Báo Công An Đà Nẵng

Giải pháp căn cơ cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các "điểm nóng" trên địa bàn?

Thứ bảy, 14/12/2019 17:00

Âu thuyền Thọ Quang vẫn "duy trì" tình trạng ô nhiễm lâu nay.

Một trong những vấn đề được các đại biểu, cử tri quan tâm trong kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra vừa qua là tình trạng ô nhiễm môi trường và các giải pháp khắc phục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường của ngành chức năng thành phố trong thời gian tới? Hy vọng những giải pháp trước mắt và lâu dài mà Sở TN-MT thành phố đưa ra tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mới đây sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi khó mà thành phố lâu nay đang phải đối mặt.

T heo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT thành phố, trước tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, cách đây 3 năm (ngày 8-11-2016), UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 7702 về "Tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường". Từ đó đến nay, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành rà soát, tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện để giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý, ngăn chặn phát sinh thêm các điểm ô nhiễm mới. Theo đó đến nay, 7 công trình đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, dự kiến đến cuối năm 2019, hoàn thành 4 công trình, 12 công trình tiếp tục triển khai thực hiện để hoàn thành trong năm 2020. Thời gian đến, Sở TN-MT tiếp tục tập trung tham mưu một số giải pháp khắc phục các điểm nóng môi trường.

Cụ thể, ông Hùng cho biết, tại "điểm nóng" bãi rác Khánh Sơn, bên cạnh thường xuyên kiểm tra, yêu cầu đơn vị vận hành bãi rác tuân thủ quy định, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra việc quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác, Sở TN-MT tập trung tham mưu cho thành phố công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các hạng mục công trình, dự án xử lý rác thải. Đơn cử như Dự án "Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn". Đến nay, BQLDA ĐTXD hạ tầng và phát triển đô thị đang thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định. Thời gian hoàn thành công tác xây lắp dự kiến đến ngày 30-4-2020; thời gian hoàn thành vận hành dự án khoảng tháng 10-2023.

Tiếp đó, Dự án "Nâng cấp HTXL nước rỉ rác giai đoạn 2", đến nay BQLDA ĐTXD hạ tầng và phát triển đô thị đang tính toán lại công suất, quy mô dự án cho phù hợp, tránh tình trạng đầu tư thừa công suất, lãng phí tài chính. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào ngày 30-6-2020. Dự án "Sử dụng bạt HDPE phủ các hộc chôn lấp rác thải tại bãi rác Khánh Sơn", hiện công tác phủ bạt HDPE đã được thực hiện nhằm hạn chế lượng nước rỉ rác phát sinh. Đến tháng 12-2019 đạt 75%. Phần còn lại được phủ bạt chờ trong quá trình tiếp nhận rác. Thời gian hoàn thành phủ bạt trước ngày 31-12-2019. Ngoài ra, Dự án "Hạ tầng kỹ thuật Nhà máy xử lý rác thải", hiện UBND thành phố đã giao BQLDA ĐTXD hạ tầng và phát triển đô thị là chủ đầu tư kiêm đơn vị điều hành dự án. UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch; chủ trương đầu tư, dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2021...

Liên quan đến ô nhiễm tại một số cơ sở trong KCN Liên Chiểu, theo Giám đốc Sở TN-MT thành phố, vừa qua, ghi nhận kiến nghị của cử tri Q. Liên Chiểu về ô nhiễm một số cơ sở gần khu dân cư, ô nhiễm chủ yếu do bụi, mùi hôi, tiếng ồn trong hoạt động sản xuất..., sau khi xác định các cơ sở có liên quan, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm tra thực tế 7 đơn vị trong KCN Liên Chiểu. Sơ bộ kết quả kiểm tra cho thấy, một số cơ sở đã đầu tư căn bản về công trình biện pháp BVMT, sẵn sàng đầu tư tiếp để đáp ứng yêu cầu cao; 2 cơ sở có công nghệ lạc hậu lại không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; một số cơ sở đã đầu tư nhưng còn vấn đề môi trường tồn tại cần được xác định và tiếp tục đầu tư; có 4/7 cơ sở thuộc nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định 40/2019 của Chính phủ; 7/7 cơ sở không đảm bảo khoảng cách ly. Theo Quyết định số 541 ngày 25-4-2003 của Bộ TN-MT về phê duyệt Báo cáo ĐTM khu công nghiệp Liên Chiểu, thời điểm phê duyệt chỉ có 500 hộ dân lân cận trong khoảng cách ly KCN, nhưng thực tế đến nay cho thấy mật độ phân bố dân cư không tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển công nghiệp của thành phố. Với đặc thù KCN nằm sát khu dân cư, gần biển, mức độ ô nhiễm bụi và khí thải mang tính thời điểm, phụ thuộc vào quy trình vận hành và còn phụ thuộc vào hướng gió, độ ẩm, địa hình, sức cản độ cao của núi, sự cộng hưởng bởi nhiều nguồn thải...

Ông Tô Văn Hùng cho biết, giải pháp trước mắt là xây dựng và thực hiện Chương trình quan trắc môi trường ngay tại các nguồn thải của các cơ sở trong tháng 12-2019 làm căn cứ để yêu cầu các cơ sở cải tạo hệ thống xử lý, đầu tư công trình bảo vệ môi trường hiện đại và bổ sung các biện pháp BVMT cần thiết khác. Về lâu dài, ông Hùng khẳng định Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Kế hoạch triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường tại KCN Liên Chiểu. Đề xuất các sở, ngành liên quan đánh giá công nghệ, xem xét và đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ; hỗ trợ cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn; đề xuất liên quan đến quy hoạch đối với phát triển công nghiệp xi-măng, giải pháp về khoảng cách cách ly, hỗ trợ vay vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ hoặc xử lý chất thải. Đồng thời về quản lý nhà nước, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra BVMT, phát hiện và đề xuất xử lý vi phạm về BVMT.

Về giải quyết ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, theo ông Hùng, khu vực này lâu nay mùi hôi vẫn còn phát sinh; âu thuyền không được nạo vét thường xuyên và Trạm bơm thông thủy không vận hành; nước thải đô thị vẫn còn để vào âu thuyền; rác thải phát sinh vẫn chưa được thu gom kịp thời; xe chở nguyên liệu vẫn còn đậu đỗ và xả nước thải không đúng quy định; các tàu thuyền vào neo đậu vẫn còn tình trạng xả chất thải xuống âu thuyền... Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu để kiện toàn Tổ công tác liên ngành, Tổ giúp việc; phối hợp các sở, ngành rà soát đánh giá kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; đẩy nhanh thực hiện các công trình xử lý ô nhiễm, như hoàn thành và bàn giao vận hành trạm bơm thông thủy mới; nạo vét bùn lắng trong âu thuyền; đẩy nhanh tiến độ Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang... "Sở TN-MT sẽ tổ chức Hội thảo kỹ thuật về giải pháp BVMT; đánh giá kết quả 5 năm thực hiện và đề xuất UBND thành phố Chương trình tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025", ông Hùng cho biết.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, trong đó Sở TN-MT có vai trò chủ công, nòng cốt, tình trạng ô nhiễm môi trường và giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới.

D.H