Báo Công An Đà Nẵng

Giải ngân đầu tư công của Đà Nẵng khó đạt kế hoạch

Thứ bảy, 03/12/2022 12:29
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường DT 601 dù được tăng vốn thêm 81 tỷ đồng để bù trượt giá trong giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ thi công vẫn ì ạch, chậm trễ kéo dài, người dân bức xúc.

Nhiều dự án ì ạch

Mặc dù không vướng mặt bằng nhưng nhiều dự án trọng điểm vẫn thi công chậm tiến độ so với kế hoạch. Đơn cử dự án đường vành đai phía Tây (đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh) dài 19,3 km, tổng vốn đầu tư hơn 1,1 ngàn tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10-2020 nhưng đến nay vẫn dang dở. Theo ghi nhận, cầu vượt qua quốc lộ 14B vẫn thi công chưa xong, riêng đoạn Km2+600-Km4 mới hoàn thành 50%. Vì đã chậm tiến độ nhiều năm, hiện cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nên TP yêu cầu dự án phải hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dự án mới đạt khoảng 76% khối lượng và rất khó về đích trong năm. Tương tự, một số dự án khác không vướng mặt bằng vẫn chậm tiến độ như Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng; dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng và tu bổ, phục hồi, tôn tạo Di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2); dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò.

Trong số nhiều dự án chậm tiến độ điển hình kéo dài do vướng mặt bằng phải kể đến dự án Tuyến đường trục 1 Tây Bắc và dự án cải tạo, nâng cấp đường DT 601. Đây là 2 dự án đều được điều chỉnh tăng vốn, song vẫn tiếp tục vướng mặt bằng, không thể thi công. Cụ thể tuyến đường Trục I Tây Bắc được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng (tăng hơn 273 tỷ đồng), song vướng mặt bằng, dừng thi công từ tháng 7-2020 đến nay. Tương tự dự án nâng cấp đường DT 601 điều chỉnh tăng vốn 643,5 tỷ đồng lên gần 725 tỷ đồng, tăng hơn 81 tỷ đồng so với ban đầu (bù trượt giá, giải phóng mặt bằng). Dự án khởi công từ tháng 5-2020 nhưng thi công chậm trễ kéo dài, đến nay vẫn mới giải tỏa được 907/962 hồ sơ, giá trị thực hiện thi công mới đạt trên 65%.

Có thể thấy vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thủ tục hồ sơ bất cập đang là nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân đầu tư công của Đà Nẵng chậm trễ. Nhiều dự án phải tạm dừng thi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng, như dự án nâng cấp đường Võ Duy Ninh; Tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; Khớp nối giao thông, thoát nước với Tuyến mương thoát nước Khe Cạn; Chung cư phục vụ TĐC dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn (giai đoạn 1)...

Ngoài ra, một số dự án có kế hoạch vốn được giao tương đối lớn nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo điều kiện để khởi công do hồ sơ thủ tục triển khai dự án phải trải qua nhiều khâu, thay đổi phương án thiết kế, điều chỉnh dự án, thời gian nhập thiết bị máy móc... Chẳng hạn như dự án Đầu tư xây dựng Cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Trung tâm y tế quận Thanh Khê - Gói thầu xây lắp Khối nhà và hạ tầng kỹ thuật; Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên…

Một đoạn đường thuộc dự án nâng cấp đường DT 601 bị sạt lở do trận mưa lịch sử vừa qua.

Giải pháp mạnh

Theo đánh giá, các tháng cuối năm, khả năng tỷ lệ giải ngân của Đà Nẵng sẽ chuyển biến tích cực như các năm qua do một số dự án đã được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục; mặt bằng được bàn giao cho các chủ đầu tư và nhà thầu. Mặt khác, một số dự án mới đã đảm bảo điều kiện để khởi công, tạm ứng và triển khai thực hiện… trong đó nổi bật nhất là dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng vừa yêu cầu các BQL dự án đôn đốc nhà thầu, tập trung nhân vật lực, lập kế hoạch tiến độ chi tiết, đảm bảo nguồn nhân lực để tổ chức thi công 3 ca, đẩy nhanh thi công hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ đã cam kết. Đối với các nhà thầu chây ì, không đảm bảo năng lực, để thi công hoàn thành các gói thầu thì kiên quyết chấm dứt và xử phạt hợp đồng theo quy định. Ngoài ra, các BQL cũng phối hợp chặt chẽ với quận, huyện… có mặt bằng triển khai thi công ngay, không để bị động vì thiếu nhân lực.

Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ dự án đầu tư xây dựng là chất lượng công tác tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (quy hoạch, khảo sát, kiểm định xây dựng, thiết kế, thẩm tra). Theo đánh giá, hiện công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế, dự toán, thẩm tra của một số đơn vị tư vấn chưa đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng tư vấn và quy định ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, yêu cầu sử dụng công trình. Trong khi đó, chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án thiếu kiểm soát hồ sơ trước khi trình thẩm định, phê duyệt; trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải kiểm tra và yêu cầu điều chỉnh nhiều lần gây chậm trễ hồ sơ, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Từ thực tế này, Đà Nẵng yêu cầu các BQL dự án (chủ đầu tư) cần quy định cụ thể biện pháp xử phạt vi phạm hợp đồng tư vấn và tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định của hợp đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác tư vấn xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình, như: xử phạt vi phạm hành chính; hạn chế tham gia tư vấn xây dựng trên địa bàn thành phố; xem xét thu hồi chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với những cá nhân tham gia hoạt động tư vấn cố tình để xảy ra sai phạm...

Với nhiều giải pháp, Đà Nẵng đặt quyết tâm sẽ đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022 được T.Ư giao và phấn đấu mức cao nhất so với kế hoạch HĐND TP giao (khoảng 85%).

HẢI QUỲNH