Giám sát chặt chẽ, kiểm soát và xử lý ổ bệnh bạch hầu
Sau 11 năm không ghi nhận ca bệnh, tháng 10 vừa qua bệnh bạch hầu bùng phát mạnh trở lại tại tỉnh Kon Tum; trong năm 2018 đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tập trung tại 3 huyện Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Đặc biệt, trong tháng 11, tại trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Tô, 4 bệnh nhân gồm Y Huyên, Nguyễn Thị Bé, A Sứ và Y Nga đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thời gian này luôn trong tình trạng quá tải. Toàn khoa có 20 giường bệnh, một nửa trong số này nằm ở khu vực cách ly đặc biệt dành cho 10 bệnh nhân điều trị và theo dõi bệnh bạch hầu. Theo bác sĩ Ngô Đây - Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị là không có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Ông Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: Đối tượng mắc đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi trình độ nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh. Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, cộng với tập quán sinh hoạt tập trung của đồng bào dân tộc là môi trường dễ lây lan, phát tán mầm bệnh. Trước những khó khăn đó, ngành Y tế tỉnh Kon Tum chú trọng công tác giám sát chặt chẽ các ổ bệnh, thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn.
“Chúng tôi đang tập trung khám sàng lọc cho tất cả người dân vùng phát hiện bệnh bạch hầu nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để cách ly, tránh lây lan; tập trung xử lý các ổ bệnh được phát hiện thời gian qua, mà mới nhất là ổ bệnh tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Tô; đã tiến hành tiêm vaccine Td tại tất cả 5 xã có ca bệnh xác định và đang tiếp tục triển khai tại 3 xã có các trường hợp người lành mang trùng” - bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết.
P.V