắp cũng dính máu thấy ở tầng 4, trên người cũng có nhiều vết máu, bầm tím. Vì lý do đó nên nhiều người cho rằng bà Thị bị giết hại.

Trước tính chất phức tạp của vụ việc khiến CBKN đã phải tuyệt đối cẩn trọng, tập trung cao độ, thu thập tất cả các dấu vết, đánh giá, phân tích chi tiết. “Mặc dù hiện trường phức tạp nhưng khi mổ tử thi chúng tôi phát hiện ra nguyên nhân bà Thị chết vì xuất huyết não chứ hoàn toàn không có ngoại lực tác động. Bà Thị mang bệnh nhiều năm, trên người có nhiều vết lở loét, không được đưa chữa trị kịp thời nên bệnh ngày càng phát tán, dẫn đến xuất huyết não, tử vong. Bên cạnh đó, mền, nệm dính máu của bà Thị là từ các vết thương, lở loét trong quá trình nằm nghỉ” - Trung sĩ Ân nói. Chính việc tìm ra nguyên nhân chết chính xác, kịp thời đã giải tỏa bức xúc, nghi ngờ của gia đình, đồng thời làm kết quả cho các cơ quan liên quan có hướng xử lý.

Giải oan người sống

Cũng có những cái chết khiến người thân của nạn nhân quay sang nghi vấn một ai đó đã sát hại, tạo áp lực rất lớn với người bị nghi vấn. Nếu không tìm rõ nguyên nhân chết của bị hại sẽ không giải oan được cho người bị nghi vấn, rất dễ đẩy họ vào tình cảnh bi quan, bế tắc. Đơn cử như cái chết bất thường của chị Dương Thị Hồng Trang (1982, trú P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tại khu chung cư C2, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà. Chị Trang tạm trú không có hôn thú tại phòng 211 chung cư C2 cùng anh Nguyễn Cường (1984). Rạng sáng 24-8, anh Cường đến CAP Nại Hiên Đông báo rằng phát hiện chị Trang nằm chết trong phòng ngủ. Khi tiếp cận hiện trường cùng nhiều luồng thông tin có được, gia đình chị Trang khẳng định Cường chính là hung thủ giết chị Trang. Trong lúc gia đình bức xúc vì Trang chết bất thường còn đối tượng nghi vấn Cường thì vẫn chưa bị xử lý, ngược lại anh Cường cũng rất đau khổ vì bị nghi kỵ mà không biết giải thích thế nào để người nhà của chị Trang hiểu. Việc khám nghiệm tử thi, hiện trường để tìm ra nguyên nhân chết của chị Trang trở nên cấp bách, quan trọng.

Trung sĩ Nguyễn Văn Ân cho biết, việc tìm ra nguyên nhân chết của chị Trang không phải quá phức tạp, nhưng cái chính ở đây là mối nghi ngờ của anh Cường phải sớm được giải tỏa, bằng không sẽ có những hành động rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra. Bằng nghiệp vụ cơ bản cùng sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, nhanh chóng, cái chết của chị Trang được kết luận bởi uống thuốc tự tử. Sau khi có kết quả xác nhận nguyên nhân chết của chị Trang, những nghi vấn của hiện trường cũng được giải thích thấu đáo, từ đó giúp trấn an tư tưởng cho gia đình nạn nhân và người dân khu chung cư.



Việc phân tích dấu vết trên thi thể ông Hồi đã đưa đến kết luận đây không phải vụ án mạng.

Trước mỗi cái chết xảy ra trong tình trạng thương tâm, như bị các vết đâm, bị bầm tím, chết ở địa điểm không rõ ràng thì thường dẫn dắt suy nghĩ của người thân liên tưởng tới các vụ án mạng. Bị ức chế, kìm nén cảm xúc vì thế người nhà nạn nhân thường yêu cầu cơ quan CA phải khám nghiệm hiện trường, tử thi làm rõ nguyên nhân chết thì mới giải tỏa được. Đầu tháng 7-2015, người nhà đi làm về phát hiện ông Đỗ Hồi (1962, trú thôn Túy Loan 2, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) nằm chết trên nền nhà bên vũng máu. Hiện trường cho thấy cửa kính bị đập bể, trên ngực ông Hồi có 3 vết đâm, con dao dính máu được tìm thấy gần xác ông Hồi, trong khi ông chỉ ở nhà một mình. Nhìn cảnh tượng ấy nhiều người cho rằng ông Hồi bị giết hại, vì thế người nhà đã báo cơ quan CA để điều tra.

Khi khám nghiệm hiện trường, tử thi, CBKN tập trung phân tích mối liên hệ giữa các dấu vết, cơ chế hình thành nên chúng. Qua thu thập, phân tích tỉ mỉ, lần lượt các dấu hiệu nghi vấn tại hiện trường đã đưa đến nhận định đây không phải là vụ án hình sự. Đơn cử như việc phân tích hung khí, các vết đâm, đo đếm các dấu vết khác ở hiện trường cho thấy không có đối tượng khác, lạ vào hiện trường để thực hiện việc sát hại ông Hồi. Các vết thương trên tử thi ông Hồi cũng chỉ ra rằng chính ông đã dùng dao tự sát. Việc kết luận chính xác nguyên nhân chết của ông Hồi do tự sát đã trấn an tư tưởng cho gia đình, người thân của ông Hồi. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các cứ liệu giúp cơ quan chức năng có liên quan có căn cứ hợp lý để giải quyết vụ việc.

Hải Hậu
(còn nữa)