Giám sát, kiểm tra đối với hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng
Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng tán thành việc cần thiết phải sửa đổi luật. Qua đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá lại các quy định về nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng, vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác quản lý Nhà nước có rất nhiều hạn chế, bất cập; tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên có những hạn chế, gây ra những hậu quả về mặt xã hội. Trong khi đó, vai trò, giá trị của hoạt động công chứng rất quan trọng, là cơ sở, căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước và các giao dịch xã hội tổ chức thực hiện và được coi là chứng cứ để giải quyết các hoạt động, nhất là hoạt động trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự. Bí thư Thành ủy cho rằng, trong nội dung luật lần này cần làm rõ các hoạt động quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng cũng như hoạt động công chứng viên; trong đó có nội dung quan trọng được quy định cụ thể, bao gồm cơ chế, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động công chứng và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng. Liên quan đến hồ sơ, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm công chứng viên, cần nghiên cứu lại cho phù hợp. Đồng thời, theo Bí thư Thành ủy, thực tiễn đang đặt ra câu chuyện xung đột về mặt pháp lý, đó là trách nhiệm bồi thường khi công chứng viên gây ra những thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Do đó, cần đưa vào dự thảo luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, cá nhân cũng như gắn với trách nhiệm của tổ chức công chứng, công chứng viên.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tán thành việc sửa đổi luật, đồng thời cho rằng, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có sử dụng nhiều lần cụm từ “cơ sở dữ liệu công chứng” nhưng chưa có giải thích cụ thể nội hàm cụm từ này. Do đó, cần bổ sung giải thích cụm từ này tại dự thảo luật để thống nhất cách hiểu và thực hiện. Đồng thời, tại khoản 1, Điều 2 cần thay thế cụm thừ “xác thực, hợp pháp” bằng cụm từ “đủ điều kiện có hiệu lực”. Việc thay thế cụm từ trên nhằm bảo đảm tính tương đồng với quy định tại Bộ Luật dân sự năm 2015, cụ thể: Điều 116 quy định về giao dịch dân sự, Điều 117 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đều không có điểm, khoản nào quy định về việc xác định “tính xác thực, hợp pháp” của giao dịch dân sự. Đồng thời, nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự là: “Chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, tự do cam kết, thỏa thuận”, đây là nguyên tắc tối thượng cần được tôn trọng. Do đó, mọi cam kết, thỏa thuận chỉ cần giao dịch đủ điều kiện có hiệu lực, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức đều có thể được công chứng.
Tại khoản 3, Điều 8 của dự thảo luật, về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên quy định: “Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sỹ luật”. Đại biểu đề nghị giữ nguyên thời gian công tác pháp luật là 5 năm theo như Luật Công chứng hiện hành. Về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, cần bổ sung quyền và nghĩa vụ này của công chứng viên vào khoản 1 và khoản 2 Điều 16 dự thảo luật. Về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới tại Điều 34 quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc phân công công chứng viên hướng dẫn tập sự cho người tập sự hành nghề công chứng.
Theo ĐNO