Báo Công An Đà Nẵng

Giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975

Thứ tư, 23/12/2015 10:51

(Cadn.com.vn) - Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc chưa được hưởng chế độ nào của Nhà nước. Trên địa bàn Quân khu 5, sau gần 4 năm thực hiện, đã giải quyết chế độ cho hơn 73.000 trường hợp, đây là một sự cố gắng rất lớn trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách cho người có công. Để hiểu rõ thêm về công tác này, PV Báo Công an thành phố Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Võ Trọng Thanh-Trưởng Phòng chính sách Quân khu 5.

Đại tá Võ Trọng Thanh.

P.V: Đại tá có thể giới thiệu sơ lược về tình hình thực hiện Quyết định 62 trên địa bàn Quân khu ?

Đại tá Võ Trọng Thanh: Quân khu 5 đóng chân trên địa bàn miền Trung-Tây nguyên với 11 tỉnh, thành phố, 126 huyện (quận) và hơn 1.500 xã (phường) và là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề sau các cuộc chiến tranh. Vì vậy các đối tượng chính sách trên địa bàn chiếm tỷ lệ rất lớn, phần đông lại có đời sống rất khó khăn. Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 ra đời tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, mang lại ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, nhằm ghi nhận và tôn vinh những người có công đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện sâu sắc  truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”… Trên địa bàn Quân khu, ngay sau khi có quyết định, Thường vụ Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên Bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan chức năng. Sau hội nghị tập huấn triển khai ở cấp Bộ, Cấp Quân khu đã thành lập Ban Chỉ đạo 24, kịp thời chỉ đạo các địa phương nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo 24 các cấp và Hội đồng chính sách cấp xã, phường; tổ chức phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc… Qua khảo sát, địa bàn Quân khu 5 có hơn 90.000 người thuộc các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định 62, trong đó phần Quân đội đảm nhiệm khoảng hơn 85.000 người, công an khoảng gần 1.000 người và dân chính đảng hơn 4.000 người.

P.V: Để được hưởng chế độ, những người trong diện kê khai phải có đầy đủ giấy tờ, tuy nhiên có người bị mất một phần hoặc mất hoàn toàn thì giải quyết như thế nào thưa Đại tá ?

Đại tá Võ Trọng Thanh: Từ kinh nghiệm của việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách trước đây, chúng tôi đã tập trung vào công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng để các đối tượng biết và thực hiện. Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn chế độ, chính sách, tiếp đón công dân trả lời đơn thư… cũng được tổ chức thường xuyên nên các thủ tục hồ sơ cơ bản được giải đáp từ cơ sở. Nhiều địa phương đã chủ động in ấn, bổ sung tài liệu, tờ rơi cấp phát đến tận thôn, bản và người dân. Qua rà soát hồ sơ, chúng tôi đã phân thành 3 nhóm: thứ nhất là nhóm có giấy tờ gốc (quyết định xuất ngũ, phục viên…), thứ 2 là nhóm có giấy tờ liên quan (như quyết định khen thưởng, huân huy chương các loại…) và nhóm không có giấy tờ gì. Tiếp đó ưu tiên giải quyết cho những đối tượng có giấy tờ gốc, giấy tờ liên quan rồi đến nhóm không có giấy tờ gì. Việc giải quyết cho các trường hợp không có giấy tờ cũng gặp nhiều vướng mắc và dễ có sai phạm nên chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương phải làm chính xác. Trong đó, nếu là người của địa phương có thể xác định được thì xác nhận và làm các thủ tục tiếp theo. Nếu là người ngoài địa phương đến cư trú, không có giấy tờ chứng minh thì phải về lại địa phương cũ lấy giấy xác nhận. Trong quá trình giải quyết, các trường hợp này đa phần ở khu vực Tây nguyên, tập trung ở các địa phương như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông… Hiện chúng tôi vẫn đang tập trung giải quyết cho các trường hợp này và phấn đấu đến cuối Quý I-2016 sẽ hoàn thành.

Ngoài ra, vướng mắc phát sinh nữa trong quá trình thực hiện là số đối tượng thực tế có tham gia phục vụ chiến trường thời gian ngắn (giao quân, tháp tùng, bảo vệ Thủ tướng hoặc các đoàn công tác, Đoàn Văn công phục vụ cán bộ chiến sĩ, lái xe vận chuyển quân, hàng hóa phục vụ chiến đấu, đội cất bốc quy tập hài cốt liệt sĩ…) hoặc đối tượng tham gia truy quét FULRO hiện không còn giấy tờ chứng minh thời gian công tác ở chiến trường hoặc thời gian tham gia truy quét FULRO, đơn vị khu đi chiến trường hoặc tham gia truy quét FULRO không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ và không nằm trong danh mục quy định. Hội đồng chính sách cấp xã, kể cả thành phần được mời thêm cũng không nắm, biết được quá trình công tác cụ thể của đối tượng. Số này hiện trên địa bàn Quân khu 5 còn tồn đọng nhiều. Để giải quyết vướng mắc này, chúng tôi đã có các đề xuất kiến nghị lên Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ chính sách cho các đối tượng.

P.V: Qua quá trình thực hiện kết quả đến nay đạt được như thế nào?

Đại tá Võ Trọng Thanh: Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay đã có quyết định hưởng chế độ trợ cấp cho 73.483, đạt 80,9%. Trong đó, đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần là 73.381 trường hợp với số tiền hơn 288 tỷ đồng. Đối tượng hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là 102 người. Đã cấp thẻ BHYT cho 47.996 người và giải quyết chế độ mai táng phí cho 780 trường hợp. Hiện nay còn khoảng 7.500 trường hợp chưa lập hồ sơ chủ yếu bị bệnh tâm thần hoặc đã từ trần hoặc đi làm ăn xa, thân nhân không nắm rõ quá trình công tác.

P.V: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Tuấn
(thực hiện)