Giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho TP Đà Nẵng phát triển bền vững
(Cadn.com.vn) - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, một trong những vấn đề được Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm chính là định hướng giảm sâu tỷ lệ ngân sách địa phương được giữ lại giai đoạn 2017-2020. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đề nghị cần thiết phải giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách hợp lý, tạo nguồn lực để thành phố hoàn thành mục tiêu phát triển xứng tầm là đô thị hạt nhân, vùng kinh tế động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. |
P.V: Cụ thể tỷ lệ phân bổ ngân sách TP Đà Nẵng được giữ lại giai đoạn 2017-2020 theo dự thảo Chính phủ trình Quốc hội như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Theo phân bổ năm 2017, Trung ương định hướng điều tiết ngân sách của TP Đà Nẵng tăng lên hơn gấp đôi so với năm 2016 (214%). Chính phủ trình Quốc hội xem xét tỷ lệ điều tiết phần ngân sách Đà Nẵng được giữ lại chỉ còn 68%, giảm mạnh so với tỷ lệ 85% giai đoạn 2011-2016. Trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách giai đoạn 2017-2020, Đà Nẵng là địa phương được huy động tỷ lệ tăng cao đột biến so với các tỉnh, thành phố có điều tiết tăng lên trong lần này (Đà Nẵng giảm cao nhất toàn quốc với 17%, trong khi các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ chỉ giảm tối đa 10%). Đó là chưa kể chỉ tiêu dự toán thu ngân sách Trung ương giao cho Đà Nẵng năm 2017 cũng rất cao (18.045 tỷ đồng) so với khả năng thu ngân sách của thành phố cũng là áp lực vô cùng lớn đối với thành phố.
P.V: Điều này tác động như thế nào đối với TP Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Tôi cho rằng với việc tăng tỷ lệ điều tiết quá cao, đột ngột và bất ngờ như vậy thật sự Trung ương đang dồn về cho Đà Nẵng quá nhiều khó khăn, áp lực. Đà Nẵng với sứ mệnh phát triển bền vững, giữ vai trò hạt nhân tạo sức lan tỏa cho sự phát triển của toàn vùng. Hiện tại, nhu cầu đầu tư của TP Đà Nẵng đối với các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, các chương trình an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là rất lớn và cấp thiết. Đơn cử, trong xây dựng Chương trình hành động của Đà Nẵng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2003, Kết luận 75-KL/TW năm 2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), và kết luận của Thủ tướng Chính phủ "về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng" đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, 2050; trên cơ sở tính toán tỷ lệ điều tiết của Trung ương đối với Đà Nẵng có tăng so với tỷ lệ điều tiết hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chương trình "thành phố 4 an". Để thực hiện chương trình trọng điểm này, thành phố đã tính toán đến rất nhiều khoản kinh phí rất lớn mà những khoản kinh phí đó, không chỉ lo riêng cho người dân Đà Nẵng mà còn cho cái chung vì sự phát triển và thụ hưởng của người dân toàn vùng.
Ví dụ, Đà Nẵng triển khai đầu tư xây dựng ký túc xá đủ chỗ ở cho hơn 50.000 sinh viên trên tổng số hơn 110.000 sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề ở tất cả các tỉnh, thành phố khác về học tập, làm việc. Rồi đầu tư xây dựng đủ chỗ ở cho hơn 40.000 công nhân ở ngoại tỉnh về làm việc, trong đó có gần 7.000 người là vợ chồng của gần 100.000 công nhân ngoại tỉnh sinh sống, làm ăn. Thành phố cũng tính toán xây dựng hệ thống xe buýt trợ giá, phục vụ cho 300.000 người dân, công nhân và sinh viên, trong đó có hơn 120.000 người dân từ Quảng Nam. Đặc biệt, thành phố cũng quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông mới hiện đại, bảo đảm phục vụ người dân khi thành phố tăng dân số từ 1 triệu người hiện nay lên 1,5 triệu người và 3 triệu người theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có từ 400 ngàn đến 1,3 triệu người dân từ các tỉnh thành khác về sinh sống, học tập, làm việc... Đây là những dự án thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững mà nếu thành phố không đảm bảo được nguồn lực ngân sách sẽ khó hoàn thành được.
P.V: Trên cương vị là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, ông kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ về bất hợp lý này?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Rõ ràng, việc giảm sốc tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại hay nói cách khác là việc cắt giảm ngân sách của TP Đà Nẵng quá cao (32% năm 2017 so với mức 15% giai đoạn 2011-2016) sẽ tạo áp lực rất lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh mọi mặt của người dân. Tôi kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại tỷ lệ điều tiết, không tạo điều quá sốc đối với địa phương, đảm bảo nguồn lực cho địa phương hoàn thành tốt chương trình hành động phát triển đã đề ra.
Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị đã có yêu cầu ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển, đóng vai trò động lực phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 và tăng thỏa đáng tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố đối với các khoản thu chi giữa trung ương và địa phương ổn định trong 5 năm. Theo tinh thần này, tỷ lệ điều tiết của Đà Nẵng được hưởng phải được xem xét tăng lên nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương, chứ không phải giảm sâu thêm 17% như dự kiến trình Quốc hội. Trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm của địa phương về điều tiết ngân sách trung ương và Luật ngân sách Nhà nước 2015, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách TP Nẵng được hưởng khoảng 80%, giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Quang Huy
(thực hiện)