Gian nan giáo viên mầm non vùng cao
(Cadn.com.vn) - Đến huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), nghe tâm sự và chia sẻ của những người giáo viên mầm non (GVMN) nơi đây, chúng tôi mới thấu hiểu được sự vất vả, gian nan của những GV làm công tác phổ cập và giảng dạy tại các vùng miền núi...
Mong muốn Nhà nước có chế độ đãi ngộ xứng đáng và quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp ở vùng cao. |
Vừa phổ cập, vừa tư vấn hôn nhân, pháp luật
Qua thực tế nhiều năm trực tiếp đến từng thôn, bản xã Sơn Thượng (H.Sơn Hà) làm công tác phổ cập, cô Cao Thị Trường-GV Trường Mẫu giáo Sơn Thượng chia sẻ: "Có trường hợp vì hoàn cảnh gia đình nên các em phải chuyển chỗ ở qua nhiều nơi. Khi mới sinh ra cháu ở với bố mẹ mang tên này, nhưng khi cháu được vài tuổi vì cha mẹ ly hôn, hay đi làm ăn xa phải gửi cháu ở với ông bà. Một thời gian cháu lại qua ở với ông bà ngoại nên công tác điều tra, cập nhật số liệu và nắm bắt các thông tin rất khó khăn".
Tình trạng này phổ biến ở hầu hết các trường MG, MN ở H. Sơn Hà, cũng như các huyện miền núi Quảng Ngãi. Nhiều trường hợp trai gái lấy nhau nhưng không đăng ký kết hôn, khi sinh con lại "quên" đi làm giấy khai sinh làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác phổ cập MN 5 tuổi của địa phương. Cô Nguyễn Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường MG Sơn Trung cho hay, phần lớn người dân còn chưa nhận thức tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con.
Bởi vậy, GV phụ trách công tác phổ cập thường "kiêm" luôn công tác dân số, tư vấn về hôn nhân và pháp luật cho người dân. Thêm vào đó, là địa phương miền núi, đời sống kinh tế người dân còn nghèo nàn, sống rải rác trên địa bàn rộng, hầu hết phụ huynh là người dân tộc thiểu số nên hạn chế về ngôn ngữ phổ thông, chưa chăm lo đến chuyện học tập của con cái. Vì thế công tác tuyên truyền vận động đưa con đến trường của GV nơi đây gặp vô vàn khó khăn.
Giáo viên dạy các điểm lẻ có điều kiện ăn ở, sinh hoạt thường rất gian khổ. |
Cần sự chung tay của cộng đồng
Nhiều GV có kinh nghiệm làm công tác PCMN cho rằng, để nâng cao chất lượng phổ cập, rất cần những người GV có tấm lòng, trách nhiệm. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào thay đổi nhận thức của người dân địa phương về công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Một số phụ huynh tỏ ra coi thường và bất hợp tác với cán bộ điều tra do trình độ còn hạn chế.
Điều đáng nói hơn là trong công tác thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thiếu sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành giáo dục. "Mặc dù đã có sự chỉ đạo nhưng không phải địa phương nào cũng có sự phối hợp chặt chẽ. Một số nơi gần như "khoán trắng" cho ngành giáo dục khiến công việc điều tra càng khó khăn thêm", cô Cao Thị Trường cho biết thêm.
Thực tế, chính quyền địa phương chỉ coi việc PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là mang tính chất hỗ trợ cho ngành Giáo dục. Vì vậy, lãnh đạo nhiều trường MN mong muốn công tác điều tra và thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cần có sự chỉ đạo sát hợp hơn, kịp thời hơn; đặc biệt là chỉ đạo phân công trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục một cách rõ ràng trước khi bắt đầu thực hiện, như thế công tác phổ cập sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.
Đồng thời, quy rõ trách nhiệm cho UBND xã, công an, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để các đơn vị này cùng chung tay vào cuộc. Ngoài ra, cần thiết phải có cơ chế đãi ngộ xứng đáng hơn cho những người làm công tác này như hỗ trợ chi phí đi lại, tính thêm ngày công cho thời gian làm công tác phổ cập.
Cô Nguyễn Thị Oanh cho biết: "Mặc dù, theo chính sách quy định GVMN có 6 giờ làm việc/ngày, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Giải pháp để giải quyết căn bản vấn đề giờ làm cho GV là tăng cường các dịch vụ hỗ trợ ngoài giờ nhằm huy động xã hội hóa và trách nhiệm của phụ huynh. Bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cũng không hề đơn giản. Các trường ở vùng sâu, vùng xa không chỉ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất mà còn thiếu khá nhiều biên chế GVMN".
Bài, ảnh: Đại Khải