Báo Công An Đà Nẵng

“Giải thoát” bằng lá ngón - S.O.S!

Thứ sáu, 06/04/2018 21:00

Chỉ vì buồn chuyện gia đình, buồn chuyện tình duyên, buồn vì bị bố mẹ la mắng hay buồn vì không được mua một chiếc điện thoại... là họ tìm đến cái chết. Vấn nạn tự tử đang có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng của bà con các xã vùng cao, biên giới, đặc biệt là trong giới thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, người thân mà vấn nạn này còn tác động tiêu cực đến cộng đồng, xã hội.

BĐBP vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm đẩy lùi nạn tự tử.

Những cái chết thương tâm

Từ đầu năm 2017 đến nay, có hàng chục vụ tự tử thương tâm của thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, không những để lại bao xót xa cho gia đình, người thân mà cả sự bàng hoàng, hoang mang trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ. Đơn cử, ngày 28-2, anh Thò Bá Nênh (trú xã Nậm Càn, H. Kỳ Sơn, Nghệ An) dẫn vợ là chị Xồng Y.P về quê của vợ ở bản Huồi Khe, xã Mường Ải để thăm bố mẹ vợ theo phong tục của người Mông. Trưa cùng ngày, chị Y.P đã ra bìa rừng hái lá ngón ăn. Phát hiện sự việc, anh Nênh cùng bố mẹ vợ nhanh chóng đưa chị Y.P đi cấp cứu. Tuy nhiên, do ăn quá nhiều lá ngón và thời gian phát hiện hơi muộn nên chị P. đã tử vong sau đó hơn một giờ. Theo ông Xồng Tổng Xo (bố của chị Y.P), trong bức thư tuyệt mệnh, P. cho biết chị yêu một người mà phải lấy người khác nên không muốn sống nữa. Còn anh Nênh cho biết, 2 người mới quen nhau thời gian gần đây và tự nguyện đến với nhau chứ không bị ai ép buộc. Không ngờ mới cưới được 4 ngày thì...

Mới đây nhất, ngày 31-3, anh H.V.B (1982) và chị H.T.N (1998, cùng trú xã Trà Lâm, H. Trà Bồng, Quảng Ngãi) gặp nhau trong một đám cưới ở gần nhà và sau đó 2 người rủ nhau vào rừng tâm sự. Tuy nhiên, người em chồng của chị H.T.N cũng đi dự đám cưới đã phát hiện sự việc và báo cho gia đình. Được biết trước đó, anh H.V.B và chị H.T.N có quan hệ yêu đương nhưng vì một số nguyên nhân nên đã chia tay. Sau đó anh H.V.B lập gia đình và có 2 con, chị H.T.N cũng lấy chồng, sinh con. Sau khi sự việc bại lộ, do xấu hổ với gia đình và bản thân, sáng 2-4, chị H.T.N gọi điện thông báo cho anh H.V.B là sẽ ăn lá ngón tự vẫn. Đang làm việc ở gần đó, anh H.V.B vội vàng chạy về can ngăn, thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Thấy chị H.T.N chết, anh H.V.B liền lấy số lá ngón mà chị H.T.N hái về còn lại ăn để tự vẫn. Một lúc sau, người dân ở gần đó phát hiện thấy anh H.V.B còn thở nên đã đưa đến Trung tâm Y tế Trà Bồng để cấp cứu nhưng vẫn không kịp.

Chuyện tự tử vì những lý do đơn giản như vậy không còn lạ ở các xã vùng cao miền núi. Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND H. Trà Bồng, xót xa: “Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có gần 30 trường hợp tự tử, riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 10 trường hợp tìm đến cái chết. Theo thống kê của ngành Y tế huyện, tỷ lệ người tự tử là người dân tộc thiểu số chiếm gần 90% và độ tuổi từ 16 - 50 chiếm hơn 90%. Trong đó, đa phần các trường hợp tự tử bằng lá ngón hoặc các loại thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ. Việc tìm đến cái chết thì muôn vàn lý do, nhưng đáng buồn là chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như: anh em tức nhau câu nói, vợ chồng giận nhau, con đòi mua xe máy, điện thoại nhưng bố mẹ không cho... vẫn còn xảy ra”.

Hệ lụy

Cứ mỗi năm, nạn tự tử trong giới trẻ ở các xã miền núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại tăng lên đáng kể với rất nhiều nguyên nhân. Đánh giá về những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tự tử của thanh niên dân tộc thiểu số, ông Xồng Xái Xo - Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi, H. Kỳ Sơn, H. Nghệ An cho biết: “Có thể nói, nạn tự tử bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết pháp luật của người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cùng với đó, bản lĩnh của các nạn nhân trước thử thách cuộc sống chưa vững vàng, dẫn đến dễ bi quan, chán nản và có hành động tiêu cực bộc phát”.

Còn theo các chuyên gia tâm lý, căn nguyên chủ yếu nhất dẫn tới tự tử ở thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số là do bị stress, trầm cảm, căng thẳng, xung đột tâm lý... dẫn tới buồn chán. Giới trẻ lại bồng bột, dễ chán nản, đau khổ, nhất là khi thất tình, bị la mắng, gia đình quá kỳ vọng đã gây áp lực lớn khiến các em bị bế tắc không lối thoát. Khi vượt quá ngưỡng chịu đựng, các em sẽ tìm đến cái chết.

Không chỉ để lại nhiều hệ lụy cho gia đình mà vấn nạn tự tử còn tác động tiêu cực đến cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là những đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ, những người già không nơi nương tựa... “Nguy hại hơn là nạn tự tử đã đe dọa tính gắn kết cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý xã hội và là cơ sở để những kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... gây mất ổn định chính trị và làm ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” - ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết thêm.

Nhằm giúp người dân nhận thức rõ về những hệ lụy mà vấn nạn tự tử để lại, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm, hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở của các xã biên giới, miền núi đã tích cực tuyên chiến với nạn tự tử trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ nhận thức cho bà con đã được tổ chức tại các “điểm nóng” thường xảy ra nạn tự tử. Đồng thời, cùng với các đề án, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, các hộ nghèo đã được Đảng bộ, chính quyền các xã miền núi triển khai kịp thời, nhằm nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong cộng đồng bản địa.

Muốn giảm thiểu số ca tử vong do tự tử, điều cần thiết nhất là phải tạo cho thanh niên môi trường và lối sống lành mạnh. Trước hết, các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, thầy cô giáo, gia đình cần trang bị cho các em kỹ năng sống tối thiểu để khi gặp những trường hợp không vui, ngoài ý muốn, các em có thể vượt qua hoặc biết cách chia sẻ chứ không thể cứ gặp chuyện buồn là... tự tử.

Trần Hoàng