Giải Nobel Văn học 2014 với "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối"
(Cadn.com.vn) - Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là cuốn tiểu thuyết mỏng, chưa đầy 200 trang. Nội dung truyện khá đơn giản, chia làm 4 phần được dựng trên lời kể của 4 nhân vật. 4 nhân vật bao gồm một nam sinh viên, một thám tử, Jacqueline và người yêu của cô; mỗi người kể về một phần đời của nhân vật nữ chính - Louki cũng chính là Jacqueline.
"Giả sử bạn bị bịt mắt dẫn tới đó, bạn được đặt ngồi ở một cái bàn, rồi băng bịt mắt được gỡ ra và trong vài phút ban phải trả lời câu hỏi: Anh đang ở khu nào của Paris? Hẳn bạn chỉ cần nhìn những người xung quanh, nghe họ nói chuyện là có thể đoán ra ngay: quanh giao lộ Odéon, nơi tôi mường tượng cứ trời mưa là luôn luôn ảm đạm như thế này". Phần mở đầu của tiểu thuyết, Modiano đã viết như thế để miêu tả không gian quán cà phê Le Condé. Đó là nơi tập trung của những nhân vật đặc biệt, những Louki, Tazan, Zacharias, Mireille...
Họ thường ở độ tuổi từ mười chín tới hai mươi lăm, trừ một vài người xấp xỉ tuổi năm mươi, nhưng những người này đã bị quên bẵng tuổi của họ. Họ đến không hẳn chỉ để thưởng thức đồ uống. Họ đến cầm một quyển sách trên tay hờ hững đặt lên mặt bàn, hoặc như một sinh viên nhận xét về Louki: "nàng tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thể muốn chạy trốn điều gì đó...". Nói chung, quán cà phê Le Condé ấy giống như một bến đỗ, một chốn trú ẩn, trốn chạy mọi thứ u ám của cuộc đời của tuổi trẻ lạc lối, khiến họ gặp nhau và trở thành bạn bè.
Nhà văn Patrick Modiano. |
Bằng lối viết vừa hư, vừa thực, Modiano dệt nên những câu chuyện đan xen tạo thành một bộ xếp hình luôn luôn thiếu mảnh. Thế rồi, nơi đây, cuộc đời Louki cũng dần hé mở. Hóa ra Louki chính là Jacqueline. Cô đã từng lấy chồng và xem như việc đó chẳng mấy quan trọng trong cuộc đời. Tới phần Louki tự kể về mình, cô hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi trẻ, khi trốn mẹ đi lang thang trong đêm lúc mười lăm tuổi. Sự cô đơn, trống trải của nhân vật được khắc họa rõ trong phần này, tới mức cô dùng cả ma túy theo cái cách mà cô gọi là "ăn tuyết". Cái chết của Louki được kể qua lời người yêu cô. Việc Louki tự tử khép lại cuốn sách, nhưng mở ra những tiếc nuối vô hạn.
Không nhiều chi tiết, không theo trật tự tuyến tính thời gian, không gian, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối dựng lên những nhân vật, những vùng đất của sự trung tính. Patrick Modiano đưa người đọc lang thang khắp nẻo Paris, nơi mà bao đại lộ, những ngã tư, phố xá, quảng trường, vùng ven tồn tại như những chi tiết, những phần không thể tách rời câu chuyện. Những bến tàu điện ngầm Estoile, sông Seine, lối đi Thiên Nga, Quảng trường Respublique, phố Saigon... nơi các nhân vật đi qua ấy được gọi là "vùng trung tính". Louki đã phiêu bạt qua chỗ này, chỗ kia, cô thấy bầu trời "giống túp lều rách của một rạp xiếc nghèo" rồi cuối cùng bỏ mặc mọi thứ như nói lên cuộc đời của một tuổi trẻ bất thường.
Đọc Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, chừng như cái cảm giác lớn nhất mà quyển sách này đem lại là sự trống rỗng. Nhưng nỗi buồn ấy không làm con người hoang mang tuyệt vọng, mà nỗi buồn ấy chừng như những ngọn gió đông trên hành trình đi tìm thời gian đã mất bằng những mẩu ký ức rời rạc. Hoặc đó chính là một cuộc khám phá nội tâm, giải mã những bí ẩn trong con người. Vài bạn trẻ Việt Nam cho rằng, sách hơi khó đọc.
Nhà văn Pháp Patrick Modiano - chủ nhân của Giải Nobel Văn học 2014 sinh năm 1945, ở Boulougne Billancourt, ngoại ô Paris. Ông là một cái tên lớn trong văn chương đương đại Pháp. |
Khó cho ai chưa tới Paris, phải cảm nhận không gian Paris được Patrick Modiano chụp lại (chậm rãi, buồn man mác, mơ mộng), thêm nữa triết lý "trôi dạt" được khai thác, người đọc phải thả mình theo dòng suy tư của nhân vật: Mình có đang lạc lối? Chắc hẳn ai cũng sẽ muốn được ngồi trong một quán cà phê đầy ắp những con người chỉ muốn sống lại quá khứ, ở đó chẳng một ai biết tới con người thật của nhau, bước ra khỏi quán cà phê, bạn đã ngay lập tức trở thành một người khác. Một bạn đọc tên Anh Thư nêu nhận định: "Khi nhìn vào nỗi cô đơn của giới trẻ, Patrick Modiano đã nhìn bằng ánh mắt cảm thông. Dường như ông muốn mở ra cho họ một chân trời mới, tươi đẹp hơn. Nhưng có lẽ sự thật vẫn là sự thật, người ta cần nhiều tấm lòng Patrick Modiano mới có thể đẩy lùi màn đêm u tối chẳng được gọi tên".
Theo dịch giả Dương Tường, điểm nổi bật trong các phẩm của nhà văn Modiano là các nhân vật thường loay hoay định vị mình. Các nhân vật luôn băn khoăn, day dứt về bản thể và hiện hữu bản thân. Họ tìm về lịch sử, mong có thể cắt nghĩa được hiện tại. Bởi thế, họ luôn tìm hiểu quá khứ của mình và dưới ánh sáng ấy, họ hình dung rõ hơn những đường nét của tương lai. Trong các tiểu thuyết của Modiano, ý đồ xác định vị trí của mình trong lịch sử còn vượt lên thành một vấn đề có tầm rộng lớn: đó là con người và thời gian. Modiano từng nói: "Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết cội nguồn của mình". Việc đi tìm những "cội nguồn" ấy trở thành nét chủ đạo của các nhân vật trong tác phẩm của ông.
Tuy nhiên, so với hàng chục cuốn tiểu thuyết Patrick Modiano từng viết, mà nhiều người ví đó là một bản nhạc đồ sộ gồm nhiều phần, thì Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là một trong những tác phẩm đơn lẻ đặc biệt đẹp và đặc biệt buồn. Bởi đó là cuốn tiểu thuyết chứa đầy những kỷ niệm xưa cũ mà sống động, trong một tiếng thở dài, một đoạn nhạc ngắn nhưng tinh tế và vô cùng sâu lắng.
(*): Tiểu thuyết của Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học, 2014.
Trần Trung Sáng