Báo Công An Đà Nẵng

Gian nan đường đến thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ tư, 29/04/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Một thỏa thuận lịch sử với Iran về chương trình hạt nhân đang nằm trong tầm tay. Nhưng vẫn còn chưa chắc chắn liệu cơ hội hiếm có nhằm giải quyết thách thức an ninh lớn hiện nay thông qua ngoại giao có được các bên tận dụng triệt để hay không.

Trong tuần này, triển vọng về thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 6 có thể được kéo theo 2 hướng khác nhau.

Tại New York, Iran và các cường quốc nối lại các cuộc đàm phán, vốn kết thúc hồi đầu tháng này với thành tích đáng kể về thỏa thuận khung nhằm hạn chế khả năng sản xuất bom hạt nhân đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tại Washington, Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tranh luận, sau đó Quốc hội sẽ xem xét thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran và tiến hành bỏ phiếu để quyết định chấp nhận hay bác bỏ.

Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nộp những yêu cầu sửa đổi để có thể chấp nhận thỏa thuận, bao gồm việc yêu cầu Iran công nhận Israel, trả tự do cho công dân Mỹ bị giam giữ tại Iran, và yêu cầu bất kỳ hiệp định cuối cùng nào được đưa ra đều cần có sự chấp thuận của 2/3 Thượng viện.

P5+1 và Iran đang nỗ lực tiến đến một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6 tới.

Bất hòa chính trị

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei cũng khó chịu đối với Mỹ khi mô tả những dự định của Nhà Trắng là "ác quỷ".

Iran nổ súng, bắt giữ tàu Mỹ

Quân đội Iran ngày 28-4 bất ngờ bắt giữ tàu chở hàng MV Maersk Tigris của Mỹ treo cờ quần đảo Marshall tại vùng Vịnh Persian, trong đó, lực lượng vũ trang nước này có nổ súng trên tàu nhưng không gây thương vong.

Kênh CNBC dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, tàu bị bắt giữ ở eo biển Hormuz và hiện nằm trong tầm kiểm soát của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. CNBC dẫn lại nguồn tin từ kênh FARS của Iran cho biết, phía Tehran sau đó yêu cầu tàu chuyển hướng về cảng Bandar Abbas ở bờ biển phía nam Iran. Lầu Năm Góc tuyên bố, vụ nổ súng cảnh cáo của Iran là "không thích hợp" và cho biết đang xem xét nhiệm vụ quốc phòng của Mỹ đối với quần đảo Marshall. Vụ việc xảy ra khi trên tàu có 34 thành viên thủy thủ đoàn. Theo hãng tin Al-Arabiya, các thủy thủ đoàn đều là công dân Mỹ. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren, không có công dân Mỹ nào ở trên tàu.

T.Linh

Tuy nhiên, ông Khamenei, người có tiếng nói quyết định tại quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, cũng cho biết: "Tôi không ủng hộ cũng không phản đối thỏa thuận. Tất cả mọi thứ cần phải chi tiết". Sau khi một thỏa thuận khung  được thống nhất vào tháng 4, Iran và phương Tây mâu thuẫn trong việc khi nào lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố, lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi một thỏa thuận được thực hiện. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ dần dần phụ thuộc vào việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận, Tehran tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận.

Nhưng ông Ali Vaez, nhà phân tích cấp cao của Iran tại Nhóm khủng hoảng quốc tế cho rằng, cho đến nay, hầu hết các quyết định chính trị khó khăn đã được thực hiện.

Đe dọa phủ quyết

Tại Vienna, Áo, hồi tuần trước, các bên đàm phán gặp nhau để giải quyết các bất đồng và làm rõ chi tiết về các vấn đề nổi bật trong đó có biện pháp trừng phạt, cũng như chương trình nghiên cứu và phát triển của Iran trong tương lai. "Tốc độ chậm nhưng chắc" là điều mà nhà đàm phán kiêm Phó Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araq mô tả những nỗ lực cho đến nay để bắt đầu soạn thảo một thỏa thuận chính thức.

Trong khi đó, các nhà phê bình ở Trung Đông đang kêu gọi duy trì áp lực đối với Iran để ngăn chặn tham vọng hạt nhân và chính trị của Tehran tại thời điểm bất ổn đang gia tăng ở Trung Đông.

Đặc biệt là Israel, quốc gia vốn thề sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn một "thỏa thuận rất xấu" mà Tel Aviv khẳng định đe dọa đất nước và khu vực. Các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, cũng cực kỳ quan ngại bởi sự tham gia của Iran trong cuộc chiến tranh ở Syria và Iraq, cũng như ở Yemen.

An Bình
(Theo BBC)