Giảm áp lực thi vào lớp 10: Nhiều điều còn bỏ ngỏ
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông được nhiều phụ huynh, học sinh đánh giá là căng thẳng hơn kỳ thi đại học. Mặc dù những năm gần đây, các Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương đã có nhiều giải pháp đổi mới nhằm giảm áp lực của kỳ thi nhưng sự chuyển biến chưa thực sự rõ nét, đồng đều ở các địa phương.
Thí sinh tại một điểm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Đà Nẵng. Ảnh: HV |
Những bước tiến dài
Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức để tuyển chọn những học sinh có nguyện vọng tiếp tục học tập cấp Trung học phổ thông. Tại mỗi tỉnh, thành phố, tùy vào tình hình thực tế, các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức thi, hình thức thi khác nhau nhằm đảm bảo chất lượng thi cử nhưng vẫn thuận lợi và giảm áp lực cho học sinh.
Nhằm khắc phục những vấn đề bất cập của năm trước, năm học 2019-2020, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông tại Hà Nội đã có nhiều thay đổi trong cách thức thi, cách tính điểm xét tuyển, điểm ưu tiên. Năm nay là năm đầu tiên, học sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội phải làm bốn bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử; bỏ cộng điểm thi nghề; đồng thời, áp dụng theo quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia nên các phòng bảo quản bài thi cũng như phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm đều được lắp camera an ninh giám sát ghi hình. Đây cũng là lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phổ điểm nhằm giúp thí sinh có thể dự kiến được mức điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường. Điểm chuẩn của các trường được công bố chỉ sau 1 ngày công bố điểm thi của thí sinh, làm giảm bớt thời gian chờ đợi, lo lắng của thí sinh và phụ huynh.
Vẫn còn những bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những đổi mới theo hướng tích cực, kỳ thi vào lớp 10 tại một số tỉnh, thành phố năm nay cũng còn tồn tại những hạn chế, sai sót đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận.
Chẳng hạn như tại Đà Nẵng, cận kề ngày thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã chính thức phát thông báo về việc thay đổi quy định về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, với phương thức kết hợp xét tuyển với thi tuyển. Môn thi tuyển gồm Toán và Ngữ văn, không có môn Ngoại ngữ. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo công bằng, khách quan trong thi tuyển. Tuy nhiên, quy định mới này đã khiến nhiều phụ huynh bất ngờ vì nhiều người đã cho con đi học, đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mất nhiều thời gian, tiền bạc vì nghĩ rằng có chứng chỉ sẽ được miễn thi.
Tại Quảng Bình, công tác ra đề thi đã gây hoang mang dư luận khi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của tỉnh trùng với đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 của học sinh thành phố Đồng Hới. Để bảo đảm công bằng, tỉnh Quảng Bình đã quyết định tổ chức thi lại môn này. Tuy nhiên, việc phải thi lại khiến phụ huynh và học sinh Quảng Bình rất bức xúc vì mất thời gian và ảnh hưởng tâm lý của thí sinh.
Giảm áp lực vào trường công
Với áp lực lớn về dân số, hằng năm, chỉ có khoảng 60-70% số thí sinh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội vào trường công lập nên kỳ thi vào lớp 10 đối với phụ huynh và học sinh tại hai thành phố này luôn "căng như dây đàn."
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhiều trường Trung học phổ thông ngoài công lập đã được mở tại các thành phố lớn, nhưng học sinh và phụ huynh không mấy mặn mà. Bởi thời gian qua, cách làm, cách nghĩ của chúng ta khiến cho hệ thống giáo dục phổ thông ngoài công lập có khoảng cách lớn với các trường công lập.
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định cách làm của trường tư hiện còn tồn tại hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng giáo dục của nhiều trường còn thấp, thứ hai là học phí cao. Do vậy, những học sinh không vào được trường công mới... bất đắc dĩ phải học trường tư. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần tạo cơ chế bình đẳng với hai hệ thống giáo dục công-tư, từ đó dần khắc phục tâm lý học sinh không thích học trường ngoài công lập.
V.Hà