Báo Công An Đà Nẵng

Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Lan tỏa tình yêu Hà Nội

Thứ năm, 30/08/2018 11:40

Lễ trao Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì yêu Hà Nội" lần thứ 11 năm 2018 diễn ra ngày 29-8 tại Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và Quỹ Bùi Xuân Phái thực hiện từ năm 2008 nhằm tìm tòi, phát hiện, tôn vinh các tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng "có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội". Hệ thống Giải thưởng Bùi Xuân Phái gồm một "Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội" dành cho tác giả gắn bó với Hà Nội trong cả cuộc đời, sự nghiệp; ba giải đồng hạng là "Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội"; "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội"; "Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội". Năm nay, Hội đồng Giám khảo đã chọn 12 đề cử chính thức trong số 40 hồ sơ, từ đó chọn trao 6 giải thưởng ở 4 hạng mục, so với mùa giải trước đã tăng thêm hai đề cử và hai giải thưởng.

Ông Dương Trung Quốc-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam trao Giải thưởng "Ý tưởng - Vì Tình yêu Hà Nội" cho PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học với các đề xuất về di chỉ Vườn Chuối.  Ảnh: Dương Giang - TTXVN

"Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội" năm nay được trao tặng ông Nguyễn Bá Đạm, người đã dành cả một đời thầm lặng vì tình yêu Hà Nội. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, ông đã cống hiến cả đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô. Sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội), ông Nguyễn Bá Đạm từng là giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Đình Phùng. Ông là người bạn tri kỷ của Danh họa Bùi Xuân Phái, bạn tâm giao của ba danh họa trong bộ tứ huyền thoại là Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng; kết giao như anh em với nhà văn Nguyễn Tuân... Ông cũng đóng vai "người mẫu" của Danh họa Bùi Xuân Phái nhiều nhất với 242 ký họa chân dung.

Ngoài dạy học, ông Nguyễn Bá Đạm đam mê sưu tầm cổ vật, nhiều nhất là tiền cổ, được mệnh danh là "kỳ nhân tiền cổ Hà thành". Ngoài tiền cổ, ông còn sưu tầm kỷ vật về các văn nghệ sĩ. Ở tuổi 96, ông Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, đọc báo, viết cần mẫn hàng ngày. Ông đã in hai cuốn sách "Thuở ấy Hà Nội", "Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX". Tác phẩm của ông thu hút bởi lối viết giản dị, ngắn gọn, chứa đựng nhiều chuyện thú vị người biết về Thủ đô. Ông Nguyễn Bá Đạm đang gấp rút hoàn thiện bản thảo "Hà Nội xưa kia", dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2018. Vào năm 2019, ông dự định in cuốn sách về các danh họa của Hà Nội trong đó tập trung vào bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

Hạng mục "Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội" năm nay thuộc về tập thơ "Ta còn em" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) của Nhà thơ Phan Vũ và bộ phim tài liệu "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi) của ông Jean Noel Poirer, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam.

Tập thơ "Ta còn em" của Phan Vũ mở đầu bằng trường ca "Em ơi Hà Nội phố" với 443 câu thơ, chia thành 24 khổ. Đây là bài thơ mà công chúng mới chỉ biết đến qua 21 câu thơ được Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trong bài hát cùng tên. Trường ca "Em ơi Hà Nội phố" được nhà thơ Phan Vũ viết năm 1972. Tháng 7-2018, ông ra mắt triển lãm tranh cùng tên với những bức tranh được sáng tác từ cảm hứng trong trường ca này. Phan Vũ không chỉ là nhà thơ, ông còn là đạo diễn, biên kịch và họa sĩ. Bởi vậy thơ ông đầy chất họa. Nhà thơ Phan Vũ đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phim "Mon Hanoi" (Hà Nội của tôi) của ông Jean Noel Poirier, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã ra mắt khán giả dịp Giải phóng Thủ đô năm 2017. Ông Jean Noel Poirier, thường được gọi với cái tên thuần Việt là Lê Giáng Sinh, kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam (2012 - 2016) và bắt đầu một cơ duyên mới với Hà Nội. Bộ phim tài liệu đầu tay do ông và anh trai là Đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện là cuộc hành trình khám phá những "bí mật nhỏ về Hà Nội" với những góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ của một "người Việt Nam gốc nước ngoài".        

Giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho đề xuất bảo tồn, phát huy di chỉ Vườn Chuối của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học. Chia sẻ khi nhận giải thưởng, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: Việc giữ gìn di chỉ Vườn Chuối là giữ gìn bằng chứng về nơi cư trú của các cư dân đầu tiên ở Hà Nội. Giải thưởng Bùi Xuân Phái sẽ góp phần khích lệ, động viên các nhà khoa học và cả cộng đồng chung sức giữ gìn những nét đẹp của Hà Nội, không chỉ là những bằng chứng, hiện vật cụ thể mà còn là các loại hình văn hóa phi vật thể... Những đề xuất về bảo tồn, phát huy di chỉ Vườn Chuối của các nhà khoa học đã có tác động tích cực với công tác di sản ở Hà Nội.

Giải "Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội" thuộc về  hai công trình. Đó là phố bích họa Phùng Hưng do UBND Q. Hoàn Kiếm, Tổ chức Korea Foundation (Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc) và UN - Habitat (Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam) phối hợp thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc "Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn".

THANH GIANG