Báo Công An Đà Nẵng

Giải pháp căn cơ ngăn chặn học sinh nghỉ học

Thứ ba, 27/06/2017 12:55

(Cadn.com.vn) - Từ những cách làm hay, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp nên công tác huy động học sinh đến trường, ngăn chặn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng ở Gia Lai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngành GD-ĐT Gia Lai đã đề ra những giải pháp căn cơ nhằm duy trì sĩ số,
ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học.

Vào cuộc quyết liệt

Trong thời gian qua, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học lại tái diễn, có nơi số lượng học sinh bỏ học năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở bậc tiểu học, mà ở bậc trung học số lượng học sinh bỏ học đang diễn ra có chiều hướng gia tăng, khiến chính quyền, nhà trường hết sức lo lắng, trăn trở. Vậy nhưng, từ khi Chỉ thị 11 (ngày 21-4-2016 về tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, công tác huy động học sinh đến trường, ngăn chặn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng) của UBND tỉnh Gia Lai ra đời và được triển khai thì tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn.

Là một ngôi trường đóng chân trên địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên trong nhiều năm học qua, tình trạng học sinh bỏ học ở Trường THCS Ia Khươl (xã Ia Khươl, H. Chư Păh) chiếm tỷ lệ khá cao. Nỗi lo học sinh nghỉ học, bỏ học trở thành nỗi lo lắng thường trực của nhà trường. Cô Nguyễn Thị Thiên Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Ia Khươl, cho biết: "Trung bình mỗi năm học, học sinh bỏ học có số lượng trên dưới 20 em, có năm nhiều hơn. Học sinh thường bỏ học kéo dài trong năm, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, vào dịp làm mùa, nhất là thu hoạch mùa sắn. Vậy mà đến thời điểm này của năm học, toàn trường chỉ có 1 học sinh bỏ học".

Tình trạng học sinh bỏ học không chỉ giảm ở cấp tiểu học, THCS, mà ở cấp THPT số lượng học sinh bỏ học cũng hạn chế đến mức thấp. "Cũng như một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong những năm học trước, tình trạng học sinh bỏ học ở Trường THPT Phạm Hồng Thái (H. Chư Păh) diễn ra liên tục, có năm lên tới 40-50 học sinh. Tuy nhiên, đến năm học 2016-2017, toàn trường chỉ có 3 học sinh bỏ học vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Đây thực sự là kết quả đáng mừng từ sự quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng này trong thời gian qua", thầy Đỗ Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hồng Thái cho hay.

Thầy Huỳnh Minh Thuận - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho hay: Trong những năm qua, việc huy động học sinh đến trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành GD nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị đã có những cách làm tích cực, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên tỷ lệ huy động học sinh đến trường khá cao, đặc biệt là ở bậc tiểu học, nhất là từ khi UBND tỉnh Gia Lai ban hành Chỉ thị 11. Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai tổ chức phát động phong trào thi đua chuyên đề "duy trì sĩ số học sinh" đã tạo nên một không khí thi đua thực hiện hết sức quyết liệt. Với sự quyết liệt thực hiện của toàn ngành GD-ĐT, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ngăn chặn học sinh nghỉ học, bỏ học đã có những chuyển biến rõ nét; nhiều trường, nhiều địa phương đảm bảo duy trì tỷ lệ học sinh 100% trong suốt năm học.

Chỉ thị 11 của UBND tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện giúp nhiều trường, nhiều địa phương
đảm bảo duy trì tỷ lệ học sinh 100% trong suốt năm học.

Những giải pháp mang tính căn cơ

Nói về những kinh nghiệm thực hiện, thầy Huỳnh Minh Thuận chia sẻ: "Chỉ thị 11 đã chỉ rõ ra những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra và đề ra những giải pháp thực hiện hết sức cụ thể cho từng cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các sở, ban, ngành, cùng các cơ sở giáo dục và tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên trường học. Theo đó, xem việc huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Có thể khẳng định, từ khi Chỉ thị 11 ra đời, các cấp chính quyền địa phương đã thấy rõ trách nhiệm của mình nên đã tích cực chỉ đạo ngành văn hóa thông tin phối hợp với ngành giáo dục huyện và các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, lợi ích của việc học tập để nâng cao dân trí, tạo điều kiện để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội".

Cũng theo thầy Thuận, cụ thể hóa chủ trương, nội dung của Chỉ thị 11, ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện thống nhất và đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch huy động học sinh ra lớp; tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể việc tổ chức dạy và học đối với những đơn vị trường học bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi tập quán làm ăn theo mùa vụ. Sở GD-ĐT Gia Lai đã chỉ đạo cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em bỏ học trở lại trường lớp, có sự cam kết giữa nhà trường và gia đình. Đồng thời, phân công giáo viên phụ trách các thôn, làng, tổ dân phố để vận động học sinh ra lớp; hướng dẫn quy trình quản lý học sinh, phổ biến các biện pháp, giải pháp chống bỏ học đến các đơn vị trong toàn ngành.

"Cùng với đó, các đơn vị phòng GD-ĐT, trường học đã chủ động xây dựng chương trình phù hợp với năng lực của học sinh; kế hoạch dạy học theo hướng phát triển năng lực và thực hiện đúng chương trình giảm tải; bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém, tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá, thi cử. Đẩy mạnh các hoạt động phong trào trong nhà trường phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, nhằm thu hút các em đến lớp… Đây thực sự là những giải pháp căn cơ, tạo nên những kết quả bền vững trong các công tác duy trì sĩ số, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học của tỉnh Gia Lai hiện nay", thầy Huỳnh Minh Thuận cho biết thêm.

KHẢI MINH