Báo Công An Đà Nẵng

Giáo dục giá trị di sản trong trường học

Thứ hai, 04/08/2014 08:32

(Cadn.com.vn) - Chương trình "Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học" có sức lan tỏa lớn trong các trường tiểu học, THCS ở H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thành công lớn nhất trong 10 năm thực hiện chương trình là đã thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về giá trị di sản Mỹ Sơn.

Ông Lê Trung Thiêng - Phó phòng GD-ĐT H. Duy Xuyên cho biết: Ý tưởng chương trình "Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học" được hình thành từ năm 2003, sau khi Phòng GD-ĐT huyện được mời tham dự hội thảo với chủ đề "Đưa giáo dục di sản văn hóa thế giới vào nhà trường phổ thông", do Ủy ban UNESCO Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức.

Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Phòng GD-ĐT huyện phối hợp với Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn tổ chức biên soạn, ban hành chương trình, tài liệu về giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường phổ thông gồm 2 tập: "Giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường" và "Thiết kế hoạt động dạy học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn".

Từ các tài liệu này, giáo viên các bộ môn Tiếng Việt/Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc lồng ghép các nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản, giá trị lịch sử văn hóa, giá trị nghệ thuật, du lịch, kiến thức khoa học về môi trường bảo vệ di sản... trong các tiết học; đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết về bảo vệ di sản, các kỹ năng sưu tầm tranh ảnh, mẫu vật, viết, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu về Mỹ Sơn.

Em Võ Hồng Nhung (lớp 9/3 Trường THCS Phan Châu Trinh, Duy Xuyên) là một trong những học sinh xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền và bảo vệ di sản Mỹ Sơn. 

Qua 10 năm thực hiện chương trình "Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học", các trường tiểu học trên địa bàn H. Duy Xuyên đã triển khai lồng ghép với tổng cộng 14.123 tiết và các trường khối THCS triển khai lồng ghép 8.530 tiết.

Cùng với việc lồng ghép giáo dục di sản Mỹ Sơn trong các tiết giảng, 36 trường tiểu học và THCS đã tổ chức cho học sinh hơn 200 chuyến tham quan học tập tìm hiểu về Mỹ Sơn; 250 cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn; 255 cuộc thi vẽ tranh và 20 cuộc thi thực hành hướng dẫn viên du lịch Mỹ Sơn cấp trường; 37 cuộc thi thuyết trình tiếng Anh; 39 cuộc thi sáng tác thơ ca về Mỹ Sơn cùng hàng trăm buổi nói chuyện dưới cờ về nội dung tìm hiểu, phát huy, bảo vệ di sản và giá trị toàn cầu của di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Ông Lê Trung Thiêng khẳng định: "Chương trình "Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học" đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, có sức lan tỏa lớn, thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về giá trị di sản Mỹ Sơn.

Qua chương trình, rất nhiều học sinh nhận thức được giá trị văn hóa và vẻ đẹp của di sản, hiểu biết sâu sắc về Mỹ Sơn. Nhiều em đã tham gia thực hành làm "hướng dẫn viên", tạo được sự thích thú cho du khách. Chính các em sẽ là chủ nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn hôm nay và thời gian tới".

Những bức tranh về Mỹ Sơn của học sinh tham gia chương trình được trưng bày.    

Rất nhiều hoạt động liên quan đến chương trình "Đưa giáo dục Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học" ở H. Duy Xuyên có tiếng vang trong và ngoài tỉnh. Chương trình đã được giới thiệu trên các báo, đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài tỉnh. Một số trường học trong tỉnh đã tổ chức đưa giáo viên, học sinh đến di tích để tham quan và trao đổi kinh nghiệm về đưa nội dung giáo dục di sản vào trong trường học.

Ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên khẳng định: "Chương trình đã khơi dậy ý thức trách nhiệm cao trong các tổ chức và cá nhân về việc giáo dục tầm nhìn di sản cho thế hệ trẻ và cho cả việc tự giáo dục của bản thân.

Với nhận thức lan tỏa trong học sinh, phụ huynh, những thông tin được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông đến với xã hội ngày càng rộng, nên công tác bảo vệ, bảo tồn, bảo tàng và du lịch của huyện có nhiều thuận lợi, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung".

Bài, ảnh: Thạch Hà