Báo Công An Đà Nẵng

Giảm độ khó trong đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020

Thứ tư, 08/04/2020 18:03

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11-8, chậm lại gần 2 tháng so với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhằm hướng tới kỳ thi thành công, không gây khó khăn, lo lắng, áp lực với giáo viên, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, Bộ GD-ĐT đã ban hành đề thi tham khảo của các môn thi, bám sát các nội dung dạy học đã được tinh giản.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Các câu hỏi không bao gồm nội dung kiến thức được tinh giản

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Trưởng Ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia 2020, cho biết: Độ khó của đề thi tham khảo năm nay nhẹ nhàng hơn so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019.

Trong đó, các câu hỏi đều không bao gồm nội dung kiến thức được tinh giản thuộc chương trình học kỳ II của lớp 12, năm học 2019-2020; các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ II lớp 12 trong đề thi đã được giảm toàn bộ phần ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, chỉ còn lại phần ở cấp độ nhận biết và thông hiểu. Hay nói cách khác, những câu hỏi này tập trung khai thác vào các khái niệm, các kiến thức cơ bản của các bài học. Học sinh có thể học những nội dung kiến thức này dễ dàng qua hình thức học trực tuyến, trên truyền hình.Trong đề thi có khoảng 70% câu hỏi về nội dung kiến thức cơ bản; khoảng 20% câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý, trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học". Tuy nhiên, riêng phần "tự học có hướng dẫn" vẫn có thể được kiểm tra hoặc ra trong đề thi. Do đó, giáo viên cần thông báo cho học sinh để các em yên tâm học tập, ôn luyện.

Giúp học sinh yên tâm khi ôn tập

Đánh giá chung về đề thi tham khảo các môn, nhiều giáo viên nhận xét, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành. Toàn bộ những nội dung tinh giản mà bộ vừa công bố không được đưa vào đề thi. Phần nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào học kỳ I của chương trình lớp 12. Đề thi có sự phân bố hợp lý về kiến thức và thời gian, tạo thuận lợi cho học sinh thực hiện. Tuy nhiên, một số giáo viên cũng cho rằng,  đề thi nên có độ phân hóa cao hơn để giúp các trường đại học thuận lợi cho tuyển sinh, không mang tính "cào bằng".

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ: 2019-2020 này là một năm học khó khăn và thử thách, với kỳ nghỉ kéo dài "bất đắc dĩ" để phòng, chống dịch, nên nếu đề tham khảo hợp lý sẽ đưa đến tâm lý yên tâm cho học sinh lớp 12 cũng như phụ huynh của các em. Lý do là việc học online, học trên truyền hình đã được ứng dụng ở các tỉnh, thành nhưng khó có thể đạt hiệu quả đồng đều và hoàn toàn khó thay thế việc học tập trực tiếp ở trường, được thầy cô sát bên giảng dạy, đôn đốc. Cụ thể, với môn Ngữ Văn, cô Kim Anh nhận xét, đề tham khảo năm nay vừa sức với học sinh hơn. Đề khoa học, gọn và khơi gợi sáng tạo. Đánh giá về đề thi môn Toán, thầy Lại Tiến Minh cho rằng, đề thi theo hình thức trắc nghiệm với 50 câu, cấu trúc ổn định như năm 2018, 2019. Nội dung đề gồm cả chương trình lớp 11 và 12, trong đó, chủ yếu là lớp 12. Các phần kiến thức lớp 12 chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ I.

Tuy nhiên, theo thầy Trần Mạnh Tùng, đề minh họa môn Toán có tính phân hóa yếu vì có tới 70% là các câu đơn giản và quen thuộc nên có cảm giác nhàn nhạt, dễ gây chủ quan cho học sinh ôn thi. Theo thầy Tùng, để tuyển sinh đại học, đề cần các câu hỏi có chiều sâu, đòi hỏi sự thông minh, sáng tạo chứ không phải chỉ là thợ giải toán, chỉ cần thành thạo các dạng quen thuộc là đã có thể đạt 9, 10 điểm. Với một đề thi như hiện có thì rất khó có đánh giá công bằng cho học sinh.

P.V