Báo Công An Đà Nẵng

Giáo dục phát triển chưa xứng với tiềm năng, vị thế của Đà Nẵng

Thứ bảy, 15/07/2017 11:47

(Cadn.com.vn) - Sáng qua (14-7), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về phát triển GD-ĐT của TP. Hai nhóm vấn đề được tập trung nhấn mạnh là phát triển GD-ĐT ở các cấp bậc học của TP và đẩy nhanh tiến độ đối với Dự án Làng ĐH Đà Nẵng...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.

Giáo dục Đà Nẵng phát triển chưa xứng tầm!

Đó là đánh giá chung của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục Bộ GD-ĐT về tình hình phát triển ngành GD-ĐT Đà Nẵng. Ngoài bậc mầm non được đánh giá khá nổi bật, các bậc học còn lại tuy đã có sự quan, tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới phương pháp dạy học..., nhưng so với mặt bằng chung cả nước, nhất là tốp 5 TP lớn, thì GD-ĐT Đà Nẵng phát triển chưa xứng với tiềm năng, vị thế của mình.

Cụ thể, chất lượng GD-ĐT của Đà Nẵng chưa đứng trong nhóm tốp đầu của cả nước. Đối với vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp ở Đà Nẵng chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển chung. Số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia còn khiêm tốn; số lượng HS/lớp quá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Vấn đề hội nhập quốc tế ở các cấp bậc học cũng còn những hạn chế nhất định... Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học Bộ GD-ĐT, so với cả nước, chất lượng GD đại trà của Đà Nẵng yên tâm. Tuy nhiên, về phát triển mạng lưới trường lớp ở bậc THPT thì vẫn còn thấp. Liên quan đến vấn đề đổi mới phương pháp, phương thức dạy học theo hướng tích hợp, ông Vũ Đình Chuẩn đề nghị, ngành GD-ĐT TP cần quan tâm, chú trọng hơn nữa bởi Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để làm được việc này. Vấn đề hướng nghiệp, phân luồng ở Đà Nẵng cũng chưa cao, cần được quan tâm hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đại diện lãnh đạo Vụ GD ĐH, cho biết: Đà Nẵng có số lượng trường ĐH lớn thứ ba so với cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu nói về quy mô và số lượng SV thì Đà Nẵng chiếm 4,2 toàn quốc, nhưng nói về tỉ lệ giảng viên thì chỉ ở mức 3,8%; số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ bằng 2,9% của cả nước. Giảng viên có trình độ tiến sĩ/giảng viên mức trung bình cả nước hiện nay 22,7, thì Đà Nẵng chỉ mới đạt 17,4. Tỉ lệ SV/giảng viên ở Đà Nẵng là 27 SV/1 giảng viên, trong khi đó cả nước chỉ có 24,3 SV/1 giảng viên. Ngoài ĐH vùng Đà Nẵng đạt trên mức trung bình, các trường ĐH khác các chỉ số về chất lượng chỉ gần đạt mức trung bình toàn quốc, khá khiêm tốn so với tiềm năng, tiền lực của Đà Nẵng. “Xét mặt bằng chung,  Đà Nẵng đứng thứ nhì (sau TP Hồ Chí Minh) về nhu cầu học ĐH, trong khi đó điều kiện đảm bảo chất lượng thì lại đạt ở mức độ vừa phải”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh. Cũng theo Bà Kim Phụng, các trường ĐH ở Đà Nẵng cần quan tâm đến việc liên kết đào tạo một số ngành hiện còn thiếu vắng như: du lịch, nghệ thuật, nông lâm, thủy sản. Với tiềm năng và vị thế rất mạnh của mình, theo bà Kim Phụng, Đà Nẵng cần tăng cường chất lượng đội ngũ; đầu tư cơ sở vật chất GD ĐH theo hướng tập trung, tránh dàn trải, manh mún.

Không được tự hài lòng !

Tiếp thu và ghi nhận những phân tích của các Vụ, Cục Bộ GD-ĐT về một số chỉ tiêu còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, vài năm trở lại đây, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã có nhiều đổi mới, đã có sự tương tác giữa đào tạo gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, lãnh đạo TP cùng  các cấp, ngành luôn quan quan tâm, thể hiện sự quyết liệt rất lớn trong việc tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất...để ngành GD-ĐT phát triển xứng tầm... Liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường lớp, Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP rất quyết tâm trong vấn đề này. Tuy nhiên, đối với khu vực nội thành không mở rộng thêm được nữa vì diện tích đất không đảm bảo. Đà Nẵng đang cố gắng giải tỏa những khu vực lân cận, ghép cơ sở để nâng diện tích trường học nội thành lên. Đối với những khu đô thị mới, dự án mới thì TP có những yêu cầu nghiêm ngặt trong công tác quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo việc dành diện tích quỹ đất cho GD-ĐT đúng theo quy định. Cũng theo Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm GD-ĐT lớn ngang tầm với cả nước, thậm chí ra cả khu vực, chỉ cần quan tâm tập trung đầu tư, có chiến lược phát triển đầu tư đúng hướng, kết hợp hài hòa phương thức Nhà nước và xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế... Theo đó, Chủ tịch TP đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu thêm, có những định hướng tổng thể, giúp Đà Nẵng có những định hướng chiến lược để thực hiện được điều này...

Ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo TP đối với sự nghiệp phát triển GD- ĐT TP, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nếu Đà Nẵng phát triển mạnh không chỉ cho TP mà còn kéo theo sự phát triển của cả vùng... Đối với khó khăn của Đà Nẵng trong vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần nghiên cứu quy hoạch theo các cụm và ra vùng ngoại ô, vùng ven, kết hợp với phương tiện đưa đón HS đi vào nền nếp thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Tương tự, đối với mạng lưới ĐH cũng cần quy hoạch theo mạng lưới chung của ngành GD-ĐT đia phương, tránh tình trạng phân tán. Trên nền tảng của dự án Làng ĐH Đà Nẵng, quy hoạch mạng lưới ĐH theo mô hình tập trung sẽ tạo hiệu quả GD-ĐT rất cao. Bộ trưởng cũng cho rằng, cần chỉ đạo quyết liệt về quy mô đào tạo đối với các ngành nghề, tránh tình trạng ngành dư thừa, ngành thì thiếu. Đồng thời Đà Nẵng cần chú trọng hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đến việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo hướng đạt chuẩn mới...Chú ý hơn nữa đến vấn đề phân luồng, đào tạo kết hợp với đầu ra phải có việc làm cho SV; khuyến khích các DN mở các trường nghề; chú trọng đến công tác quản trị nhà trường. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển, Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò tuyên truyền của truyền thông.

Qua phân tích, đánh giá khách quan của các Vụ, Cục Bộ GD-ĐT, kết thúc buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh trăn trở về vị trí ngành GD-ĐT Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn so với cả nước, chưa đứng trong tốp đầu, chưa phát triển đúng với tiềm năng, tiềm lực và vị thế của Đà Nẵng. Từ sự nhìn nhận về cái được và chưa được này để không tự hài lòng với những kết quả đã đạt được. Bởi GD-ĐT luôn là quốc sách hàng đầu. Muốn phát triển bền vững thì ngành GD-ĐT phải phát triển mạnh và bền vững. Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định rằng Đà Nẵng có điều kiện, có tiềm năng để phát triển GD-ĐT. TP rất quan tâm, ưu tiên đầu tư cho GD. Tuy nhiên, Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, Bộ cần chú ý đến vấn đề chất lượng đào tạo gắn với đầu ra, để làm sao SV ra trường có việc làm, đừng quá nặng về lý thuyết hàn lâm...

P.THỦY

Tháo gỡ gút thắt khó khăn về vốn đầu tư dự án Làng ĐH Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định sẽ cùng với Bộ GD-ĐT, ĐHĐN  và chính quyền Quảng Nam quyết liệt để xốc lại dự án kéo dài 20 năm qua vẫn chưa đi đến đâu này.

Trên cơ sở đề xuất của GS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐH Đà Nẵng- đối với Dự án Làng ĐH Đà Nẵng, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ GD-ĐT giúp cho Đà Nẵng và Quảng Nam ghi vốn trung hạn hoặc dự phòng 1.000 tỷ, còn lại Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ bỏ   ra một ít để tập trung giải phóng mặt bằng, giao đất sạch. Theo Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ, tháo gỡ được gút thắt khó khăn này sẽ giải quyết được những vấn đề còn lại. Sau khi có đất sạch rồi thì kêu gọi đầu tư rất dễ.  Cũng theo Chủ tịch TP, cái ngặt hiện nay là tình trạng xây dựng nhà trái phép trên phần đất của phía Quảng Nam quá nhiều, nên “nặng” về tiền  đền bù giải tỏa, còn phía Đà Nẵng thì ổn định.

Trước những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, GS-TS Trần Văn Nam đề xuất, từ việc nghiên cứu mô hình đô thị ĐH của các nước trong khu vực và thế giới,  đối với Dự án Làng ĐH Đà Nẵng nên xã hội hóa một phần quỹ đất trong dự án, tìm kiếm nhà đầu tư để làm thí điểm. Khi khu đô thị ĐH Đà Nẵng mà phát triển được sẽ kéo theo sự phát triển của cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và cả khu vực.

P.T