Giải mã tử thi (3)
* Bài cuối: Những "ca khó"
(Cadn.com.vn) - Với cán bộ kỹ thuật hình sự (KTHS), khi đối mặt với tử thi trong các vụ cháy, đuối nước hoặc xác chết đang trong quá trình phân hủy, thậm chí đã phân hủy xong chỉ còn bộ xương được coi là những “ca khó”. Trong trường hợp đó, nếu chỉ dựa vào phương tiện kỹ thuật hiện đại thôi chưa đủ mà cần có kinh nghiệm, khả năng phân tích, tư duy logic…
Khi xác chết đã phân hủy
Thiếu tá Lê Văn Hải - Đội trưởng Đội khám nghiệm hiện trường, tử thi (Phòng KTHS CATP Đà Nẵng) nói rằng, trong khám nghiệm tử thi thì khó nhất với cán bộ khám nghiệm (CBKN) là các tử thi chết cháy, đuối nước hoặc đang phân hủy. Bởi lẽ, với các tử thi loại này, nếu chỉ dựa vào phương tiện, kinh nghiệm thôi chưa đủ mà phải dựa vào tài năng phán đoán, nhận định, dựa trên phân tích các yếu tố dấu vết hết sức logic. Thiếu tá Hải kể, đầu năm 2013, anh tiếp nhận một ca khó khi xác chết được phát hiện trên sông Yên, đoạn qua xã Hòa Tiến, Hòa Vang (Đà Nẵng) đang trong quá trình phân hủy, khuôn mặt biến dạng, trên người không mẩu giấy tùy thân. Qua khám nghiệm ban đầu xác định nạn nhân chết do ngạt nước, trên tử thi có 2 vết đâm nhỏ, nhiều ý kiến nhận định đây có thể là vết va chạm với các vật cứng trên sông khi xác chết bị nước đẩy trôi. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, lập luận, phân tích kỹ càng, CBKN khẳng định đây là vết đâm có trước khi nạn nhân tử vong. Nhận định này rất quan trọng bởi nó khẳng định đây là vụ án mạng chứ không phải vụ chết đuối.
Từ tử thi của nạn nhân vớt được trên sông Yên đã tạo cơ sở giúp CQĐT nhanh chóng |
Mặt khác, từ hiện trường cho thấy, cách nơi phát hiện xác không xa là quần áo, dép của nạn nhân. Hiện trường cũng ở nơi hoang vắng, xa khu dân cư. Thiếu tá Hải kể, từ kích thước của vết đâm trên tử thi cho thấy nhiều khả năng hung thủ đã dùng dao nhỏ thường có trong các chùm chìa khóa cắt móng tay để ra tay. Rõ ràng hung thủ không có ý định giết nạn nhân từ đầu (vì nếu chuẩn bị sẵn hung khí sẽ không phải dùng dao bấm móng tay). Việc nạn nhân tới chỗ bờ sông hoang vắng thế này để rồi bị tấn công chứng tỏ có quen thân với hung thủ, không loại trừ đây là một cặp tình nhân đã hẹn ra bờ sông này để tâm sự yêu đương. Như vậy có thể hình dung trong quá trình tâm sự yêu đương, nạn nhân đã bị sát hại sau khi xảy ra mâu thuẫn với người yêu. Từ nhận định quan trọng đó đã tạo cơ sở vững chắc giúp CQĐT tìm ra hung thủ gây án, bắt giữ y chỉ sau 4 giờ.
Quả nhiên, hung thủ Trần Văn Lưu (trú Hòa Tiến, Hòa Vang) khi bị bắt đã khai nhận, khi ngồi tâm sự với người yêu bên sông, y đã đòi quan hệ tình dục thì bị từ chối, nảy sinh mâu thuẫn nên đã tấn công rồi đẩy nạn nhân xuống sông, lấy xe máy của nạn nhân tẩu thoát.
Tìm gì trong bộ xương khô?
