Báo Công An Đà Nẵng

Giải pháp nào cho cây dược liệu xứ Quảng?

Thứ sáu, 08/06/2018 10:00

Đi về vùng cao Quảng Nam, không khó để bắt gặp những cung đường bày bán ngập tràn đặc sản núi rừng. Thực trạng này đặt ra câu hỏi về việc bảo hộ thương hiệu cho cây dược liệu xứ Quảng. Làm thế nào để cây dược liệu có chỗ đứng thực sự, tránh lặp lại tình trạng "Sâm Ngọc Linh" giả như trước đây là vấn đề cần được quan tâm.

Cây dược liệu được bày bán tại H. Nam Giang. 

Quảng Nam là địa phương khá phong phú, đa dạng về chủng loại cây dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc nằm trong "Sách Đỏ Việt Nam", có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc. Có nhiều loài quý như: sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, sa nhân, ngọc cẩu, lan kim tuyến, chè dây, ngũ vị tử… Chưa kể, 4 loài dược liệu được phát hiện mới như dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng, ba chạc lá đỏ. Hiện diện tích cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 500ha, chủ yếu sâm Ngọc Linh 68ha, đảng sâm 296ha, đương quy 50ha, ba kích 48ha, sa nhân 40ha…

Đối với cây dược liệu, tỉnh đã có Nghị quyết số 202 về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quyết định 2950/QĐ-UBND về triển khai Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, Quyết định số 12 của UBND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 về phát triển cây dược liệu. Trước tiềm năng đó, mặt hàng cây dược liệu bỗng nhiên tràn lan khắp thị trường.

Xâm nhập thực tế, phóng viên ước tính chỉ riêng con đường từ xã Đại Đồng, H. Đại Lộc lên đến TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang đã có hơn chục điểm bán ba kích, đẳng sâm... Ông Nguyễn Quang Văn (xã Đại Hồng) cho biết, những cơ sở bán dược liệu như ông được mở ra khoảng hơn một năm trở lại đây. "Từ khi tuyến giao thông Đại Lộc lên Nam Giang hoàn thiện, lượng người và phương tiện đi qua khu vực này đông đúc hơn thì việc buôn bán cũng thuận tiện hơn. Lúc đầu chúng tôi chỉ bán chuối, ớt rừng, rau rừng nhưng sau đó khi có nhiều người hỏi mua ba kích về ngâm rượu nên tôi cũng chuyển qua bán mặt hàng này".

Rượu dược liệu ngâm sẵn đã trở nên đắt hàng kể từ khi Quảng Nam đầu tư phát triển thương hiệu cây dược liệu.

Theo ông Văn, nguồn hàng ba kích, ba kích tím, đẳng sâm được lấy từ Xã Lăng (Tây Giang) và muốn bao nhiêu cũng có, không giới hạn. "Trên đó có hàng chục vườn ươm nhưng lại không có đầu ra tốt bằng ở đây do đường sá xa xôi, ít có khách qua lại. So với rượu sâm thì giá của rượu ba kích mềm hơn mà uống vô không đau đầu nên cả nam lẫn nữ đều uống được. Hiện nay mỗi ký ba kích chúng tôi bán 160 ngàn đồng, loại nguyên củ thì 300 ngàn đồng/kg", ông Văn cho biết. 

Mặc dù được quảng cáo là ba kích chính hiệu Tây Giang nhưng theo quan sát thì những củ ba kích, đẳng sâm được treo lủng lẳng không hề có nhãn mác, thương hiệu. Ngoài ra còn có rất nhiều những dược liệu được cho là hà thủ ô gói trong những bọc ni-lông cũng không có nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng Nông nghiệp H. Tây Giang - cho biết: Tây Giang được xác định trên bản đồ thương hiệu đặc sản vùng với cây ba kích, đặc biệt là loài cây ba kích tím có giá trị kinh tế cao. Ba kích tím được phát hiện nhiều ở địa phương từ năm 2006, đi liền với nguy cơ tuyệt chủng do khai thác cạn kiệt. Từ một vài vườn giống ba kích tím trong dân cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, vùng ba kích tím xã Lăng đã hồi sinh. Năm 2013, vườn ươm giống ba kích xã Lăng ra đời là địa chỉ cung ứng giống cho địa phương và vùng lân cận. Cũng từ vườn giống này, diện tích trồng cây ba kích dưới tán rừng xã Lăng hiện đã lên tới 200 ha. Nhiều hộ ở xã Lăng giàu lên từ cây ba kích. Cũng từ đó, nhiều mô hình Tổ hợp tác vườn ươm giống cây ba kích xã Lăng đã ra đời tạo nên một nguồn cung lớn trên thị trường. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất lúc này là việc tạo dựng uy tín cho thương hiệu để cây dược liệu có thể phát huy đúng tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nói về phát triển thương hiệu dược liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù đã có cơ chế, chính sách nhưng chính sách của Trung ương và tỉnh chậm đi vào thực tế. Sắp đến, chính quyền tỉnh sẽ yêu cầu các ngành theo thẩm quyền làm đầu mối giúp doanh nghiệp tiếp cận với cơ chế ưu đãi về giống, vốn, công nghệ theo tinh thần nghị định của Chính phủ; Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng, địa điểm để doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến phù hợp với quy hoạch. Trước xu thế chung này, các địa phương liên quan đã chủ động xây dựng, phát triển và bảo hộ cho sản phẩm thương hiệu nhằm tạo lộ trình phát triển bài bản, tránh trình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Năm 2016, Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Kon Tum đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của vùng núi Ngọc Linh, đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh trong cuộc chiến chống hàng giả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu cho cây dược liệu. Từ đó có thể phát triển song song cây dược liệu và sâm Quảng Nam tại các địa bàn miền núi. Đây cũng là phương án giúp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả.

HÀ DUNG

* Cùng với việc Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện nhiều đề án trong đó có mục tiêu phát triển Quảng Nam thành trung tâm dược liệu cả nước. Đón đầu cơ hội đó, nguồn hàng dược liệu từ khắp nơi đổ về Quảng Nam, bày bán công khai. Mặc dù giúp nâng tầm thương hiệu dược liệu xứ Quảng, quảng bá đặc sản núi rừng đến với khách du lịch qua đường Trường Sơn nhưng việc bày bán tràn lan cây dược liệu còn khiến đặt ra một câu hỏi về việc bảo hộ thương hiệu.