Giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự
TT- Huế - Ngày 9-5, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Văn Luật- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi giám sát về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại tỉnh TT- Huế.
Theo báo cáo của UBND tỉnh TT- Huế, từ năm 2013 đến nay, công tác quản lý Nhà nước về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã từng bước được tăng cường. UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh phát huy vai trò đầu mối tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành. Việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, đảm bảo điều kiện hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập được quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập với 55 giám định viên. Quá trình triển khai Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Từ năm 2013 - 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận, thực hiện trên hàng ngàn vụ việc, trong đó đa số các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh không có đơn khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, tỉnh TT- Huế đang gặp một số khó khăn như: Đội ngũ giám định viên thuộc các lĩnh vực ngân hàng, cổ vật, bản quyền tác giả… chưa có; việc thực hiện quy định về thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo quy định của luật trong thực tiễn rất khó thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia có đủ điều kiện và năng lực; thiếu trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. UBND tỉnh TT- Huế cũng đề xuất cần sửa đổi, bổ sung để luật phù hợp với thực tiễn hơn.
Ghi nhận những kết quả mà TT- Huế đã đạt được, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi đến Quốc hội tại phiên họp sắp tới.
T.T