Báo Công An Đà Nẵng

Gian nan đường lên vùng biên giới Quảng Nam vào mùa mưa bão

Thứ bảy, 28/09/2024 08:20
Lãnh đạo huyện Tây Giang đi kiểm tra khu tái định cư Atu 1 sát biên giới Việt-Lào xã Chơm.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, trong mùa mưa lũ năm 2023, tuyến đường ĐT606 đoạn từ xã Lăng lên Tr'Hy bị sạt lở nghiêm trọng khiến việc lưu thông lên 4 xã biên giới: Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm và Ga Ry gần như ách tắc hoàn toàn, cô lập khoảng hơn 6.000 người dân. Tại các vị trí này, hàng trăm mét khối đất, đá và cây rừng từ taluy dương tràn xuống mặt đường, gây ra tình trạng ùn ứ bùn đất. Để kịp thời thông tuyến, huyện đã huy động lực lượng chức năng đưa xe cơ giới, cùng nhân lực triển khai công tác khắc phục, đồng thời chặn lối đi, cắm biển cảnh báo để người dân nhận biết, hạn chế đi lại khu vực nguy hiểm. Huyện cũng đã vận chuyển toàn bộ 30 tấn gạo dự trữ đến các xã, đảm bảo không lo thiếu ăn trong thời điểm mưa lũ kéo dài và có xảy ra cô lập.

Mới bước vào mùa mưa bão 2024, tình trạng sạt lở tuyến đường ĐT606 lại bắt đầu xảy ra…Tại các điểm Km25+100, Km40+950 từ xã Trhy lên A Xan, tình trạng lở ta luy từ các sườn núi xuống đường diễn ra liên tục mỗi khi có mưa, đặc biệt sau đợt áp thấp nhiệt đới do ảnh hưởng cơn bão số 4 vừa qua. Huyện Tây Giang đã phải huy động các loại phương tiện để san gạt, khắc phục tạm thời các đoạn bị sạt lở để thông tuyến giao thông, tuy nhiên nhiều đoạn đường bị đất đá bồi lấp, hư hỏng, sạt lở nên giao thông đi lại rất khó khăn trong tình hình mưa gió hiện nay.

Khắc phục tình trạng sạt lở trên tuyến ĐT606 ở Tây Giang.

Tuyến đường ĐT606 là tuyến đường huyết mạch của huyện Tây Giang lên các xã vùng cao, cửa khẩu phụ Chnốc, biên giới Việt Lào được nâng cấp, sửa chữa từ năm 2018 do Sở Giao thông vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư. Chỉ sau 2 năm nâng cấp, sửa chữa, vào mùa mưa bão năm 2020, tuyến đường này đã bị sạt lở nhiều điểm, hư hỏng nghiêm trọng mặt đường. Chủ đầu tư đã tái sửa chữa với kinh phí hơn 40 tỷ đồng, nhưng đến mùa mưa bão năm 2022, 2023 lại tiếp tục sạt lở, hư hỏng trầm trọng. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đã cho sửa chữa đoạn từ Trung tâm huyện Tây Giang, thôn Agrồng lên xã Trhy với chiều dài khoảng gần 25km, còn đoạn Trhy lên các xã biên giới A Xan, Ga Ry, Chơm đang đứng trước tình trạng mặt đường hư hỏng, nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào…Lãnh đạo huyện Tây Giang cho biết, huyện cũng đã kiến nghị lên trên, yêu cầu phải sửa chữa tuyến đường này trước mùa mưa lũ để người dân yên tâm lưu thông…

Ông Bhling Mia lo lắng, nếu tình trạng mưa lũ diễn ra khốc liệt, dồn dập, chắc chắn tuyến đường ĐT606 lên các xã vùng cao biên giới ở Tây Giang sẽ lại tê liệt, hàng nghìn người dân ở các địa phương vùng biên giới sẽ lâm vào cảnh khó khăn khi giao thông tắc nghẽn, mất điện, lưu thông các mặt, người dân ốm đau, trẻ em đi học đều bị ngừng trệ…

Hồng Thanh

Tây Giang có 10 xã, trong đó có 8 xã biên giới Việt –Lào, 63 thôn bản, đều là đồng bào Cơ Tu, là vùng núi cao, hiểm trở. Từ khi tái lập huyện năm 2003, huyện đã chú trọng tới công tác quy hoạch, tái định cư (TĐC) cho người dân tại các khu vực an toàn vào mùa mưa bão, thuận tiện về giao thông, sinh hoạt, khám chữa bệnh, học hành…Đến nay toàn huyện đã quy hoạch 63 thôn bản thành 130 điểm TĐC an toàn, thuận tiện. Tuy nhiên, tại thôn Atu 1, xã Chơm nằm sát biên giới Việt-Lào (59 hộ dân, 240 nhân khẩu) -một trong những khu TĐC cuối cùng của huyện, do mặt bằng mới san lấp, địa chất yếu nên đã xảy ra tình trạng sạt lở phía trên khu TĐC. Ngày 20-9 vừa qua, ngay sau đợt áp thấp ảnh hưởng cơn bão số 4, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng hệ thống kè ta luy dương, với chiều dài 100 mét từ nguồn kinh phí dự phòng, khắc phục tình trạng sạt lở khu TĐC này, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30-12-2024, đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.