Báo Công An Đà Nẵng

Giành bệnh nhân từ tay "tử thần"

Thứ tư, 18/10/2017 11:00

Nhờ làm chủ được Kỹ thuật trao đổi ô-xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), BV Đà Nẵng đã cứu sống được những bệnh nhân trong tình trạng vô cùng nguy kịch, tưởng như vô phương cứu chữa. BV Đà Nẵng là đơn vị y tế đầu tiên tại khu vực miền Trung thực hiện kỹ thuật hiện đại này.

Ts.Bs Lê Đức Nhân và các y bác sỹ Khoa HSTC-CĐ BV Đà Nẵng
tặng hoa chúc mừng bệnh nhân đã trở về từ "cõi chết" nhờ kỹ thuật ECMO. 

Hồi sinh những bệnh nhân nguy kịch

ECMO là kỹ thuật rất cao trong hồi sức, là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân nặng khi các phương pháp khác đã không mang lại kết quả. Và, chỉ sau hơn 2 năm đưa kỹ thuật này vào áp dụng, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) BV Đà Nẵng đã cùng các chuyên khoa khác cứu sống được hàng loạt bệnh nhân nguy kịch, thập tử nhất sinh.

Điển hình, bệnh nhân L.T.T (43 tuổi, quê Quảng Ngãi) được người nhà đưa ra BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau ngực, huyết áp không đo được, rối loạn nhịp tim phải thở bằng máy. Dù được các bác sỹ cho sử dụng 3 loại thuốc vận mạch liều cao nhưng huyết áp của bệnh nhân vẫn không đo được. Qua tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Khoa HSTC-CĐ chẩn đoán bệnh nhân T. bị viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim. Ngoài ra, kết quả siêu âm cho thấy tim bệnh nhân gần như không hoạt động. Đối với bệnh nhân này, tỉ lệ tử vong rất cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nguy cấp cần phải hỗ trợ tim, phổi ngay lập tức. Ê kíp bác sĩ từ các Khoa Ngoại tim mạch, HSTC-CĐ đã nhanh chóng triển khai kỹ thuật ECMO để thay thế hoàn toàn chức năng tim - phổi của bệnh nhân. Sau 7 ngày liên tục chạy ECMO kết hợp với siêu lọc máu và điều trị kháng sinh, tình trạng sức khỏe bệnh nhân được cải thiện dần. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn có tình trạng bội nhiễm phổi, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết màng phổi. Chính vì vậy, ê kíp bác sĩ các Khoa HSTC-CĐ, Ngoại Lồng ngực, Ngoại Tim mạch (BV Đà Nẵng) đã cùng phối kết hợp phẫu thuật màng phổi, nội soi phế quản và tiếp tục hồi sức. Sau một tháng được điều trị tích cực, bệnh nhân T. đã hồi phục hoàn toàn, sức khỏe đã ổn định và được xuất viện.

Trước đó không lâu, Khoa HSTC-CĐ (BV Đà Nẵng) cũng đã phối hợp cứu sống bệnh nhân H.B.P (17 tuổi, quê Quảng Nam) trong tình trạng tụt huyết áp, hôn mê sâu, suy hô hấp cấp rất nguy kịch. Trên đây chỉ là số ít trong số những ca bệnh nặng, những ca bệnh suy đa tạng, nguy kịch tính mạng, suy hô hấp cấp, suy cơ tim cấp, ngừng tim, ngừng thở… tưởng như đã vô phương cứu chữa nhưng được BV Đà Nẵng cứu sống nhờ áp dụng thành công kỹ thuật ECMO.

Kỹ thuật chuyên sâu nhất trong hồi sức

ECMO được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị các bệnh lý về tim như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim khiến tim không hoạt động được, không thể tạo máu tươi đi nuôi cơ thể. Đồng thời, ECMO cũng được áp dụng cho những bệnh nhân tổn thương phổi cấp do nhiều nguyên nhân, khiến phổi mất hết chức năng trao đổi ô-xy, làm cơ thể suy sụp, suy đa tạng... Nhiệm vụ ECMO làm thay chức năng của phổi hoặc tim, hoặc cả phổi - tim và bệnh nhân được sống nhân tạo trong thời gian chờ tim, phổi thật được điều trị hồi phục.

Theo Ts.Bs Lê Đức Nhân, để đưa kỹ thuật này vào thực hiện, BV Đà Nẵng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về mặt chuyên môn từ Hội Hồi sức Cấp cứu chống độc Việt Nam và các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị đầu tiên áp dụng ECMO tại Việt Nam, nơi có rất nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật này. Ngoài ra, BV Đà Nẵng còn nhận được sự góp ý từ các chuyên gia về hồi sức tích cực trong và ngoài nước để từng bước hoàn thiện kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện của đơn vị. Đây là một trong những kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống màng trao đổi ô-xy sau đó trả về cho người bệnh. Trước đây, những trường hợp phải hỗ trợ thở máy nếu độ bão hòa ô-xy máu của bệnh nhân không đạt người bệnh sẽ tử vong. Nay phương pháp ECMO được sử dụng cho những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng không đáp ứng với việc hỗ trợ thở máy và bệnh nhân bị suy tim cấp như viêm cơ tim (có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim) hoặc nhồi máu cơ tim mà các phương pháp điều trị thông thường không cải thiện được.

Cũng theo Ts.Bs Lê Đức Nhân, trước đây khi chưa có kỹ thuật ECMO, quá trình điều trị những bệnh nhân sốc tim do viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim nặng hoặc suy hô hấp cấp tiến triển gặp nhiều khó khăn, mặc dù bệnh nhân được áp dụng đầy đủ các kỹ thuật hồi sức thường quy như thở máy, lọc máu liên tục, đặt máy tạo nhịp tim nhưng tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Từ khi kỹ thuật ECMO được áp dụng, BV Đà Nẵng đã giúp cứu sống được những bệnh nhân trong tình trạng tưởng như vô phương cứu chữa. Đây là kỹ thuật rất cao trong hồi sức, là cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân khi các phương pháp khác đã không mang lại kết quả. Hiện kỹ thuật ECMO mới chỉ áp dụng ở một số BV lớn trên cả nước, chỉ những bác sĩ đã qua đào tạo mới có thể thực hiện được.

"ECMO trên lâm sàng chia thành 2 kỹ thuật chính là ECMO hỗ trợ hô hấp (V-V ECMO) chỉ định cho các trường hợp suy hô hấp nặng, không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy và ECMO hỗ trợ tuần hoàn (V-A ECMO), chỉ định cho các bệnh nhân sốc tim nặng do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim… Ngoài ra, ở một số trung tâm lớn về ECMO trên thế giới, kỹ thuật này còn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ ghép tạng và các bệnh lý khác như nhồi máu phổi, sốc nhiễm trùng…". Bs. Nhân cho biết thêm.

LÊ HÙNG