Báo Công An Đà Nẵng

Giảm nghèo phải gắn liền với phát triển sinh kế bền vững

Thứ tư, 21/12/2016 09:22

(Cadn.com.vn) - Hơn 4 ngàn tỷ đồng, gần 13 ngàn nhà ở được xây mới, sửa chữa và căn hộ chung cư cho thuê; hơn 211 ngàn lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn; gần 54 ngàn lượt người nghèo được giải quyết việc làm và đặc biệt có hơn 91 ngàn lượt hộ thoát nghèo bền vững..., đó là kết quả nổi bật được đưa ra tại hội nghị biểu dương hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn 1997-2016 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm qua (20-12).

Thừa ủy nhiệm Chủ tịch UBND thành phố, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng trao bằng khen
cho đại diện 20 hộ tiêu biểu trên địa bàn thành phố vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao “cần câu”, thoát nghèo bền vững...

Hỗ trợ phương tiện sinh kế, vật nuôi, cây trồng, và đặc biệt là nguồn vốn, như là cách để trao “cần câu” cho hộ nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững. Điều này đã được khẳng định bằng hàng ngàn câu chuyện về hành trình thoát nghèo “ngoạn mục” của các hộ nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua…Nhớ lại thời kỳ gian khó đã qua, vợ chồng anh Đặng Văn Lộc và chị Phạm Thị Minh Nguyệt, trú thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang vẫn còn bồi hồi. Năm 1998, anh chị chính thức trở thành vợ chồng. Do gia đình hai bên đều nghèo khó, của hồi môn chẳng có gì, anh chị lại liên tục đón 3 thành viên nhỏ ra đời nên cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại càng tăng lên gấp bội. Hầu như 5 thành viên trong gia đình đều trông chờ vào tủ bánh mì của chị Nguyệt tại chợ Túy Loan, thu nhập bấp bênh, anh Lộc thì không có việc làm. Năm 2005, địa phương đã xét duyệt đưa gia đình anh chị vào chương trình giảm nghèo, hàng năm được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con... “Với sự hỗ trợ đó, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn, tuy nhiên nghĩ đến giải pháp lâu dài thì nhìn trước ngó sau vẫn không biết xoay xở đâu ra nguồn vốn kha khá để làm ăn”, chị Nguyệt hồi tưởng. Đang loay hoay không biết tìm lối thoát bằng cách nào thì năm 2007, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Phong hướng dẫn lập hồ sơ và được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội H. Hòa Vang. “Có được nguồn vốn này, vợ chồng tôi mở lò ép bún tươi tại nhà và chăn nuôi heo. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ đây cuộc sống của gia đình bớt khó khăn, dần ổn định và chính thức thoát nghèo từ cuối năm 2008. Đến nay có thể nói gia đình tôi thuộc loại khá giả, thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 800 ngàn đồng và giải quyết việc làm cho 2 lao động thuộc diện hộ nghèo ở địa phương”, chị Nguyệt vui mừng cho biết.

Anh Chung Văn Sỹ, ở tổ 1, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn cũng là một trong những trường hợp thoát nghèo bền vững tương tự. Anh Sỹ cho biết, bản thân anh vốn trước đây không có việc làm ổn định, con cái còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình thuộc diện rất khó khăn. Tuy nhiên sau khi được hỗ trợ vay vốn, sinh kế và hướng dẫn cách làm ăn, học nghề sửa chữa và kinh doanh đồ điện, với sự nhạy bén của mình, đến nay anh đã thành lập 1 công ty, 3 chi nhánh và quản lý 15 nhân sự, góp phần tạo việc làm cho các lao động tại địa phương và vùng lân cận. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Chính, ở tổ 10A1, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà cũng là một điển hình. Bản thân ông Chính bị bệnh cột sống, việc làm không ổn định, vợ nấu ăn thuê, 3 con còn đi học, mẹ già ốm đau thường xuyên... nên gia đình ông rơi vào diện “hộ nghèo bền vững” của địa phương. Đứng trước chồng chất khó khăn, ông được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để đầu tư vào dịch vụ nấu ăn phục vụ cưới hỏi. Chính từ sự hỗ trợ và tìm được hướng đi đúng, gia đình ông không những thoát được nghèo bền vững mà còn tạo việc làm cho 15 lao động. Ông có điều kiện tham gia công tác xã hội, từ thiện và hiện là đại biểu HĐND phường và tổ trưởng tổ dân phố…

Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm, hàng ngàn gương điển hình thoát nghèo bền vững trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua. Nói về việc thoát nghèo “ngoạn mục” của bản thân và gia đình, họ đều cho rằng, ngoài nỗ lực tự thân, nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm và quyết tâm vươn lên, thì yếu tố đặc biệt quan trọng, có thể đóng vai trò quyết định là sự hỗ trợ về vốn, sinh kế của nhà nước. Nói ví von thì đó là hộ được trao cho “cần câu” để thoát nghèo.

Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố cho rằng, qua 20 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, đời sống của đại bộ phận hộ nghèo được nâng lên gấp nhiều lần. Hàng năm, số hộ thoát nghèo của thành phố luôn vượt chỉ tiêu đề ra; qua các giai đoạn, mục tiêu giảm nghèo luôn về đích trước thời hạn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Hưng thì chương trình giảm nghèo thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể là có nơi, nhất là ở một số cơ sở, các hoạt động trợ giúp cho hộ nghèo còn chung chung, chưa sát với hoàn cảnh của từng hộ; một bộ phận hộ nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa thật quyết tâm nỗ lực vươn lên... Còn theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, nhìn một cách tổng thể, chương trình này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là trong việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. “Quá trình phát triển, bao hàm cả quá trình đô thị hóa đã đem lại những thuận lợi và khó khăn cho người nghèo, và trong nhiều trường hợp thì khó khăn nhiều hơn. Một số hộ nghèo đã có thể thoát nghèo một cách tương đối nhờ vào sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của toàn xã hội. Một số khác vừa thoát nghèo lại rơi vào tình trạng tái nghèo do thất bại trong công cuộc mưu sinh, thị trường lao động thay đổi hay gặp phải một tai nạn hoặc bệnh tật đến với bản thân hay gia đình họ”, ông Sơn nêu vấn đề. Ngoài ra, theo ông Sơn, hoạt động phổ biến nhất của người nghèo đô thị là buôn bán dịch vụ nhỏ, với những công việc không đòi hỏi tay nghề, mang tính thu nhập thấp và không ổn định. Trong khi những chính sách quản lý đô thị của thành phố nói chung thời gian qua đều có xu hướng tạo ra nhiều khó khăn hơn cho người nghèo đô thị. Những quy định như cấm bán hàng rong, sắp xếp vỉa hè, lòng lề đường... đều hạn chế cơ hội, môi trường kiếm sống của người nghèo khi mà họ chưa được cung cấp những cơ hội mới.

Giảm nghèo cần được xem là giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội phát triển bền vững và giảm bất bình đẳng. Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, mục tiêu giảm nghèo cần được xem là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Ông Sơn cho rằng, các giải pháp giảm nghèo, tăng thu nhập cần phải hướng đến mục tiêu phát triển sinh kế bền vững, từng bước nâng cao năng lực của người nghèo về trình độ tay nghề, vay vốn, chăm sóc y tế... Đồng quan điểm nói trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho rằng, phải có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định thành công của chương trình.

D.Hùng