Báo Công An Đà Nẵng

Giành sự sống cho đồng đội

Thứ bảy, 31/03/2018 13:21

Cứu đồng đội từ nhà xác

Những ngày đầu tháng 3-2018, một số cựu chiến binh (CCB) từng tham gia ở chiến trường H. Phú Vang (TT-Huế) có dịp gặp gỡ, chuyện trò ôn lại những ký ức hào hùng của những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975. Trong câu chuyện của những CCB, nhân vật được nhiều người nhắc đến đó là bác sĩ quân y Dương Văn Phát (hiện sinh sống ở ngoài Bắc), nguyên Đội trưởng Đội điều trị Quân y phân khu Trị Thiên."Trong cuộc chiến gian khổ, khốc liệt ấy, ranh giới sống, chết thật mong manh. Những người lính từng tham gia chiến dịch giải phóng Trị Thiên Huế đã được bác sĩ Phát tận tình cứu chữa vượt qua cửa tử"- một CCB nhớ lại.

Những chiến sĩ tham gia giải phóng TT-Huế kể về những lần BS Phát tận tình cứu chữa cho các thương, bệnh binh.

Còn nhớ, năm 2015, dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng TT-Huế, BS Phát đã có dịp về lại chiến trường TT-Huế gặp lại đồng đội của mình, thăm các trạm xá nơi ông đã cứu chữa thương binh. Tháng 3-1975, khi về thăm Bệnh xá Nam đóng ở vùng núi rừng H.Phú Lộc, TT-Huế, bác sĩ Phát chứng kiến chiến sĩ Nguyễn Trọng Chung, bộ đội địa phương H.Phú Vang bị hoại tử sinh hơi cẳng chân vừa được đưa về từ chiến trường. Theo thông tin của anh em trong bệnh xá cung cấp, anh Chung đã ngừng thở 2 giờ đồng hồ, hiện đang nằm ở nhà xác. Nghe xong, bác sĩ Phát vội vàng đến nhà xác, vào nơi anh Chung đang nằm. Khi sờ vào người anh Chung, bác sĩ Phát cảm nhận vẫn còn hơi ấm. Trong bóng tối bao trùm, anh lấy đèn pin soi đi soi lại vào mắt thì thấy đồng tử của Chung vẫn chưa giãn. Bác sĩ Phát nhận định trường hợp này có thể cứu được, nhưng phải sớm cắt bỏ phần bị hoại tử, các độc tố, vi khuẩn sẽ không chạy vào tim và các tổ chức sẽ tự phục hồi. Nhưng lúc đó, thiết bị thực hiện một ca đại phẫu không có, thuốc men thiếu thốn, liệu có làm được không? Phải liều, bác sĩ Phát quả quyết. Cũng may lúc đó Trạm xá Nam có một bộ đại phẫu nhưng chưa từng được sử dụng. Cắt 1/3 đoạn đùi dưới là việc làm đầu tiên của ông. "Bước tiếp theo là phải chờ cho vị trí cắt bỏ có máu tươi hồng rồi mới khâu đóng lại. Khổ nỗi, không có thuốc đặc hiệu trị vi khuẩn yếm khí. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định đưa anh Chung ra ngoài, tìm chỗ có ánh nắng mạnh rọi vào vết thương trong 30 phút. Thật may mắn, ca đại phẫu thành công, tính mạng của đồng đội tôi đã qua cơn nguy kịch"-bác sĩ Phát bồi hồi nhớ lại.

