Báo Công An Đà Nẵng

Gian nan con chữ ở điểm trường Atu

Thứ tư, 26/04/2017 09:14

(Cadn.com.vn) - Không điện, không nước, không nhà vệ sinh, học sinh thiếu sách vở cùng dụng cụ học tập... là thực trạng diễn ra ở điểm trường thôn Atu, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Ch’ơm, xã Ch’ơm, H. Tây Giang, Quảng Nam.

Từ trung tâm H. Tây Giang, vượt 70km đường rừng đến được xã Ch’ơm. Rồi từ trung tâm Ch’ơm, vượt 7km đường đất mới đến được thôn Atu 1, nơi có dựng điểm trường Atu. Điểm trường này nằm sát đường biên giới, cách nước bạn Lào một quả đồi nhỏ và biệt lập với khu vực khác trong xã, huyện. “Nơi đây chỉ cần mưa một trận là đường đất nhão nhoẹt, không thể đi đâu được. Vì ngược đường nên hiếm hoi lắm mới có người lạ đến thôn”, thầy Riah Nhiêu (30 tuổi, giáo viên đứng điểm tại Atu) nói.

 

Theo thầy Nhiêu, vì điểm trường không có nhà vệ sinh, nên cả giáo viên lẫn học sinh muốn đi vệ sinh phải lội vào rừng. Không có hệ thống nước tự chảy nên thầy trò phải lội vào một con suối gần đấy lấy nước uống. Cả hai thôn Atu1 và Atu 2 chưa có điện, nên điểm trường cùng chịu chung số phận. Các em chỉ học được ban ngày, giáo viên không thể nào triển khai các lớp học, sinh hoạt ngoại khóa vào ban đêm. Điểm trường có mỗi một phòng học với 4 bộ bàn ghế cũ được đóng sơ sài. Nền đất nhấp nhô, tường là những tấm ván mỏng kết lại, mái tôn lỗ chỗ nắng. Nhìn từ xa, điểm trường trông giống như một... cái chòi.

Thầy Nguyễn Đông Vũ, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ch’ơm, cho biết: “Lúc trước chưa có điểm trường này, học sinh hai thôn Atu 1 và Atu 2 phải lội bộ 10 cây số mới đến trường chính, tới nơi không còn sức để học, nên trường mới xin lập điểm trường vào đầu năm nay”. Cũng theo thầy Vũ, trường có 5 điểm trường tạm bợ như vậy và chỉ khác là điểm trường tại thôn Atu hầu như không có gì ngoài một mái chòi, 4 bộ bàn ghế và một cái bảng.

Hiện có 30 học sinh Cơ Tu của thôn Atu 1 và Atu 2 xã Ch’ơm đang học tại điểm trường Atu, cùng 4 giáo viên đang đứng điểm. Có tổng cộng 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, với 2 lớp ghép. Theo thầy Nguyễn Đông Vũ, vì chỉ có một phòng học nên trong một buổi thường có hai lớp diễn ra song song, hai lớp phải dùng chung một tấm bảng; giáo viên đứng dạy lớp bên này một tí rồi quay sang dạy lớp bên kia. Vì thế, rất khó để các em tập trung theo dõi bài vở mà giáo viên cũng rất phân tâm trong việc giảng dạy.

 

Thầy Riah Nhiêu tâm sự: “Nhà trường mới xin từ các nhà hảo tâm ở đồng bằng được vài cuốn sách giáo khoa cũ đem về, em này đọc xong chuyền cho em khác đọc”. Bản thân những giáo viên đứng điểm như thầy Nhiêu cũng rất gian nan trong việc trao cái chữ cho học sinh Cơ Tu nơi vùng biên này. Mỗi ngày, họ phải chạy xe máy 7km đường rừng để đi dạy, mùa mưa thì lội bộ đến lớp.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ch’ơm được thành lập cách đây 2 năm, hiện có 347 học sinh, 100% là người dân tộc Cơ Tu. Ch’ơm có đến gần 100% là hộ nghèo. Vì trường mới thành lập nên cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, các phòng chức năng còn thiếu; dụng cụ dạy học của giáo viên cũng thiếu, phòng cho cán bộ và giáo viên cũng như phòng nội trú cho học sinh chưa đảm bảo, tất cả đều ở trong một cái lán dựng tạm bằng gỗ. Trường rất thiếu sách giáo khoa.

Mai Thành Dũng

Điểm trường Atu. Điểm trường Atu chỉ có một phòng học nhỏ, nhưng trong một buổi học thường có hai lớp diễn ra song song.