Báo Công An Đà Nẵng

Giải pháp chống ô nhiễm nguồn nước của sinh viên

Thứ ba, 23/01/2018 10:23

Xuất phát từ thực tiễn đáng báo động hiện nay là nguồn nước đang bị đe dọa bởi hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản, Mai Thị Thanh Mai - sinh viên (SV) ngành Quản lý Môi trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học được đánh giá thông minh, khả năng ứng dụng cao giúp cô xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng 2017.

Với đề tài được đánh giá có tính ứng dụng cao, Thanh Mai đã vượt qua hàng trăm thí sinh để giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng 2017.

Nhận xét về đề tài của Mai, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho hay: "Một trong những điểm mạnh giúp đề tài đạt giải nhất là tính ứng dụng cao, đặc biệt rơi vào thời điểm "nóng" khi vấn đề xử lý nước thải đang được quan tâm, đầu tư. Thực tế còn cho thấy, tuy là đề tài không mới nhưng trái lại đã đi tới "bước cuối cùng" khi có thể biến từ một loại nước thải hôi thối thành sản phẩm mang nguồn lợi kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường".

Đề tài Mai thực hiện có tên "Nghiên cứu các phương pháp thu hồi Protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm". Với đề tài này, Mai tập trung tìm giải pháp khắc phục nguồn nước ô nhiễm trong sản xuất thủy sản và biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu ích. "Cảng cá Thọ Quang là một minh chứng rõ nhất, dù các cấp, ngành, đơn vị đã nỗ lực tìm hướng khắc phục mức độ ô nhiễm nhưng để xử lý dứt điểm tình trạng này là bài toán khó. Lấy ý tưởng từ đó, Mai đã tập trung nghiên cứu, vận dụng các kiến thức đã học để hoàn thành đề tài", Mai cho biết. Cũng theo Mai, sở dĩ nước thải có mùi hôi thối là do những chất hữu cơ lẫn trong máu cá phân hủy tạo thành. "Việc của chúng ta đơn giản chỉ là tìm phương pháp tách lượng chất hữu cơ này ra khỏi nguồn nước thải. Hơn thế, lượng protein tái chế có thể dùng làm phân bón, thức ăn gia súc phục vụ phát triển chăn nuôi", Mai trao đổi.

Để hoàn thành ý tưởng, Mai đã có nhiều tháng liền mày mò, nghiên cứu, đến tận các nhà máy chế biến hải sản để lấy mẫu nước, phân tích. "Nước thải thật sự  có mùi hôi thối rất kinh khủng. Tự tay mang về phân tích trực tiếp em đã bị ám ảnh, bỏ ăn uống nhiều ngày liền. Tuy vậy, nguồn động lực lớn nhất đó là những giả thuyết mình đưa ra đều đi đúng hướng", Mai nói.

Để có được thành quả, tìm được công thức chính xác, Mai đã trải qua hơn 400 lần thử nghiệm. Theo Mai, lượng chất hữu cơ trong nước chủ yếu từ máu cá. Trung bình mỗi ngày có 1,2 tấn máu cá được thải ra đối với nhà máy hoạt động với công xuất chế biến 100 tấn cá. Trong đó, lượng nước thải dùng để rửa máu cá từ 1,3 - 1,5 m3/tấn. "Nếu không có tính toán cẩn thận, chi tiết thì lượng máu cá sẽ phân hủy tạo mùi hôi thối ra môi trường. Ngược lại, nếu biết xử lý chúng ta sẽ không để lãng phí nguồn lợi này", Mai chia sẻ.

Sản phẩm sau khi tách protein từ nước thải thủy sản
có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cây trồng.

Thực tế, với việc nghiên cứu thành công đề tài lượng nước thải sau khi xử lý có các chỉ số về độ pH, TSS, COD, photpho tổng, ni tơ tổng hạn chế rất nhiều. Lượng protein được tách bằng phương pháp cách nhiệt hỗn hợp nước thải, ethanol tạo kết tụ trong điều kiện pH tối ưu. Sau đó, kết tụ sẽ được tách nước và sấy khô qua máy li tâm. Sản phẩm sau quá trình ngắn sẽ là một dạng chất bột khô có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón cây trồng.

Tính toán của Mai còn cho thấy, nếu có nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng thành một mô hình khép kín, vấn đề ô nhiễm môi trường nước sẽ được khắc phục một cách triệt để. Theo đó, ví dụ quy mô sản xuất một nhà máy là 1.280kg sản phẩm/ngày với giá bán trung bình 15 nghìn đồng/kg thì lợi nhuận thu về sẽ là 19,2 triệu đồng/ngày. Nếu nhà máy hoạt động trung bình 250 ngày/năm sẽ thu về 4,8 tỷ đồng, trừ chi phí, các đầu tư liên quan như mua hóa chất, bảo trì máy móc sẽ thu về số tiền 1,7 tỷ đồng.

Hiện tại, Mai đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và tìm cơ hội đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tế. Nói về ý tưởng này, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho rằng, với kiến thức, quyết tâm và sự nỗ lực Mai có thể thành công với những dự định của mình. Điều quan trọng hơn hết là Thành đoàn, Sở KH&CN, cũng như TP Đà Nẵng luôn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho những ý tưởng khoa học sáng tạo, thông minh.

PHI NÔNG