Báo Công An Đà Nẵng

Giăng giăng bẫy lừa

Thứ bảy, 18/04/2015 12:31

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng liên tục tiếp nhận đơn tố giác của rất nhiều bị hại "dính bẫy" lừa đảo chiếm đoạt tài sản do tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện. Không chỉ gây thiệt hại tài sản của công dân, các trò lừa đảo này còn ảnh hưởng đến TTATXH trên địa bàn thành phố. Trước tình hình này, Giám đốc CATP Đà Nẵng vừa có thông báo gửi các cơ quan thông tin đại chúng để truyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, không sa vào bẫy của các hình thức lừa đảo này.

Từ bẫy trên mạng...

Chiêu lừa đảo "kinh điển" nhất trong thời gian qua khiến nhiều nạn nhân liên tục "say đòn" chính là lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng Internet đưa ra thông tin trúng thưởng để câu nhử nạn nhân. Đối tượng thực hiện gửi tin nhắn, thông báo trúng thưởng đến các thành viên tham gia trang mạng twoo.com, Beetalk, Facabook, Yahoo Messenger, tài khoản game online để "rải thóc" cho các thành viên tham gia truy cập vào một số trang web giả mạo do chính chúng lập ra. Các cụm từ "vòng quay trúng thưởng", "tri ân khách hàng", "tuần lễ vàng"… khiến cho nhiều người có cảm giác… giàu đến nơi!

Đối với nạn nhân là người Đà Nẵng thì chúng thường "đặt bẫy" ở các địa chỉ như 66-Võ Văn Tần, 45-Tôn Thất Đạm, 183-Nguyễn Tri Phương, 6-Trần Cao Vân, 108-Nguyễn Thị Minh Khai cùng mồi nhử là xe máy Liberty 150IE, SH 150cc, phiếu quà tặng từ 50 đến 75 triệu đồng. Khi nắm thóp được các nạn nhân đang háo hức với giải thưởng lớn, chúng yêu cầu nộp một khoản lệ phí nho nhỏ như phí vận chuyển, phí nhận thưởng bằng cách nộp tiền qua thẻ cào hoặc qua tài khoản. Chúng nghĩ ra nhiều công đoạn để "rút ruột" của nạn nhân, đến khi cảm thấy ăn đủ hoặc không thể moi thêm nữa là điện thoại "ò í e" không để lại dấu vết. Nạn nhân tìm đến các địa chỉ nói trên thì mới biết mình bị lừa, còn cơ quan CA cũng rất khó khăn để có thể tìm ra manh mối xử lý.

Cũng từ mạng xã hội facebook, tội phạm công nghệ cao (có cả người nước ngoài) sẽ tham gia vào các trang mạng kết bạn, rồi "lòa của", đánh vào tâm lý của một số người hám lợi. Sau khi kết bạn, chúng sẽ tạo ra những kịch bản như có tài sản lớn do gia đình để lại nhưng đang thiếu tiền để sang tên, đổi chủ, nhờ hỗ trợ sau đó sẽ có đền đáp xứng đáng. Nhiều người vì lòng tham, chưa gặp ngoài đời nhưng đã dốc hết vốn liếng để "đầu tư" nhưng cuối cùng ngậm quả đắng mà không biết "bạn" mình là ai.

Một đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo qua facebook bị CAP Bình Hiên bắt giữ,
hiện đang bàn giao cho CAQ Hải Châu xử lý. Ảnh: N.A.T

Với nhiều kỹ năng về công nghệ thông tin, nhiều đối tượng còn đột nhập tài khoản email của cá nhân, doanh nghiệp để nắm lịch sử thông tin, quan hệ giao dịch giữa các đối tác làm ăn, sau đó yêu cầu đối tác chuyển tiền thanh toán hoặc cho mượn vào một tài khoản do chúng đưa ra để chiếm đoạt. Nếu biết được một đơn vị trong nước có quan hệ làm ăn với một đối tác nước ngoài, chúng lập một tài khoản email có ký tự gần giống khiến người nước ngoài khó phân biệt rồi thực hiện hành vi lừa đảo. Trong lúc nạn nhân thực hiện chuyển tiền cho vay, thanh toán vào tài khoản của một người lạ hoắc thì vẫn đinh ninh là đang chuyển cho đối tác. Ngược lại, người "bị cho" là đã nhận tiền thì không hề có tiền chuyển vào tài khoản.

