Giám đốc lừa đảo xuất khẩu lao động
(Cadn.com.vn) - Hàng chục bị hại ở khắp các tỉnh Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TT-Huế... sau khi đưa số tiền hàng tỷ đồng cho Thắng để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản thì Thắng đã không thực hiện mà “nướng” toàn bộ số tiền vào cá độ bóng đá.
Nguyễn Chiến Thắng (1982, trú đường Chi Lăng, TP Huế) - là giám đốc Cty TNHH Tư vấn dịch vụ Anzen (Cty Anzen) đóng trên đường Trường Chinh (TP Huế), kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành nghề cung ứng và quản lý lao động. Thông qua nhiều mối quan hệ quen biết, Thắng giới thiệu với nhiều người rằng có thể đưa lao động qua làm việc tại Nhật Bản trong thời gian nhanh nhất với mức phí 6.000USD/lao động theo chương trình thực tập sinh kỹ năng. Nhiều sinh viên vừa ra trường, do không có việc làm nên có nguyện vọng đi qua Nhật làm việc và đã đến Cty Anzen để đăng ký. Em T.A. cho biết: “Em có quen mấy anh chị các khóa trước của trường ngoại ngữ đã qua Nhật, công việc rất ổn định, thu nhập lại khá. Vì vậy, sau gần 2 năm ra trường nhưng không có việc làm, em đã xin ba mẹ đi XKLĐ sang Nhật Bản. Sau khi được gia đình đồng ý, em đến Cty Anzen của Nguyễn Chiến Thắng để làm thủ tục. Tại đây, giám đốc Cty đưa các hồ sơ, thủ tục của một số Cty ở Nhật Bản để cho em tìm hiểu...”. Theo đề nghị của Thắng, gia đình Th.A. phải đưa trước 4.000USD, số còn lại, khi nào có giấy xuất cảnh sẽ đưa đủ. Tuy nhiên, Th.A. chờ hoài vẫn không nhận được bất cứ giấy tờ gì. Tìm đến Cty Anzen hỏi thì Th.A. mới tá hỏa khi ông giám đốc đã bặt vô âm tín.
Tương tự, Tống Thị V. (24 tuổi, trú đường Hàn Mặc Tử, TP Huế) cho biết, thông qua một số người, chị biết được Cty Anzen do Nguyễn Chiến Thắng làm giám đốc có làm dịch vụ đưa người đi XKLĐ tại Nhật Bản với mức lương khá cao. Vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm, V. vay mượn để đóng 4.000USD cùng với bộ hồ sơ xin việc và chờ ngày phỏng vấn. Đến tháng 5-2016, khi đến phỏng vấn thì Thắng cho biết V. được tiến cử đi Nhật XKLĐ mà không cần phỏng vấn, đồng thời xếp lịch bay đi Nhật cho chị V. vào tháng 1-2017. Tin lời, chị V. lại tiếp tục vay mượn và đưa cho Thắng tổng cộng 185 triệu đồng gồm các loại phí như: làm hồ sơ, bảo hiểm, học tiếng, vé máy bay... Đến ngày bay, chị V. liên lạc thì Thắng đã “cao chạy xa bay”.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, mẹ anh Phạm Xuân Tr. (23 tuổi, trú H. Bố Trạch, Quảng Bình) tâm sự: do cuộc sống khổ cực, buôn thúng bán bưng, với mong muốn con trai có cơ hội đổi đời, nghe lời dụ dỗ của Nguyễn Chiến Thắng, gia đình gom góp, vay của nhiều người quen gần 160 triệu đồng đưa cho Thắng nhờ giúp con trai được đi XKLĐ tại Nhật Bản. Nhưng sau nhiều lần khất hẹn, gia đình mới rõ là mình bị lừa và cũng không thể lấy lại được tiền.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của một số người, Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế vào cuộc điều tra. Theo cơ quan CA, đến đầu tháng 5-2017, cơ quan CA đã nhận được hơn 20 đơn của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố (chủ yếu là miền Trung) tố cáo Nguyễn Chiến Thắng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo của Thắng được thực hiện bằng cách nhận hồ sơ, tiền để đưa người có nhu cầu đi lao động tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật. Việc giao nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản và trực tiếp bằng tiền mặt với tổng số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng.Theo cơ quan CA, Thắng từng có một thời gian đi qua Nhật Bản nên Thắng biết rõ thủ tục, cách thức hoạt động của các Cty ở Nhật có lao động Việt Nam. Vì vậy, Thắng đã tìm mọi cách để tạo niềm tin đối với những người đến Cty Anzen làm thủ tục XKLĐ đi Nhật.
Sau quá trình điều tra, Văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giữ đối với Nguyễn Chiến Thắng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan CA, từ tháng 5-2016 đến đầu năm 2017, Nguyễn Chiến Thắng do chơi cá độ bóng đá thua và nợ một khoản tiền lớn nên khi có học viên đến đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật, Thắng nói có thể đáp ứng nhu cầu đi làm việc tại Nhật. Chi phí xuất cảnh là 6.000USD mỗi học viên, nếu tham gia phải đóng trước 4.000USD, khi nào có lịch xuất cảnh sẽ thu thêm 2.000USD. Ngoài ra, Thắng còn đưa ra nhiều lý do để thu thêm một số khoản phí khác. Sau khi nhận được tiền từ học viên, Thắng không sử dụng để đăng ký cho học viên mà dùng đó để tiếp tục trả nợ và chơi cá độ. Điều đáng nói, Thắng còn nhờ các học viên đến đăng ký có bạn bè, người thân giới thiệu rồi Thắng sẽ hậu tạ. Số tiền Thắng lừa các bị hại được xác định ban đầu là 2,5 tỷ đồng.
Theo CQĐT, ngay sau khi biết Nguyễn Chiến Thắng bị khởi tố, bắt giữ, đã có một số bị hại khác cũng đã đến cơ quan trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của Thắng. Cơ quan CA khuyến cáo, những người dân có nhu cầu tìm việc làm hoặc có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần đến các cơ sở, trung tâm có uy tín, được ủy thác của cơ quan chức năng tuyển chọn, đào tạo và đưa người đi lao động để được tư vấn và hỗ trợ; không để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo dẫn đến nợ nần, tạo gánh nặng cho bản thân và gia đình.
H.Lan