Gian nan xử lý hơn 200 dự án dang dở nhiều năm
Tổng số vốn đã bố trí cho 226 dự án từ trước đến nay hơn 32,4 ngàn tỷ đồng, riêng giai đoạn 2021-2025 bố trí hơn 8,4 ngàn tỷ đồng, số còn lại phải bố trí hơn 12,3 ngàn tỷ đồng. Trong số này, có 50 dự án chuyển tiếp không có quyết định phê duyệt chủ chương đầu tư của cấp có thẩm quyền; 176 công trình còn lại dang dở kéo dài vì gặp vướng mắc về mặt bằng, thủ tục… Không ít dự án dang dở kéo dài hơn 10 năm. Đơn cử, dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn khởi công từ năm 2009, triển khai thực hiện đền bù giải tỏa hoàn thành trong năm 2010. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới bố trí vốn được hơn 231 tỷ đồng, còn lại hơn 284 tỷ đồng. Việc giải tỏa đền bù dự án dang dở, kéo dài hàng chục năm, khiến dự án phải chuyển tiếp nhiều lần, đồng thời ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân. Tương tự, dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu B- Vệt biệt thự Xuân Thiều - Nam Ô khởi công từ năm 2005 tổng vốn gần 36 tỷ đồng nhưng kéo dài dự kiến tới năm 2024 mới hoàn thành.
Phần lớn các dự án dang dở nhiều năm do vướng mặt bằng, đền bù giải tỏa. Đơn cử tại BQL ĐTXD các công trình Dân dụng và Công nghiệp Đà Nẵng có 17 dự án chuyển tiếp từ trước năm 2015; UBND quận Ngũ Hành Sơn 12 dự án, UBND quận Liên Chiểu 9 dự án… Trong số 9 dự án dang dở kéo dài do UBND quận Liên Chiểu làm chủ đầu tư hiện đã bố trí vốn hơn 610 tỷ đồng, còn lại hơn 180 tỷ đồng, chủ yếu do vướng mặt bằng. Tại dự án KDL sinh thái Nam Ô khởi công từ năm 2010 nhưng tới nay mới bố trí vốn gần 110 tỷ đồng, còn hơn 13 tỷ đồng, tuy vậy hiện dự án đã vượt tổng mức đầu tư. Để xử lý dứt điểm dự án dang dở này, quận Liên Chiểu đang thực hiện thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Tương tự các dự án khác ở Liên Chiểu dang dở kéo dài do vướng đền bù giải tỏa như Khu nhà ở cho công nhân và khu đô thị liền kề KCN Hòa Khánh mở rộng, Khu trung tâm đô thị mới Tây Bắc, Quần thể Khu du lịch Làng Vân, Khu đô thị sinh thái Quan Nam- Thủy Tú, Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài…
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, nhóm các dự án chuyển tiếp, không có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền chủ yếu là nguyên nhân khách quan. Cụ thể, hầu hết các dự án này được triển khai trước khi có Luật Đầu tư công lần đầu tiên (hiệu lực từ năm 2015). Trước đó, không quy định dự án phải phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, bố trí kế hoạch vốn trung hạn 5 năm. Do đó, các dự án đa phần chỉ thực hiện nội dung đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, dẫn tới dự án dang dở kéo dài, nhiều lần phải chuyển tiếp qua giai đoạn sau.
Vướng mắc lớn nhất trong giải tỏa đền bù hiện nay chủ yếu về đơn giá, phương án đền bù. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án, việc khảo sát, tính toán chưa đầy đủ dẫn đến khi triển khai thực hiện thiếu đất bố trí tái định cư cho người dân. Trong thực tế, giá trị đền bù các dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị phê duyệt, dẫn đến số vốn đền bù thực tế vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt nên không giải ngân được kế hoạch vốn đền bù đã được bố trí. Việc vượt tổng mức đầu tư dẫn đến khối lượng xây lắp đã thi công cũng không thể giải ngân theo kế hoạch đã bố trí.
Để xử lý các dự án dang dở kéo dài, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, cần tiếp tục bố trí vốn hàng năm trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã được thông qua và điền chỉnh, bổ sung trong thời gian tới. Cụ thể, điều chỉnh qua lại giữa các cơ quan, đơn vị nhưng không vượt tổng mức đã bố trí cho 226 dự án kéo dài là 8.413 tỷ đồng để thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh gây lãng phí nguồn lực nhà nước. Tại hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu trong số 226 công trình dang dở kéo dài phải xử lý dứt điểm tối thiểu 50% trong năm nay. Từng công trình cụ thể phải được giao cho từng đầu mối, gắn với trách nhiệm cụ thể, TP sẽ có giám sát tiến độ.
HẢI QUỲNH