Một hình thức phổ biến nữa là đối tượng lợi dụng mạng điện thoại gửi tin nhắn trúng thưởng đến các thuê bao di động và úp mở rằng "chỉ áp dụng cho tài khoản nhận được thông báo này". Sau thông tin báo trúng thưởng, chúng gửi kèm trang web nhangiainhat.com.vn để nạn nhân truy cập, đi vào mê cung và để lại tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, mật khẩu email, tài khoản ngân hàng. Tất cả thông tin này như mũi tên "bắn" lại phía nạn nhân, phát nào trúng phát đó. Không chỉ chiếm đoạt tiền của nạn nhân thông qua việc cào thẻ hoặc chuyển khoản, chúng còn chiếm quyền sử dụng tài khoản email, mạng xã hội để cầu cứu những người có tên trong danh mục bạn bè của họ để vay tiền, nhờ nộp card điện thoại mà nạn nhân cũng như chủ tài khoản không hề hay biết.

Một tin nhắn "trúng thưởng" lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: N.A.T

... đến giả danh nhân viên bưu điện, cơ quan CA

Như Báo Công an TP Đà Nẵng từng phản ánh, các "siêu lừa" đã điện thoại đến thuê bao cố định của người dân và mạo danh nhân viên bưu điện đòi cước điện thoại. Khi người dân chưa hiểu mô tê gì thì đối tượng yêu cầu bấm số 1 hoặc số 9 để gặp cơ quan CA. Lo lắng làm theo hướng dẫn thì đầu dây bên kia xuất hiện giọng nói tự xưng là "công an" truy người nghe đang có hoạt động liên quan đến tội phạm ma túy, đồng thời yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, số điện thoại, tiền trong tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển khoản số tiền đang có qua tài khoản "công an" để chứng minh mình trong sạch! Nếu người dân còn thắc mắc, chúng sẽ dùng đòn quyết định là dùng số điện thoại di động được mã hóa như số của cơ quan CA để truy vấn.

Lúc này, nạn nhân sẽ rụng rời, hoảng loạn, không làm chủ được bản thân, rơi vào trạng thái "bảo gì làm nấy" và yêu cầu chuyển tiền tiếp tục được nhắc lại. Tài khoản ATM do đối tượng mở bằng các hình thức mua gom, thuê mướn, có đăng ký dịch vụ thanh toán internetbanking. Sau khi tiền được chuyển, chúng nhanh chóng sử dụng lệnh chuyển tiền bằng online (thanh toán điện tử) và rút tiền bằng thẻ ATM tại các địa điểm trên toàn quốc.

Theo cơ quan CA, đối tượng sử dụng CMND giả để mở tài khoản tại các ngân hàng hoặc mua lại thẻ ATM của người khác, thậm chí lấy thông tin của người khác để đăng ký mở tài khoản. Các nạn nhân luôn tin rằng tiền chuyển qua tài khoản sẽ có thông tin về chủ thẻ nhưng trên thực tế chúng đã dùng CMND giả để mở tài khoản một nơi rồi đến một nơi khác để rút tiền từ máy ATM.

Đại tá Trần Phước Hương - Trưởng phòng Tham mưu CATP Đà Nẵng cho hay, ngoài việc đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, Giám đốc CATP Đà Nẵng đề nghị CA các địa phương phối hợp với chính quyền thông báo, phổ biến các hình thức lừa đảo này tới nhân dân thông qua các cuộc họp. Không chỉ cảnh giác trước các trò lừa đảo, người dân cũng tuyệt đối không tiếp tay cho tội phạm bằng việc mở tài khoản ATM, bán thẻ ATM cho người khác.

Ngoài ra, cơ quan CA cũng đề nghị lãnh đạo các ngân hàng tiến hành đối chiếu, xem xét các dấu hiệu làm giả CMND, giấy tờ tùy thân để mở tài khoản ATM phục vụ cho hoạt động lừa đảo. "Ngoài việc nâng cao cảnh giác để không bị lừa, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ thì người dân cũng như các cơ quan, đơn vị không làm theo mà nên nhanh chóng thông tin đến cơ quan CA để được xử lý. Tránh việc khi mọi sự đã rồi mới trình báo thì rất khó khăn để lấy lại tiền cũng như tìm ra thủ phạm" - Đại tá Trần Phước Hương khuyến cáo.

Công Khanh