Báo Công An Đà Nẵng

Giảm biên chế là việc nhạy cảm song vẫn phải quyết liệt

Thứ năm, 18/10/2018 08:01

Sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là chủ trương lớn của Trung ương đang được triển khai quyết liệt tại Đà Nẵng. Quá trình này gặp không ít khó khăn, nảy sinh nhiều tâm tư, nguyện vọng trong đội ngũ cán bộ. Tuy vậy, quan điểm trong công tác cán bộ của Đà Nẵng là “có lên có xuống, có vào có ra” và “lên khó xuống dễ, vào khó ra dễ”.

Người dân làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng.

Tinh gọn bộ máy

Ông Võ Văn Thương, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi con người và tổ chức. Vì thế, công việc này được Đà Nẵng triển khai cẩn trọng, cân nhắc điều kiện thực tế để có lộ trình và giải pháp phù hợp. Trong thời gian qua, TP đã giải thể 2 đảng bộ trực thuộc Thành ủy gắn liền với việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Sắp tới, TP sẽ sắp xếp lại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, TP đã tiến hành sắp xếp lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã trình Chính phủ về việc hợp nhất BQL các Khu công nghiệp và chế xuất với BQL Khu CNC, đến nay đã có quyết định của Thủ tướng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong năm 2018, TP sẽ sắp xếp, chuyển đổi 49 đơn vị thuộc các sở ngành (giảm 28 đơn vị). Sau khi sắp xếp, TP giảm được 51 người, 34 phòng chuyên môn và 35 vị trí lãnh đạo, quản lý.

Ở các quận huyện, hiện Đà Nẵng đã thực hiện hợp nhất Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị; 2/7 đơn vị đã hợp nhất chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ. Theo dự kiến, trong tháng 11 tới, Đà Nẵng sẽ sát nhập 7 trung tâm bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo. Đối với các tổ chức dưới phường xã, sau khi tiến hành sắp xếp tổ dân phố với chi bộ khu dân cư đã giảm được 12 chi bộ và gần 3 ngàn tổ dân phố, tiết kiệm ngân sách TP mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.

Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương được trung ương chọn thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND trong năm 2019. Đối với cấp quận huyện, ông Thương cho rằng, TP cũng cần quan tâm triển khai thí điểm việc hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, văn phòng UBND và thực hiện văn phòng dùng chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Riêng với việc thí điểm hợp nhất chức danh trưởng ban tổ chức với trường phòng nội vụ, chủ nhiệm UBKT với Chánh thanh tra, Ban Tổ chức Thành ủy đề nghị mỗi địa phương chọn 1 mô hình để triển khai.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc sát nhập các Sở, một số địa phương đã bắt đầu. Cụ thể sát nhập Sở Xây dựng với Sở Giao thông- Vận tải, Sở Tài chính với Sở Kế hoạch& Đầu tư. Ông Nghĩa kể, khi còn làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải có tiếp một quốc vụ khanh, Chánh văn phòng Chính phủ của Singapore, riêng vị này làm một lúc ngang với 5 bộ trưởng ở nước mình. Nếu vị quốc vụ khanh này sang thăm Việt Nam thì phải 5 bộ trưởng của mình tiếp. Tại sao họ làm được mà đất nước của họ rất phát triển? Ông Nghĩa nói, có những ngành có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. Đơn cử như ngành Kế hoạch & Đầu tư, thế giới chỉ còn có ở Việt Nam với Lào. Kể ra câu chuyện đó, ông Nghĩa muốn Đà Nẵng cũng phải tìm cơ chế đối với nhân sự TP. “Công tác cán bộ, Đà Nẵng không có chủ trương làm trước, nhưng đến thì phải làm nghiêm túc”- ông Nghĩa chia sẻ.

Giảm biên chế để tăng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ phục vụ người dân tốt hơn.

Tăng chất lượng cán bộ

Giảm biên chế, tinh gọn bộ máy song phải đi liền với tăng chất lượng cán bộ, hiệu lực hiệu quả hoạt động. Với quan điểm đó, Đà Nẵng vừa quyết liệt giảm biên chế, vừa triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn cán bộ chất lượng. Theo ông Võ Văn Thương, hiện Đà Nẵng đã giảm biên chế được 131 người hưởng lương từ ngân sách đối với khối Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội. Với khối hành chính đã cắt giảm 96 biên chế công chức, từ nay tới năm 2021 phải giảm 106 biên chế, trung bình mỗi năm giảm từ 30-35 người. Với khối sự nghiệp công lập, TP đã giảm gần 1.800 người so với năm 2015. Ông Thương cho biết, năm 2018, nhằm tạo điều kiện bố trí cán bộ trẻ, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức thôi làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, tự nguyện nghỉ thôi việc.

Để tăng chất lượng đội ngũ cán bộ, ông Thương cho biết, công tác quy hoạch cán bộ được TP thực hiện đảm bảo phương châm “động” và “mở”. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở các cấp đều đảm bảo có từ 2-3 người được quy hoạch cho một chức danh. Bên cạnh đó, TP cũng thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ chất lượng thông qua Đề án 89. Từ hơn 130 lượt cán bộ được tiến cử, qua các bước sàng lọc còn lại 58 cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn Đề án. Ngoài ra, TP đã tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo diện đề án thí điểm của Trung ương. Ở cấp Sở đã tuyển 2 Phó giám đốc; cấp phòng đơn vị sự nghiệp trên toàn TP đã tổ chức thi tuyển 22 vị trí (chọn được 18 người).

Ông Thương cho biết, quan điểm của việc tinh giảm biên chế phải gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với vị trí việc làm, đồng thời đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa người làm chuyên môn nghiệp vụ và người làm việc hỗ trợ phục vụ trong từng cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, việc sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Với các đơn vị sự nghiệp công lập cần xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ. Với chức danh ở phường xã, cần tăng cường kiêm nhiệm.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý, trong công tác cán bộ của TP phải linh động tạo ra nguồn cán bộ trẻ. Bởi lẽ, với các quy trình, quy định, cách thức như hiện nay, theo ông Nghĩa thì “không có cán bộ trẻ”. Ông Nghĩa nói tại Hội nghị Thành ủy hôm 15-10: “Quy hoạch rất trẻ nhưng mà là công tác cán bộ xếp vào vị trí sẽ rất già. Đà Nẵng một thời gian cũng quan tâm công tác cán bộ trẻ, nhưng giờ cứ thử xem, bổ nhiệm vào các vị trí rất khó khăn. Ngay đội ngũ kế cận, nhìn thấy đã già cả rồi. Vậy với Đà Nẵng thế nào, chúng ta cứ phải làm theo thế hay không?”.

Rõ ràng việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở Đà Nẵng vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn. Như chia sẻ của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương, đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều tâm tư, nguyện vọng. Song, tâm tư thì dễ, nhưng nguyện vọng là rất khó. Điều còn lại là phải tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đề cao tính gương mẫu của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

HẢI QUỲNH