Báo Công An Đà Nẵng

Gian nan hành trình dạy trẻ tự kỷ

Thứ bảy, 11/10/2014 10:34

(Cadn.com.vn) - Làm thế nào để xóa đi rào cản, giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng như bao đứa trẻ bình thường khác? Đó là nỗi niềm không của chỉ riêng các PHHS, mà còn là sự trăn trở của các thầy cô giáo tâm huyết với nghề, hết lòng yêu trẻ trong hành trình nỗ lực dạy trẻ tự kỷ học hòa nhập...

Cô Đặng Thị Xuân, một trong những GV của trường TH Trần Văn Ơn có phương pháp dạy HS khuyết tật, tự kỷ tốt. 

Hết lòng với trẻ tự kỷ

28 năm đứng lớp biết bao kỷ niệm buồn vui, nhưng có lẽ, với cô Đặng Thị Xuân- giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 2/1 Trường tiểu học (TH) Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng)-dạy học trò tự kỷ hòa nhập là công việc gian nan, vất vả nhất. Dù có kinh nghiệm dạy HS khuyết tật hòa nhập, thế nhưng, năm học 2013-2014, khi tiếp nhận HS T.T.H.B mắc bệnh tự kỷ, cô Xuân không khỏi âu lo bởi dạy học trò TH bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ càng khó hơn nhiều.

Để bắt đầu hành trình này, cô Xuân liên hệ với gia đình nắm bắt bệnh tình của H.B rồi lên mạng tìm hiểu thêm phương pháp tiếp cận với trẻ tự kỷ. Mỗi sáng, khi bước vào lớp học, điều đầu tiên cô làm là theo dõi nét mặt của H.B, xem em có biểu hiện gì khác thường để có cách dạy phù hợp. Nếu ngày nào gương mặt em có biểu hiện hung dữ, cô khéo léo, nhẹ nhàng hơn.

Những lúc B. lên cơn nóng giận, xô ngã bàn ghế, cô luôn bình tĩnh tìm cách làm dịu lại cơn nóng giận của em. Để dỗ dành B. học, lúc thì cô mua kẹo, lúc thì dỗ dành học xong sẽ dẫn đi xem hồ cá, cây cảnh. Rồi cô phát hiện B. có biệt tài tính nhẩm rất nhanh, viết chính tả rất tốt nhưng khả năng suy luận về toán giải, tập làm văn rất kém. Khi biết bệnh tình em thay đổi theo thời tiết nên khi dạy dỗ H.B, cô cũng "nương theo đó mà chiều"...

Và cuối năm, H.B được HS trung bình, lên lớp. Với cô đó là phần thưởng, là niềm hạnh phúc lớn nhất. Cô thổ lộ: "Nhiều lúc đến lớp, nhìn gương mặt em B. khác mọi ngày, tôi dành 15 phút truy bài trước khi vào học để đến bên em, ôm em vào lòng dỗ dành. Bởi tôi biết, trẻ tự kỷ rất thích được vỗ về.

Điều an ủi tôi nhiều nhất là các em HS trong lớp rất biết thương yêu, không xa lánh bạn. Nhiều lúc, chỉ cần thấy B. yên lặng ngồi lắng nghe cô giảng, tôi đã thấy vui rồi. Mình không thể đòi hỏi một HS tự kỷ phải học như bao em bình thường được. Năm nay, tuy không còn học với tôi nữa, nhưng mỗi lần ra chơi, gặp tôi ở sân trường là B. lại chạy đến cầm tay. Thương lắm!"...

Tương tự, cô Dương Thị Minh Ánh - có thâm niên 12 năm trong nghề "gõ đầu trẻ" từ Phú Lộc (TT- Huế) chuyển vào Trường TH Trần Văn Ơn năm học 2013-2014- được phân công chủ nhiệm lớp 1/1, có 3 HS khuyết tật, trong đó có 1 HS tự kỷ, 2 HS chậm trí tuệ. Cô cũng lên mạng tìm đọc tư liệu về bệnh tự kỷ để có cách dạy phù hợp. Cô Ánh cho biết dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ, chương trình dạy chỉ 1/3 chương trình lớp, còn lại do GV tự soạn giáo án riêng  để dạy. Nhiều lúc buồn, nản khi các em không làm theo lời chỉ bảo, nhưng khi nhìn vào gương mặt ngây thơ, đôi mắt dại khờ của các em, cô lại thấy thương quá...

Dạy trẻ tự kỷ, cô nhận ra rằng, chính bọn trẻ đã giúp mình kiên trì, nhẫn nại hơn...Tuy vất vả, nhiều lúc mệt mỏi vì luôn trong tình trạng "cháy" giáo án, nhưng hầu hết GV Trường TH Trần Văn Ơn được phân công dạy HS tự kỷ đều yêu thương, kiên trì, nhẫn nại với học trò  bởi họ biết rằng mình đang chia sẻ thiệt thòi với các em, với nỗi đau không nói lên lời của các PH...

Cô giáo Định, một trong những GV của Trường TH Trần Văn Ơn có phương pháp dạy HS khuyết tật, tự kỷ tốt.

Đồng cảm và chia sẻ

Thầy Đặng Nhứt- Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn- cho biết, có 40 HS khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ hiện đang học tại trường. Có PH khi gửi hồ sơ cho con vào trường vì nhiều lý do đã không trình bày bệnh tình của con nên nhà trường không biết. Đến khi nhập học, thấy em có nhiều biểu hiện bất thường, trường mời bác sĩ về khám mới biết em đó mắc bệnh tự kỷ.

"Năm học trước, ở lớp 1/1, có PHHS khi biết trong lớp con mình học có HS mắc bệnh tự kỷ đã quyết liệt đề nghị cô Định- GVCN- chuyển em này qua lớp khác vì không muốn con em họ bị ảnh hưởng khi học chung với HS tự kỷ này. Trước tình hình đó, BGH phải xuống tận lớp  giải thích với PH rằng, cô Định là GV có kinh nghiệm trong nghề và là GV duy nhất của trường được cử đi tập huấn công tác dạy học trò khuyết tật, trong đó có HS tự kỷ. Nay PH muốn chuyển em này sang lớp khác, buộc lòng nhà trường phải đưa cô Định đi theo HS này. Việc dạy trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ hòa nhập không chỉ là chủ trương thể hiện tính nhân văn, mà còn là giải pháp, hoạt động trị liệu tốt nhất nhằm cải thiện tình trạng cho trẻ tự kỷ, tạo cơ hội giúp các em hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng, PHHS cũng hiểu ra vấn đề...".                        

  Từ tiếng lành đồn xa về phương pháp dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập tại trường, nhiều PH có con khuyết tật, tự kỷ từ các phường khác đã xin cho con về học. Với mong muốn giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống, công việc mà tập thể HĐSP Trường TH Trần Văn Ơn đã, đang làm xứng đáng được ghi nhận và trân trọng...

P.Thủy