Giáo dục đại học Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ để không tụt hậu
- * GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, ngài Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - đã đến dự.
(Cadn.com.vn) - Hội thảo quốc gia về “Tác động của Khung trình độ quốc gia và Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với giáo dục đại học Việt Nam (GD ĐH)” do Chương trình hỗ trợ GD ĐH khu vực ASEAN của Liên minh Châu Âu (SHARE) phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 30-5 đến 1-6 đã thu hút sự tham gia của 141 đại biểu đến từ các trường ĐH, Trung tâm Kiểm định chất lượng GD ĐH, các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước. 8 phiên làm việc tại hội thảo này nhằm mục đích làm rõ tác động của Khung trình độ Quốc gia Việt Nam và Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với GD ĐH Việt Nam...
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. ảnh: K.Y |
Tính cấp bách việc xây dựng Khung trình độ Quốc gia
Theo GS-TS KH Bùi Văn Ga, việc xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam dựa trên Khung trình độ tham chiếu ASEAN (ban hành ngày 18-10-2016) có thể được xem là “bước khởi khởi đầu quan trọng, là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Khung Trình độ quốc gia tạo điều kiện cho Việt Nam thiết lập mối quan hệ với Khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung trình độ tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, công nhận văn bằng, chứng chỉ... trong trao đổi SV, dịch chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam có 8 bậc, bao gồm 5 bậc giáo dục nghề nghiệp và 3 bậc GD ĐH. Với việc thực hiện Khung trình độ quốc gia sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý đến người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, người học, hướng đến các chuẩn mực quốc tế....; góp phần làm thay đổi cơ bản chất lượng của GD ĐH trong xu thế hội nhập, cạnh tranh mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ GD-DT sẽ quản lý, triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc GD ĐH; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc GD ĐH; chỉ đạo các cơ sở GD ĐH rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng.v.v
Xác định chất lượng giáo dục luôn là vấn đề cốt lõi, là yếu tố sống còn của từng cơ sở giáo dục cũng như cả hệ thống GD ĐH trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nhất là khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đang được Việt Nam đẩy mạnh theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế... Cả nước hiện đã có 88 chương trình được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; 5 trường ĐH đã được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn của AUNQA và HCERES (hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GD ĐH Pháp). Việt Nam cũng tham gia tích cực mạng lưới đánh giá chất lượng khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sự hỗ trợ của Chương trình SHARE đối với GD ĐH ASEAN nói chung, GD Việt Nam. Theo đó, chương trình này đã góp phần tạo nên cầu nối về hợp tác GD-ĐT giữa các nước trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì vậy, Thứ trưởng hy vọng với kinh nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế cùng những chủ đề được đưa ra tại hội thảo sẽ góp phần làm rõ sự tác động của Khung trình độ quốc gia và Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với GD ĐH Việt Nam.
Theo một số chuyên gia nước ngoài, việc thực hiện khung trình độ cấp khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành các khung này. Hội thảo lần này nhằm góp phần xác lập và nâng cao nhận thức cần có ở việt Nam. Sợi dây xuyên suốt của hội thảo sẽ tập trung vào GD ĐH dựa trên chuẩn kết quả đầu ra, bởi lẽ nó gắn kết các khung trình độ và quy trình đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, người học biết được gì, làm được gì và thái độ của họ sau khi kết thúc khóa học cũng chính là một kênh đánh giá để việc thiết kế chương trình đào tạo sao cho tương đồng với quy trình đang được áp dụng trên toàn cầu. Phải làm rõ việc nâng cao tính phù hợp đối với nhu cầu xã hội và khả năng tìm kiếm việc làm cho SV; cần đi sâu vào vấn đề đảm bảo chất lượng, phân tích sự tương tác giữa đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài...
Phải đổi mới mạnh mẽ để không tụt hậu
Trên cơ sở phân tích cặn kẽ những nguyên nhân, hạn chế cả về chủ quan lẫn khách quan thực trạng GD ĐH Việt Nam hiện nay, TS Phạm Như Nghệ cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ASEAN, GD ĐH Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ về năng lực cạnh trạnh. Nếu không có những định hướng và những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện thì nguy cơ tụt hậu của GD ĐH Việt Nam trong khối ASEAN là rất lớn. Thách thức lớn thứ 2 trong bối cảnh hội nhập ASEAN là rào cản về ngôn ngữ. Khi hội nhập, ngôn ngữ dùng nhiều là Tiếng Anh thì với Việt Nam, đây vẫn còn là vùng trũng. Trình độ ngoại ngữ của giảng viên và cán bộ quản lý và SV còn thấp....
Trên cơ sở đó, TS Phạm Như Nghệ cho rằng, định hướng đổi mới GD ĐH Việt Nam trong xu thế hội nhập ASEAN phải xác định được các mục tiêu sau đây: Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, nâng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện được mạng lưới các cơ sở GD ĐH, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, trong đó có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Phải đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề yêu cầu xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ mà GD ĐH Việt Nam cần thực hiện là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD ĐH trong cả nước, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ GD ĐH v.v.
P.Thủy (ghi)