“Một tử thi không phải mổ ra là kết luận được liền mà phải kết hợp với hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm vi thể, xét nghiệm độc chất cũng như các dấu vết trên tử thi, tại hiện trường, từ đó có sự tổng hợp, phân tích mới đưa ra kết luận. Việc kết luận nguyên nhân chết phải đảm bảo tính chính xác 100%, nếu không chính xác 100% sẽ không kết luận” - Thiếu tá Lê Văn Hải. |
Giữa tháng 4-2015, người dân đi rừng phát hiện tại khu vực Hố Sâu thuộc tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân (Đà Nẵng) một tử thi đã phân hủy mạnh. Điều đặc biệt, đầu của tử thi đã lìa khỏi cổ. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người cho rằng đây là vụ án mạng, hung thủ ra tay rất tàn bạo. Có mặt tại hiện trường, CBKN đã nhanh chóng dùng chuyên môn nghiệp vụ, xác định từ bộ xương còn lại rồi đưa ra kết luận nạn nhân là nam giới, khoảng 55 tuổi, đã tử vong khoảng 3 tháng. Tiếp tục kiểm tra, phân tích dấu vết từ phần ít ỏi hệ thống cơ còn lại cộng với hệ thống xương khớp trên tử thi, CBKN khẳng định không có ngoại lực tác động vào tử thi. Mở rộng khám nghiệm hiện trường, CBKN phát hiện gần đó có sợi dây vướng trên cành cây còn dính 4 đốt sống cổ. Lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả các đốt sống cổ này với bộ xương là của một người. Từ đó, kết luận nạn nhân đã treo cổ tự vẫn. Cùng thời điểm đó, thông tin về nạn nhân được thông báo cho người dân khu vực P. Hòa Hiệp Bắc, người thân đã lên nhận tử thi và cho biết đó là ông Trần Đức Ba (1960, trú tổ 71, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu) đã bỏ nhà đi khoảng 100 ngày.
Cũng theo Thiếu tá Hải, sau vụ xác chết trên sông Yên không lâu thì Đội Khám nghiệm của anh lại gặp một ca cực khó khác. Ấy là một xác chết bị chôn bên bãi biển tại Ngũ Hành Sơn đang phân hủy, bốc mùi hôi thối. Nạn nhân bị hung thủ sát hại, đem xác chôn bên bãi biển, nhưng quá trình xác chết phân hủy, bốc mùi hôi thối khiến người dân phát hiện, khai quật lên. Việc khám nghiệm xác chết này cực khó khăn với cán bộ KTHS bởi việc tìm ra nguyên nhân tử vong, cơ chế hình thành dấu vết, xác định công cụ, phương tiện gây án không hề đơn giản. Vì xác chết đang phân hủy nên việc giám định dấu vết sinh học quả cũng rất gian nan. Trong trường hợp này, việc đọc chứng cứ từ tử thi phải được kết hợp với nhiều yếu tố khác một cách logic. Tuy vậy, bằng phương tiện hiện đại, đặc biệt là kinh nghiệm dày dạn, những thông tin từ tử thi cũng được khai thác triệt để, tạo cứ liệu quan trọng để CQĐT tìm ra thủ phạm Đỗ Xuân Minh (1983, trú P. Bình Hiên, Q. Hải Châu). Minh khai nhận vì ghen tuông nên ra tay giết hại người yêu cũ bằng nhiều nhát đập vào đầu, rồi dùng dây siết cổ đến chết trước khi đem chôn.
Các đốt xương cổ trong tử thi của ông Trần Đức Ba. |
Có thể nói, mỗi tử thi để lại luôn chứa đựng bao điều bí ẩn, vấn đề của CBKN là có giải mã được bí ẩn đó hay không. Cái khó hiện nay là số lượng tử thi cần giải mã quá nhiều, trong khi cả Phòng KTHS của CATP chỉ có một Giám định viên, hệ thống xét nghiệm vi thể cũng chưa được trang bị, điều đó khiến thời gian đáp ứng cho yêu cầu điều tra không chủ động. Tuy vậy, bằng nỗ lực và kinh nghiệm dày dạn của các CBKN, chỉ tính riêng 2 năm qua, phòng đã giải mã hơn 200 tử thi tại Đà Nẵng, phục vụ tốt cho công tác điều tra, đấu tranh, chứng minh tội phạm, góp phần bảo vệ bình yên cho thành phố.
Hải Hậu