Báo Công An Đà Nẵng

Giảm giá cước vận tải: Nơi rục rịch, nơi án binh

Thứ ba, 11/11/2014 12:17

(Cadn.com.vn) - Sau thời gian xăng, dầu liên tục giảm giá, cùng với đó là công văn của Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán giảm giá cước, một số doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã bắt đầu điều chỉnh giá cước vận tải. Đi tiên phong trong việc này là hai doanh nghiệp kinh doanh taxi, Phú Hoàng-Taxi Tiên Sa và Mai Linh miền Trung. Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều đơn vị vận tải khác vẫn chưa có “phản ứng” nào sau 9 lần xăng giảm giá.

TAXI TIÊN PHONG… GIẢM GIÁ

Đến sáng 10-11 là ngày thứ 2 khách hàng của hãng taxi Tiên Sa được hưởng lợi từ việc giảm cước vận tải taxi. Nhiều người cảm thấy vui vì giảm được một phần chi phí đi lại. Chị Hoàng Tú Quyên (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) nói: “Bản thân cũng thường xuyên đi lại bằng taxi nên với mức giảm giá này của Tiên Sa, góp phần giúp người tiêu dùng giảm các khoản chi tiêu. Tôi mong rằng, các hãng taxi khác cũng tiếp tục giảm giá để những khách hàng như chúng tôi được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu giảm trong thời gian gần đây”. Theo ông Lê Vinh Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP vận tải và dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa - thì Taxi Tiên Sa đã thực hiện giảm giá cước cho tất cả các dòng xe, với mức giảm bình quân từ 700 đồng đến 1.500 đồng/km và áp dụng trên toàn hệ thống của Phú Hoàng Tiên Sa.

Theo đó, giá mở cửa đối với các dòng xe 4 chỗ tại Đà Nẵng là 7.900 đồng, km tiếp theo là 12.900 đồng và từ km 31 trở đi chỉ còn 9.500 đồng. Đối với loại xe từ 5-7 chỗ, giá mở cửa đồng nhất là 8.900 đồng, km tiếp theo từ 15.000-16.500 đồng và từ km 31 trở đi dao động từ 10.200 đồng đến 12.000 đồng. Riêng tại Chi nhánh Huế, giá mở cửa đồng nhất là 8.900 đồng, km tiếp theo của xe 4 chỗ là 12.500 đồng và km thứ 31 trở đi của xe 5 chỗ là 11.000 đồng. Các dòng xe khác giá tương tự ở Đà Nẵng.

Trong ảnh: Tất cả các xe của hãng taxi Tiên Sa đã được cài đặt lại đồng hồ tính tiền theo giá mới.

Tương tự, kể từ hôm nay (11-11), khách hàng của hãng Mai Linh Miền Trung cũng chính thức được hưởng lợi từ chính sách giảm giá của Cty. Với mức giảm từ 700 đồng đến 2.000 đồng/km tùy từng loại xe. Đặc biệt, Mai Linh Miền Trung còn giảm khá sâu đối với giá mở cửa của các dòng xe, từ 10.000 đồng xuống còn 6.800 đồng đến 7.800 đồng, đây là một trong những tin vui cho khách hàng. Ông Võ Thành Nhân-TGĐ Cty CP Mai Linh Miền Trung cho biết, Cty có chính sách giảm giá sâu như trên là vì theo nhận định thời gian tới giá xăng dầu có xu hướng giảm, lúc đó DN sẽ đỡ phải tốn kém các chi phí khác phát sinh khi điều chỉnh lại giá cước theo giá xăng dầu mới. Ông Nhân phân tích, để giảm giá cước vận chuyển, DN phải thực hiện nhiều khâu như: cài đặt lại đồng hồ, in và dán decal bảng giá trên các xe, dừng kinh doanh để đưa xe đi kiểm định và bấm chì… vì vậy giảm một lần thì sẽ tiết kiệm được các khoản chi phí phát sinh khác khi xăng dầu tiếp tục giảm.