Theo các CCB, trường hợp anh Chung chỉ là một trong số hàng chục ca bệnh đã được bác sĩ Phát giành lại sự sống. CCB Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết: "Hồi đó, tôi là y sĩ tại Bệnh xá Nam. Còn nhớ, một buổi sớm, năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên được tin Mỹ tập trung quân ở Huế, 2 tiểu đoàn ngụy tập trung tại thôn "X" thuộc H. Phú Vang để chuẩn bị càn quét. Quân khu lệnh hỏa tốc, điều động 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 6 phối hợp với 1 tiểu đoàn của Tỉnh đội Thừa Thiên cùng 2 đại đội của hai Huyện đội Phú Lộc và Phú Vang hành quân cấp tốc. Chấp hành mệnh lệnh, chúng tôi đã tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn ngụy, phá tan âm mưu càn quét của chúng. BS Phát cùng đi nghiên cứu, nắm tình hình bố trí đội phẫu và công tác của quân y, các đơn vị đảm bảo chiến đấu. Khi hoàn thành trận đánh thắng lợi, bác sĩ Phát qua đội phẫu của tỉnh đội đặt tại xã Vinh Hà để mổ cho thương binh nặng. Sau đó, cứ mỗi lần có người trên huyện, trên tỉnh về các mẹ ở H. Phú Vang lại hỏi thăm ông với tình cảm trân trọng, biết ơn.

Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Hạnh bên người bạn đời- cũng là một chiến sĩ trong quân đội.

Quên mình để cứu thương binh 

Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Hạnh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của X.Phong Chương, H.Phong Điền- một "chảo lửa" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Trị-Thiên Huế. "15 tuổi, tôi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong địa phương, hoạt động ở vùng tạm chiếm Phong Chương- Quảng Thái. Khó để kể hết bao nhiêu lần tôi cùng anh, chị em lực lượng TNXP vận tải gạo, vũ khí băng rừng, lội suối để chuyển lên vùng căn cứ cách mạng ở khu vực đồi 673 vùng căn cứ cách mạng xã Phong Mỹ, H. Phong Điền...Vượt qua bao thử thách, ác liệt, cam go, có những lúc cơm không no, áo không đủ ấm, luồn lách qua các đồn bốt địch dưới làn mưa bom, bão đạn nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ"- bà Hạnh nhớ lại. Trước khi ba và anh ruột đi tập kết ngoài bắc, cô bé Hạnh ngày nào được gửi về ở với ông nội. "Từ đó, mình sớm giác ngộ cách mạng, yêu nước, căm thù giặc để sau này phấn đấu trở thành một y tá chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân trong chiến tranh. Đó cũng là góp một chút công sức nhỏ bé của mình để tham gia chiến dịch giải phóng quê hương TT-Huế"- bà Hạnh bồi hồi nhớ lại.

Giữa năm Mậu Thân 1968 đến khi giải phóng TT-Huế, Lê Thị Thu Hạnh được cấp trên phân công về công tác tại Đội điều trị 82. Với tình thương đồng chí, đồng đội, bà Hạnh đã làm việc gấp đôi, gấp ba sức mình để cứu chữa, chăm sóc cho hàng trăm thương, bệnh binh nặng, kịp thời cứu sống nhiều thương, bệnh binh. "Đội điều trị 82 đóng quân ở vùng núi dọc tuyến đèo Tà Lương lên A Lưới. Tôi nhớ có một thương binh tên Quân, người quê Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị mảnh đạn xuyên phổi rất nặng. Ngoài việc cứu chữa, nếu không chăm sóc cẩn thận, tính mạng của thương binh này sẽ rất nguy cấp. Suốt đêm, tôi lấy lưng mình để anh Quân ngồi tựa cho dễ thở. Sau một thời gian, anh được chuyển lên tuyến trên tiếp tục chữa trị. Hay trong trận đánh ở đồi A Bia (đồi Thịt Băm)- A Lưới, có một thương binh tên Việt quê Thanh Hóa bị thương ở cánh tay dẫn đến hoại tử. Nhìn cánh tay trương phình lên, đồng đội chỉ biết khóc, còn tôi suốt đêm thức trắng để nhỏ thuốc cho vết thương khỏi bị nhiễm trùng..."- bà Hạnh nước mắt rơm rớm, nhớ lại.

Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì đồng đội; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều bác sĩ, y tá ở chiến trường Trị Thiên Huế đã cứu chữa, chăm sóc và trả về vị trí chiến đấu hàng trăm ngàn lượt thương binh, bệnh binh và nhân dân. Với sự hy sinh thầm lặng, những người khoác áo blouse trong chiến tranh đã góp phần không nhỏ trong chiến dịch giải phóng TT-Huế.

H.LAN