Báo Công An Đà Nẵng

Giải pháp nào cứu chùa Cầu?

Thứ tư, 17/08/2016 09:13

(Cadn.com.vn) - Tại Hội thảo về trùng tu chùa Cầu do UBND thành phố Hội An tổ chức ngày 16-8, các nhà khoa học đã cảnh báo về thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của chùa Cầu.

Chùa Cầu - biểu tượng và linh hồn của phố cổ Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XVII và hơn 400 năm qua kết cấu đặc biệt của chùa Cầu trở thành niềm tự hào và tài sản vô giá đối với Hội An. Dù đã được đầu tư tu bổ 7 lần nhưng hiện nay di tích đã xuống cấp trầm trọng. Dẫn kết quả đo đạc kết cấu của chùa Cầu,  PGS.TS Nguyễn Xuân Toản-Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, kết cấu chịu lực chính của chùa Cầu đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt. Đặc biệt bộ phận chịu lực quan trọng nhất gồm hệ móng, mố, trụ đã xuống cấp nguy hiểm. "Kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng chống đỡ trong điều kiện bình thường và chịu được tải trọng bản thân kết cấu. Tuy nhiên có nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, mục, các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn. Nhiều bộ phận kết cấu mố trụ bị rạn nứt, đặc biệt phần đáy móng của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm. Sự thay đổi đáng kể tần số và chu kỳ dao động của các kết cấu cho thấy sự xuống cấp của các kết cấu đang diễn ra với tốc độ khá nhanh và đáng báo động" - ông Toản cảnh báo. Kết quả khảo sát cho thấy, cả phần cầu và chùa đang có hiện tượng lún nghiêng, các liên kết gỗ bị phá vỡ. Đơn cử như chiều cao từ nền lên dạ trính ở phía Nam chùa Cầu so với phía Bắc chênh lệch nhau 3cm. Ngoài ra, việc du khách đến tham quan Hội An ngày một đông cũng là nguyên nhân khiến chùa Cầu xuống cấp. Theo thống kê, mỗi ngày chùa Cầu đón tiếp hơn 4.000 lượt khách tham quan. Áp lực từ trên cầu là vậy, còn bên dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy khe Ồ Ồ và môi trường ẩm ước của sông nước, bên cạnh đó chùa Cầu còn nằm ở vùng rốn lũ của Hội An... Những tác nhân đó đã tạo áp lực lớn lên kết cấu của chùa Cầu, không chỉ khiến di tích xuống cấp mà còn có nguy cơ đổ sập.

Nguy cơ đối với chùa Cầu đã được nhìn thấy, việc trùng tu đã được đặt ra. Tuy nhiên, trùng tu như thế nào là câu hỏi khá hóc búa với chính quyền thành phố Hội An. Bởi chùa Cầu là biểu tượng của đô thị cổ Hội An nên mọi tác động, tu bổ đối với di tích đều ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị văn hóa, lịch sử và cả du lịch. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói: "Chùa Cầu là nét kiến trúc điển hình và từ lâu đã trở thành biểu tượng của di sản Hội An. Di tích này là chứng tích lịch sử của hơn 4 thế kỷ, mà ở đó ta nhìn thấy dấu ấn giao lưu văn hóa của một thương cảng quốc tế sầm uất. Chùa Cầu là một phần linh hồn nếu không nói là phần hồn chủ đạo của đô thị cổ Hội An. Vì vậy ta phải có đánh giá thấu đáo trước khi trùng tu di tích". Còn PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng-Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng muốn thực hiện tốt công tác trùng tu chùa Cầu, cần chẩn đoán đúng bệnh thì mới có thể đề ra phương án tu bổ phù hợp. Với hiện trạng chùa Cầu hiện nay, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều phương án trùng tu. Phương án thứ nhất là tu bổ cục bộ, chỉ sửa những phần hư hỏng, phương án này sẽ không tác động đến toàn bộ di tích, có thể đáp ứng được yêu cầu tham quan của du khách, tuy nhiên giải pháp này không triệt để. Phương án thứ hai là hạ giải từng phần. Phương án thứ ba là hạ giải toàn bộ kiến trúc chùa Cầu. Bất lợi của phương án này là trong quá trình thi công thì phải ngưng các hoạt động tham quan và những sinh hoạt văn hóa dựa vào hình ảnh cầu. Trong ba phương án trên, ông Nguyễn Quốc Hùng nghiêng về chọn giải pháp hạ giải toàn bộ kiến trúc chùa Cầu để xử lý. Ông Hùng lý giải: "Khi hạ giải toàn bộ, thì các hạng mục của chùa Cầu từ nền móng, chân cầu, thân cầu và mái đều được xử lý triệt để, tuổi thọ của cầu sẽ kéo dài hơn. Đây cũng là phương án mà chúng ta đã áp dụng để tu bổ cầu ngói chùa Lương (Nam Định) và cầu ngói Thanh Toàn (TT-Huế), phương án này trước đây cũng được các chuyên gia Nhật đề xuất. Nếu không tu sửa tổng thể thì khó tránh khỏi việc phải sửa đi sửa lại nhiều lần, sửa được chỗ này thì chỗ khác lại hỏng". Còn ông Đặng Văn Bài cho rằng, những lần tu bổ trước chủ yếu là duy tu, bảo dưỡng, gia cố xuống cấp mang tính chất tình thế nên các nguyên nhân tác động tiêu cực tới tình trạng của di tích chưa được xử lý triệt để. "Do đó chúng ta cần đặt vấn đề hạ giải, xác định nguyên nhân gây hại và loại bỏ các cấu kiện không thể tái sử dụng để có biện pháp xử lý triệt để hơn, tạo được độ bền vững lâu dài cho chùa Cầu"-ông Bài phân tích. Tuy nhiên, bà Lê Thủy Trinh-Sở Koa học và Công nghệ Quảng Nam lại cho rằng, chỉ nên trùng tu chùa Cầu từng phần vì đây là di tích "sống" nên việc hạ giải hoàn toàn sẽ làm mất đi cái hồn trong từng chi tiết, cấu kiện của chùa Cầu, dẫu sự thay đổi mới có đảm bảo nguyên tắc bảo vệ di sản đi nữa cũng khó mà thay thế được. Ngoài ra cần xử lý triệt để dòng nước ô nhiễm xung quanh chùa Cầu, bởi điều này ảnh hưởng nhiều đến mỹ quan và giá trị của di tích...

Sự xuống cấp của chùa Cầu đã thấy rõ, thế nên tỉnh Quảng Nam cần thực hiện những biện pháp cụ thể để bảo vệ di tích. Bởi nếu không tiến hành nhanh, những cảnh báo của các nhà khoa học về nguy cơ  mất an toàn nghiêm trọng rất dễ xảy ra.

Hoàng Anh