Cũng theo thông tin của chúng tôi nhận được, vào ngày 8-11 vừa qua, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đã họp và đi đến thống nhất, cả 6 đơn vị kinh doanh taxi trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ giảm giá cước vận chuyển trong thời gian đến, tuy nhiên mức giảm của mỗi hãng là khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, môi trường kinh doanh.

VẬN TẢI ĐƯỜNG DÀI VẪN CHƯA CÓ KẾ HOẠCH

Chiều 10-11, chúng tôi có mặt tại Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng, mọi hoạt động vận chuyển khách tại bến xe này vẫn diễn ra bình thường. Dạo quanh một vòng các quầy vé, chúng tôi nhận thấy chỉ có hãng xe Cúc Tùng (chạy tuyến Đà Nẵng-Nha Trang-TP Hồ Chí Minh) có dán bảng niêm yết giá đi Nha Trang mới. Theo chị Lê Hòa Cơ-Quản lý phòng vé Cúc Tùng tại Đà Nẵng, nhằm kích cầu thị trường và theo chiều hướng giảm của giá xăng dầu, Cty Cúc Tùng đã quyết định giảm 20% giá vé cho chặng từ Đà Nẵng đi Nha Trang từ ngày 6-11 đến hết ngày 19-12 sau đó tùy tình hình sẽ tính tiếp.

Dù giá cước không giảm nhưng mọi hoạt động ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vẫn bình thường.

Còn tại các bảng niêm yết giá còn lại, cước vận chuyển hầu như chưa có sự thay đổi nào sau khi giá xăng 9 lần giảm liên tục. Đại diện một nhà xe chạy tuyến Ba Đồn (Quảng Bình)-Đà Nẵng cho biết, dù giá xăng, dầu có giảm nhưng chưa bù đủ các chi phí và chưa thấy nhà xe nào giảm giá nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và nhà xe của chị cũng chưa có kế hoạch giảm giá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Hoàng-TGĐ Cty CP vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng thông tin, tính đến thời điểm hiện nay chưa thấy có doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách nào tại bến xe có động thái giảm giá cước. Theo ông Hoàng, lý do chính là từ gần 2 năm nay, khi giá xăng tăng lên các đơn vị vận chuyển khách cũng không tăng giá (trừ các đợt lễ, Tết có phụ thu lệch chiều) vì vậy họ chưa có động thái giảm giá cũng là điều dễ hiểu.

Bảng giá cước mới của hãng xe Cúc Tùng.

Đối với cước vận tải hàng hóa, tính đến chiều 10-11 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo giải thích của đại diện một số đơn vị, dù giá xăng dầu có giảm tuy nhiên các khoản chi phí khác như: phí đường bộ, phí kiểm định, lương, bảo hiểm xã hội… đều tăng, nếu tiếp tục giảm giá, các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hóa sẽ thua lỗ vì vậy các DN cần có tính toán cụ thể. Riêng đối với các đơn vị vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng thì đã có thỏa thuận từ trước nên tình hình vẫn được giữ ổn định. Ông Phạm Bắc Bình-TGĐ Cty CP Bình Vinh lý giải, trong vận tải hàng hóa thì nhiên liệu chiếm đến 40% giá thành vận chuyển. Tuy nhiên hơn 260 đầu xe của Cty hầu hết đều vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng cho một số đối tác lớn nên đơn giá đã được các bên đưa ra từ trước. Và khi nào xăng, dầu tăng hoặc giảm từ 5-7% thì mới bắt đầu có sự điều chỉnh bằng phụ lục hợp đồng.

Như vậy, sau 9 lần giảm, giá xăng đã ở mức thấp tuy nhiên ngoài các đơn vị vận chuyển khách bằng taxi giảm giá các đơn vị còn lại vẫn chưa có “phản ứng” gì, điều này cũng đặt ra một câu hỏi lớn cho các đơn vị quản lý: liệu đã công bằng với người tiêu dùng hay chưa?

Nguyễn Tuấn