Báo Công An Đà Nẵng

Gian lao đời lao công

Thứ hai, 20/04/2009 00:00

Kỳ 1: Muôn nẻo vào nghề

(Cadn.com.vn) - Đi qua đoạn đường ngập rác, bạn nhón chân, nín thở; đi qua chỗ người lao công đưa chổi, bạn bịt mũi, nhăn mặt; lang thang dạo mát trên con đường sạch sẽ, bạn thản nhiên như đó là điều mình đương nhiên được hưởng... Nhưng có bao giờ bạn cùng tôi nghĩ đến, dù đó chỉ là một thoáng qua về hình ảnh những lao công vất vả ngày đêm trên đường để cho từng góc phố, khu nhà sạch sẽ? Dẫu biết rằng sự phân công nghề nghiệp của xã hội, mỗi người trong chúng ta đều có công việc riêng, nhưng rõ ràng, lao công vẫn là nghề vất vả nhất trong những nghề vất vả, và công việc họ làm dù âm thầm, cơ cực nhưng rất đáng trân trọng. Tôi đã có những ngày nắng gắt cũng như những đêm thâu để hành trình cùng tiếng chổi tre thực hiện phóng sự này với mong muốn như một lời sẻ chia cùng những người đang ngày đêm giữ sạch và làm đẹp cho thành phố...

19 giờ. Đường phố Đà Nẵng đã lên đèn, trong khi nhiều người đang hối hả trở về với mái ấm gia đình, quây quần bên mâm cơm ấm cúng, số khác thì vui vẻ với bạn bè sau một ngày làm việc thì những công nhân Cty Vệ sinh môi trường thành phố lại bước vào ca làm thứ 3. Bất kể trời mưa hay nắng, đúng cái giờ đó, trên cung đường định sẵn, những lao công lại có mặt để “chiến đấu” với rác.

Tôi đến Đội môi trường số 2 (Xí nghiệp Hải Châu 1) đúng vào cái giờ xuất phát để cùng đi với các chị lao công ở đây. Các chị bảo: “Nghề của tui có gì đâu mà viết, như chú thấy cả đấy, ai cũng vậy thôi, công việc như nhau mà”. Vâng, các chị nói vậy thì đúng, bởi quét rác ai chẳng làm như nhau, nhưng có đi, có tìm hiểu tôi mới biết rằng các chị đến với nghề đều có những hoàn cảnh khác nhau và điểm chung là cùng vì hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - người có thâm niên 17 năm quét rác tâm sự: “Lúc trẻ, tôi không bao giờ có ý nghĩ là sẽ đi quét rác, nhưng sau vì gia đình khó khăn, cũng không tìm được việc gì tốt hơn nên phải đi làm để có cái phụ giúp gia đình. Làm miết rồi cũng chẳng nghĩ đến tìm việc gì khác nên bây giờ nhắc lại, nhẩm tính thì cũng đã gần 20 năm rồi”.

Là con gái lớn trong nhà, ba mất sớm, mẹ không còn sức lao động nên chị Hà chấp nhận hy sinh cả tuổi xuân, xin làm lao công để có thể lo cho các em ăn học. Vậy mà cũng từ những đồng lương ít ỏi của nghề vất vả này mà các em chị có được cái ăn, cái mặc và được học hành đến nơi đến chốn. Chị bảo với nghề này, kỷ niệm thì nhiều nhưng chỉ là kỷ niệm buồn thôi.

Rồi chị kể, hồi mới đi làm, chị đến dọn vệ sinh tại một nhà hát thì gặp người bạn trong xóm đi chơi với người yêu. Chị cất tiếng gọi. Hôm sau, người đó nói với chị là đừng gọi anh ta khi chị đang làm việc! Sau lần đó, nhiều khi chị muốn nghỉ, nhưng cứ nghĩ đến mẹ, nghĩ đến các em nên đành gắng gượng, và cũng từ lần ấy, chị “rèn” cho mình thói quen ra đường chỉ thấy rác chứ không nhìn người. 17 năm nay chị vẫn vậy, vẫn âm thầm bám đường lặng lẽ mưu sinh...

 

 Chị Nguyễn Thị Hồng nửa đêm vẫn một mình quét rác trên đường Trần Phú.

