Báo Công An Đà Nẵng

Gian nan sự học ở Sơn Trạch

Thứ năm, 15/06/2017 11:48

(Cadn.com.vn) - Mặc dù lãnh đạo Trường mầm non xã Sơn Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình) và chính quyền địa phương đã linh động mượn thêm nhà văn hóa,  phòng của trường tiểu học để làm nơi học tập, vui chơi cho các cháu, nhưng vì số lượng trẻ tăng nhanh nên vẫn còn rất nhiều em chưa được đến trường.

Ngoài phòng học kiên cố, trường mầm non Sơn Trạch phải mượn thêm nhà văn hóa thôn Gia Tịnh làm lớp học cho các cháu.

Trường mầm non xã Sơn Trạch có tất cả 9 điểm trường với 27 phòng học. Ngoài điểm trường trung tâm ở thôn Xuân Tiến, 8 điểm còn lại gồm: Hà Lời - Phong Nha, Xuân Sơn, Gia Tịnh, Na, Trằm, Mé, Cù Lạc I, Cù Lạc II hiện tại đang phải mượn thêm nhà văn hóa thôn. Riêng tại khu vực trung tâm, Ban giám hiệu nhà trường phải mượn 2 phòng học của trường tiểu học cho 67 cháu từ 4 đến 5 tuổi làm nơi học tập. Năm học 2016-2017, trường có tất cả 871 học sinh.

Nằm ở phía Bắc bờ sông Son, đã mấy năm nay hai điểm trường Gia Tịnh và Xuân Sơn ngoài phòng học kiên cố của trường, các cô phải đi mượn thêm nhà văn hóa rồi trang trí, gia cố thành phòng học cho các cháu mầm non. Hiện nay ở hai thôn này đã có đến 422 học sinh, tuy nhiên nhiều phụ huynh cho biết số lượng trẻ phải ở nhà còn rất nhiều, như thôn Gia Tịnh có 103 trẻ được đi học mầm non thì có hơn chừng đó số lượng trẻ phải ở nhà. "Con gái tôi năm nay 4 tuổi, đầu năm học chúng tôi có đưa cháu đến đăng kí học nhưng vì lớp quá đông, phòng học chật chội nên cô giáo bảo thông cảm cho cháu ở nhà", chị Nguyễn Thị Hiếu ở thôn Gia Tịnh nói.

Cô Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chỉ ở 2 điểm chính là Xuân Tiến, Hà Lời - Phong Nha mới có nhà trẻ cho các em từ 2 đến 3 tuổi. Ở điểm Na thì trẻ 3 tuổi chưa có em nào được đi học vì không có phòng mà số lượng trẻ 4-5 tuổi đã 44 em. Còn ở những điểm khác chúng tôi phải ưu tiên những cháu 4 tuổi được sinh vào những tháng đầu năm đi học trước, những cháu sinh vào tháng cuối năm đành ở nhà chờ năm học tới".

Theo quy định, mỗi lớp học sẽ có 35 cháu đối với mẫu giáo lớn; 30 cháu mẫu giáo nhỡ và 25 cháu độ tuổi mẫu giáo bé - nhà trẻ, nhưng ở các lớp học tại các điểm trường mượn nhà văn hóa, số lượng trẻ đều vượt. Gia Tịnh là một trong 7 điểm trường học sinh phải "tạm trú" tại nhà văn hóa thôn, ở đây ngoài một phòng học kiên cố cho 34 trẻ độ tuổi 5-6 tuổi, chính quyền địa phương và nhà trường phải gia cố nhà văn hóa thành hai phòng học cho lớp 4-5 tuổi, một lớp 33 cháu và một lớp 36 cháu.

Mặc dù cùng độ tuổi nhưng vì số lượng trẻ quá đông nên không thể tổ chức thành một lớp được. Để chia lớp, các cô phải dùng một tấm tôn mỏng được trang trí lên đó hình thù các con vật ngộ nghĩnh khiến việc dạy và học rất khó khăn. "Đối với những tiết học hát, kể chuyện thì hai lớp vẫn có thể học chung, nhưng khi đến giờ học kiến thức thì phải "chia ca", lớp này học thì lớp kia ra sân chơi. Mặt khác, trẻ cũng rất hiếu động, chạy nhảy từ lớp này sang lớp kia khiến cho việc quản lí rất khó khăn", cô Bùi Thị Thảo, giáo viên dạy tại đây chia sẻ.

Nhà văn hóa thôn cũng xây dựng đã lâu, hệ thống điện chiếu sáng, cửa sổ, mái lợp hư hỏng, xuống cấp... rất thiếu an toàn cho trẻ. Cũng vì học ở nhà văn hóa nên chỉ có 3 điểm có bếp ăn bán trú, ở các điểm khác buổi trưa trẻ phải về nhà ăn uống, nghỉ ngơi nên khó khăn trong việc tập trung và bất lợi cho phụ huynh vì phải đưa đón nhiều lần.

Điểm lẻ thiếu phòng, thiếu cơ sở vật chất đã đành, ở điểm chính các cô cũng phải tận dụng luôn phòng chờ rộng chừng 10m2, phòng Ban giám hiệu để làm phòng học cho các em, nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu nên phải mượn thêm hai phòng của trường Tiểu học và một phòng của nhà văn hóa thôn Xuân Tiến. Vì phòng đã được dùng làm phòng học hết nên nhà trường phải che chắn, cải tạo hành lang phía sau hai phòng học của các cháu trên tầng 2 để làm phòng chung. Ban giám hiệu có tất cả 67 giáo viên, mỗi lần có họp hành đều phải chen chúc nhau trong không gian chật chội, muốn đến phòng này các cô phải đi qua những lớp học rất bất tiện.

"Số lượng trẻ ở đây tăng rất nhanh. Năm 2012 có 16 lớp thì đến 2017 đã tăng lên 29 lớp. Để đảm bảo việc dạy và học, năm học này, trường cần thêm 11 phòng học mới. Trong những năm qua, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở, quan tâm đến việc học tập của con em nhưng việc đầu tư một lúc nhiều phòng rất khó, thế nên hằng năm chỉ có thể hỗ trợ lần lượt cho từng cấp học một", cô Nhung cho biết thêm.

Ông Trần Quang Vũ- Chủ tịch UBND H. Bố Trạch cho biết: Hiện nay, huyện đang làm thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản. Vì ngân sách huyện có hạn nên chúng tôi cố gắng xây cho các cháu khoảng 3 đến 4 phòng học mới trong năm nay.

Tình trạng "ăn nhờ, ở đậu" của cô và trò mầm non ở Sơn Trạch kéo dài từ nhiều năm nay. Hiện tại, mục tiêu lớn nhất mà nhà trường đang cố gắng là bảo đảm số lượng trẻ đến trường; duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học.

D.N