Báo Công An Đà Nẵng

Giải toả ‘cơn khát’ thuốc và vật tư y tế

Thứ bảy, 04/03/2023 13:15
Chú thích ảnh
Người bệnh chờ đợi ngoài hành lang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) hôm 2/3/2023. Ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

“Cơn khát" vật tư y tế đã khiến cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) phải chính thức hạn chế mổ phiên từ hôm 1/3. Thâm nhập thực tế, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận cảnh bệnh nhân sốt ruột, lo lắng trước vấn đề mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phải đối mặt. Ngồi gặm tạm miếng bánh mì chờ ngoài ghế đá, bà V.T.T (ở Yên Bái) than thở: “Con trai tôi lên nhập viện để chờ mổ khớp háng từ hôm thứ 2 (28/2) đến nay vẫn chưa có lịch mổ. Tình hình này, ít nhất cũng phải chờ hết tuần này, sang tuần không biết đã được xếp lịch hay chưa. Chúng tôi quê ở xa nên rất sốt ruột mong muốn con được mổ sớm, cảnh ban ngày trực chờ trông con trong viện, tối nằm tạm ghế ngủ rất khổ”.

Câu chuyện nhà bà V.T.T không phải là trường hợp đơn lẻ. Tổng kết năm 2022, các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày thực hiện khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu. Trong ngày đầu tiên đi vào lịch sử của bệnh viện được xếp hạng là bệnh viện chuyên khoa đặc biệt này, có khoảng 100 bệnh nhân phải hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu. Như vậy, mỗi ngày qua đi khi mà tình trạng thiếu vật tư y tế chưa được giải quyết, số ca bị hoãn mổ sẽ lại nhiều lên và không biết có trường hợp nào còn chờ được tới ngày để lên bàn mổ hay không.

Điều đáng quan tâm là vấn đề thiếu vật tư y tế và cả thuốc chữa bệnh không chỉ gây ra hệ luỵ đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), nếu phải tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây được giá gói thầu, đẩy bệnh viện tới nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị cho người bệnh. Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh phải đổi phác đồ điều trị vì thiếu một số thuốc điều trị ung thư hiếm không có nguồn cung sẵn trên thị trường.

Câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế thực ra đã xuất hiện từ đầu năm 2022 và chính phủ sớm vào cuộc. Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. Sau đó, nhiều công điện, chỉ thị, nghị quyết cũng được ban hành, có thể kể ra đây như Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững; Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Công điện số 72/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/2/2023 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Gần đây nhất, tại phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 2/2023 vào ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ngay hôm sau, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Nghị quyết có nhiều điểm mới, đáng lưu ý là việc cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về việc cung ứng thuốc, vật tư y tế và giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế vào chiều 23/6/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cụ thể: Nghị quyết cho phép chủ đầu tư lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác. Nghị quyết đồng thời cho phép thực hiện theo thời hạn của hợp đồng đối với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 và thực hiện các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Nghị quyết còn vạch rõ lộ trình xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế (Bộ Y tế hoàn thành trong Quý II/2023); nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung (Bộ Y tế hoàn thành trong Quý III/2023)…

Với Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023, nhiều “nút thắt đã được tháo gỡ, để bệnh viện không còn tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, quyền lợi của người bệnh cũng được bảo đảm. Tuy nhiên, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận tại cuộc họp báo chiều 3/3, nguyên nhân gây ra tình trạng trạng thiếu thuốc, vật tư y tế có cả tâm lý e ngại trong việc đấu thầu mua sắm. Trong khi chờ đợi hoàn thiện cơ chế - vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai - theo nhiều chuyên gia, bệnh nhân không thể chờ đợi lâu thì “nút thắt tâm lý” cần gỡ bỏ nhằm sớm giải quyết phần nào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Quả thực, trong bối cảnh các tiêu cực từ vụ kit xét nghiệm Việt Á như một quả bom làm rung chuyển nhiều CDC và bệnh viện trong cả nước với hàng loạt các cá nhân bị bắt. Sở y tế địa phương, lãnh đạo bệnh viện vì thế đa phần ngần ngại trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế để tránh rủi ro. Tới nay, hệ luỵ dần xuất hiện ở những bệnh viện tuyến cuối và ngay cả người dân thường cũng nhận ra tác hại của nó. Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức hôm 2/3, anh N.T.V, người nhà đưa bệnh nhân vào phải cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Bệnh viện tuyến trên mà bị thiếu thuốc, vật tư thì rất nguy hiểm, vì đa số khi được chuyển lên đây đều ở trong tình trạng nặng, cần xử lý ngay”.

Ngành y nhận được sự tin yêu, tin cậy của mỗi người dân vì luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành y đều có những tấm gương hết lòng vì bệnh nhân. Hiện nay, “ách tắc” xuất hiện không chỉ khiến bệnh nhân thiệt thòi, tốn kém vì phải bỏ tiền túi mua thuốc trong khi đã có Bảo hiểm Y tế, mà quan trọng hơn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Trong khi các bộ, ngành, địa phương cần rốt ráo xử lý vấn đề, các cán bộ ngành y cũng cần thể hiện tinh thần phụng sự dám làm dám chịu trên cơ sở động cơ trong sáng, minh bạch. Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận những lần “xé rào” mở đường cho cơ chế đột phá như Khoán 10. Với ngành y, “xé rào” mà cứu được người, mà người dân hưởng lợi chính đáng thì việc “xé rào” ấy cần được tạo chủ trương và khuyến khích.

Theo Báo Tin tức