Ở Đội môi trường số 2 (Hải Châu 1), thì câu chuyện vào với nghề rác của chị Ngô Thị Lệ Thủy có lẽ được mọi người kể đến nhiều nhất. Khi chị đang học sư phạm tại Trường Đại học Huế thì ba mất. Gia cảnh khó khăn, chị đành từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo để về lo cho mẹ già và hai em. Những ngày đầu tiên cầm chổi đối với cô gái 22 tuổi thật khó khăn. Sự mặc cảm, tự ti của tuổi trẻ phải đấu tranh với nỗi lo cơm áo cho gia đình. Nhiều đêm khi đang làm việc, nghĩ tủi thân, chị ôm mặt khóc, nước mắt ướt thẫm cả chiếc khẩu trang.

Kể lại những ngày tháng đầu tiên ấy, chị Thủy cười hiền: “Chắc cũng do số phận thôi. Đang là sinh viên mà về đi quét rác thì tủi thân lắm. Tủi nhất là lúc thấy bạn bè áo quần tươm tất đi chơi, còn mình thì... May lúc đó, mấy chị cùng làm động viên nếu không chắc tôi bỏ nghề rồi!”. Chị Thủy bỏ lửng câu nói, như không muốn nhớ về những gì đã qua. Đã có rất nhiều người vì mặc cảm mà nhất quyết không bao giờ đi làm công nhân môi trường cho dù có khó khăn đến đâu. Nhưng thông thường những ai đã vượt qua được thì gắn bó rất lâu với nghiệp rác.

Để đảm bảo cho hè thông đường thoáng, công nhân môi trường phải thay phiên nhau làm 3 ca/ngày. Vậy nên vào bất cứ thời điểm nào trong ngày họ cũng có mặt trên đường. Trong đó, ca đêm là nỗi “khổ ải” của bất cứ người lao công nào. Họ phải làm cật lực đến tận sáng, cho kịp các chuyến xe đến thu gom rác.

Chính vì thế mà thời gian họ dành cho gia đình, cho bản thân rất ít. Chị Hồng, công nhân quét đêm trên tuyến đường Trần Phú, tâm sự: “Làm ca đêm, tôi phải bắt đầu từ 19 giờ, nếu lúc nào nhanh thì 3 giờ, còn không thì phải 4 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Nên thời gian chăm sóc cho gia đình rất ít, có khi cả ngày tôi không nhìn thấy mặt chồng con”.

Chị Thủy và chị Hà, 2 người hy sinh tuổi xuân của mình để đi quét rác lo cho gia đình. 

Trong lúc theo chân những người phu quét rác đêm, tôi đã nghe được nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của các chị. Họ chấp nhận đi làm phu rác để có thể nuôi em ăn học, lo cho gia đình. Trường hợp của chị Thủy, chị Hà ở Đội môi trường số 2 là một ví dụ. Là chị cả trong gia đình, nên hai chị đi quét rác lấy tiền giúp các em ăn học, vì mải mê với rác mà đến giờ đã bước vào tuổi 40 vẫn “một mình đơn bóng”.

Chị Hà tâm sự: “Làm cái nghề này ít được ai để ý lắm. Anh thấy đó, suốt ngày chúng tôi cứ ở ngoài đường, lúc mình đi làm thì người khác nghỉ ngơi, về nhà lại lo cho gia đình, thế là chẳng còn thời gian để nghĩ đến chuyện khác!”. Đã có người nói vui rằng, phụ nữ ai mà muốn trở thành “chiến binh rác” phải chấp nhận ế 50% và xem ra câu nói này có phần đúng. Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của các nữ lao công mà những người như tôi đã gặp chỉ là một vài trường hợp trong số đó...

Đêm đã chuyển dần về khuya, đường phố Đà Nẵng đã vắng người qua lại nhưng các chị lao công vẫn miệt mài cùng những tiếng chổi xào xạc dưới ánh đèn vàng vọt. Những giọt mồ hôi hòa lẫn sương đêm ướt đầm vai áo, các chị đang làm không chỉ đơn thuần để mưu sinh, mà còn là để cho những điều lớn lao hơn, cho mỗi bình minh thành phố này sạch hơn, đẹp hơn...

Lưu Hoàng Anh (còn nữa)